Bạn đừng tìm giờ để cầu nguyện; ban hãy tạo nên giờ cầu nguyện.

Để tạo ra thì giờ để làm việc gì đó, bạn phải lấy giờ đó ra khỏi những thứ khác. Phải hy sinh một công việc nào đó. Khi dành thời giờ để xem tivi, bạn phải hy sinh giờ làm bài tập. Khi dành thời giờ để làm bài tập, bạn phải hy sinh giờ xem tivi.

Trên hết, cầu nguyện là hy sinh thời giờ cho Thiên Chúa. Luôn có một điều gì đó bám lấy bạn ngay khi bạn quyết định cầu nguyện. Tâm trí bạn bắt đầu tán gẫu và đề xuất nhiều thứ khác để bạn làm. Bạn buộc phải hy sinh những thứ này, chí ít là một chút thời gian. Phần quan trọng nhất của cầu nguyện chính là điều này: quyết tâm dành cho Thiên Chúa một khoảng thời gian và trung thành với quyết định đó.

Có điều gì đó trong bạn co lại để tránh việc cầu nguyện. Có gì đó trong bạn thì thầm tất cả những lý do biện minh cho việc không cầu nguyện. Những thứ này sợ lời cầu nguyện. Chúng biết rằng, cầu nguyện là hiện diện trước Nhan Thiên Chúa; và khi xuất hiện, Người giống như ánh sáng vậy: ánh sáng phá hủy những gì đối nghịch với nó, tức là sự tối tăm. Vì vậy, chính những mảnh phần của sự tăm tối trong bạn sợ hãi ánh sáng của Thiên Chúa, sự hiện diện của Thiên Chúa, là điều mà lời cầu nguyện mang lại (x. Ga 3,19-21).

Bạn buộc phải quyết định: nghe theo Thiên Chúa hay nghe theo những phần tăm tối trong bạn? Chúng là những thứ mà Thiên Chúa muốn quét sạch. Thiên Chúa giống như một người dọn dẹp vệ sinh vậy. Một khi bạn để cho Thiên Chúa đi vào, Người liền rảo quanh để quét tước, dọn dẹp, chà rửa, sắp xếp lại mọi thứ. Và lời cầu nguyện là việc để cho Thiên Chúa đi vào.

Tất cả những gì mà Thiên Chúa muốn sắp xếp lại cũng như thay đổi nơi bạn chính là những thứ đang khiến cho bạn phạm tội và không hạnh phúc. Thiên Chúa không phải là kẻ thù, nhưng là bằng hữu, thậm chí là người yêu của bạn. Thiên Chúa chỉ có một ước muốn duy nhất dành cho bạn (tình yêu thì rất tập trung chuyên môn), đó là bạn được vui vẻ. Vì vậy, bạn không cần phải lo sợ để cho Thiên Chúa đi vào và hành động nơi bạn. Tuy nhiên, “kẻ thù bên trong,” những phần tăm tối trong bạn (tất cả chúng ta đều có), thực sự cần phải sợ Thiên Chúa. Đó là lý do vì sao bạn cảm nghiệm đuợc một sự miễn cưỡng cầu nguyện, một sự khó khăn trong cầu nguyện, nhất là khi bắt đầu, dù cho bạn biết rằng, cầu nguyện là điều tốt và mang đến cho bạn hạnh phúc cũng như sự bình an.

Bạn buộc phải quyết định lắng nghe theo tiếng nói nào.

Khi một em nhỏ trao cho Đức Giêsu năm chiếc bánh và hai con cá, Người đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi năm ngàn người (Ga 6,1- 13). Đức Giêsu cũng sẽ làm điều tương tự với thời gian của bạn. Bất kỳ điều gì bạn trao cho Người, Người sẽ nhân lên gấp bội. Khi dành thời gian để cầu nguyện, bạn sẽ nhận thấy là, bạn có thêm nhiều thời gian, chứ không phải ít đi. Nếu bạn cảm thấy điều này nghe có vẻ nghịch lý, thì trong tinh thần cởi mở, tôi thách bạn cứ thử một lần. Tôi đảm bảo bạn sẽ cảm thấy y như vậy. Hãy dành thời gian cho Thiên Chúa, và toàn bộ thời gian còn lại của bạn sẽ được thanh thản hơn, tươi vui và hiệu quả hơn.

Từ chối không dành thời gian cho Chúa, toàn bộ phần thời gian còn lại của bạn sẽ ra như bị cướp bóc và đầy những phiền hà.

Thiên Chúa sáng tạo nên thời gian, Người dựng nên thời gian. Thiên Chúa sở hữu tất cả mọi thời gian, trong sự vĩnh cửu của Người. Thiên Chúa là chủ và là Đấng ban phát thời gian (Gv 3,1). Nếu bạn cần thêm thời gian, bạn phải chạy đến với Thiên Chúa, nơi cất giữ tất cả mọi thời gian. Càng đến gần với Người, bạn càng có thêm nhiều thời gian; càng chạy xa khỏi Người, thời gian càng trở thành ông chủ, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy đủ và “ở trên mọi sự”.

Vì vậy, bạn thấy đó, cầu nguyện là việc rất thiết thực. Tuy nhiên, chúng ta không được cầu ngnyên đơn thuần chỉ vì lý do thiết thực, nhưng vì lòng mến và vì Thiên Chúa xứng đáng với điều đó: chúng ta cầu nguyện vì một lý do tương tự như lý do bạn trò chuyện với bạn bè của mình. Thiên Chúa chính là Người Bạn Cao Cả của chúng ta.

Về việc tạo ra thời gian để cầu nguyện, hãy đọc Mt 6,6; Cv 2,24; 3,1; 10,30 và lTx 5,17. Để có những mẫu gương về việc cầu nguyện, hãy đọc lSm 1,9-2,10 và Tb 8,4-8.

(Trích từ:  Peter Kreeft, Chúng tôi hỏi Chúa trả lời,

Chuyển ngữ Phanxicô Xaviê Nguyễn Anh Tân, OP, 104 – 107.)