Đức Kitô là con người như thế nào? Ngài thực sự là người. Ngài cũng đã biết mệt mỏi sau mỗi khi làm việc; quả mệt mỏi đến độ Ngài đã ngủ gục trên thuyền (Mc 5,38). Ngài đã quá khát đến nỗi không ngần ngại xin một người phụ nữ Samaria nước để uống (Ga 4,7). Ngài quá thực tế và hấp dẫn nên đã thu hút nhiều người khiến họ bỏ công ăn việc làm để đi theo Ngài hoặc nghe Ngài giảng dạy. Ngài đã can đảm đến nỗi không đe dọa hoặc cuộc mưu sát nào có thể làm Ngài khiếp sợ chùn bước trong sứ vụ làm trọn thánh ý của Cha Ngài. Ngài đã thực sự rất nhạy cảm nên đã khóc thương bạn mình là Lazarô. Ngài cũng rất trung thành với đồng bạn cho dù họ từ chối Ngài và lìa bỏ Ngài, nhưng Ngài vẫn không từ bỏ họ. Ngài yêu thương đến nỗi đã sẵn sàng chịu chết hiến mạng sống của Ngài cho nhân loại. Đức Giêsu là bạn riêng của từng con người. Ngài là Đấng Cứu Thế của từng cá nhân, bởi vì Ngài đã thống trị tất cả tội lỗi, và sự chết. Nhờ Ngài mà tất cả mọi người được quyền hưởng ơn cứu độ. Tin tưởng phó thác nơi Đức Kitô chúng ta sẽ được cứu rỗi. Ngài yêu thương từng người chúng ta cách riêng biệt. Ngài là Đấng Cứu Thế, là Đầu của Thân Thể Giáo Hội, là trưởng tử trong gia đình Thiên Chúa. Ngài không những chỉ là Người, nhưng Ngài cũng là Thiên Chúa.

 

I. Đức Giêsu Kitô là ai

  1. Chứng tích lịch sử

         Có thật Đức Giêsu Kitô đã sống trên trái đất này, hay là Ngài chỉ là một nhân vật giả tưởng? Theo lịch sử ghi chép lại do Flavius Josephus, là một người Roma không có niềm tin vào Đức Kitô, ông đã ghi nhận:

Trong thời gian này, có ông Giêsu, một người khôn ngoan, nếu có thể hợp pháp gọi ngài là một con người, bởi vì ngài làm rất nhiều việc lạ lùng – một thầy dạy của nhiều người mà họ lãnh nhận chân lý với sự sung sướng mãn nguyện. Ngài đã thu hút đến với Ngài rất nhiều người Do Thái và nhiều người thuộc dân ngoại. Ngài là đức Kitô; và khi Philatô, với sự đề nghị của những người vị vọng trong chúng ta, đã xử Ngài chết treo trên thập tự, những người mến yêu Ngài từ ban đầu đã không từ bỏ Ngài, vì Ngài đã hiện ra với họ sống động vào ngày thứ ba, như lời các tiên tri của Chúa đã báo trước về những sự kiện này, và hàng ngàn vạn những việc lạ lùng khác về Ngài; và nhóm Kitô hữu được đặt tên sau danh hiệu của Ngài, đã không bị tàn lụi cho đến ngày nay” (Work of Josephus, Antiquities of The Jews. Book XVII #3 p. 11).

  1. Chứng Tích Thánh Kinh

         Qua sử liệu Thánh Kinh được ghi lại theo bốn thánh sử: Matthêu, Maccô, Luca và Gioan thì Đức Giêsu đã sinh ra ở Bêlem xứ Giuđa. Người quê thành Nazareth. Mẹ người là Maria và cha nuôi người là Giuse. Thánh Matthêu 1-2,23 và Luca 1,1-3,37 đã ghi lại gia phả của Ngài. Thánh Gioan Tiền Hô đã làm chứng về Đức Giêsu là Đấng Kitô, là Chiên Thiên Chúa (Ga 1,29-34). Đức Giêsu đã được sinh ra dưới thời Hoàng Đế Augustus năm 23 BC – 14 AD. Và công cuộc rao giảng Tin Mừng và đời sống công khai của Ngài dưới thời Tiberius 14-37 AD (Lc 2,1). Ngài sống cùng thời với vua Hêrôđê mà Ngài đã gọi Hêrôđê là cáo già (Lc 13,32). Và Ngài đã chết dưới thời quan tổng trấn Philatô (Mc 15,1).

         Chính Đức Giêsu đã kêu gọi nhân loại đặt niềm tin vào Ngài và vào những lời Ngài giảng dạy. Ngài xưng nhận mình là Đấng Cứu Thế, là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống. Đồng thời những người chống đối Ngài đã coi Ngài là kẻ phạm thượng, là một tiên tri giả hay là một kẻ phiến loạn. Hêrôđê đã chế diễu Ngài là một người khờ dại (Lc 23,6-12). Một số người bà con thân cận thì nghĩ là Ngài là người mất trí (Mc 3,21). Nhiều người nghe Ngài giảng dạy và thấy những phép lạ Ngài làm thì tự hỏi Ngài là ai vậỵ? (Mc 4,40).

  1. Đức Giêsu Kiện Toàn Lời Hứa Cựu Ước

         Đức Giêsu là tất cả những gì mà Thiên Chúa muốn nói, muốn tỏ lộ, và muốn đối xử với nhân loại. Đức Giêsu là tất cả những gì Thiên Chúa có thể nói với nhân loại, bởi vì Ngài là Ngôi Lời của Thiên Chúa. Ngài là Con Thiên Chúa, là sự tỏ bày của Thiên Chúa. Tất cả mọi sự đều chia sẻ trong Đức Giêsu. Tất cả tạo vật trong vũ trụ hiện hữu là vì được chia sẻ trong sự hiện hữu của Đức Giêsu (Ga 1,1-18). Đức Giêsu cũng là sự viên mãn cho niềm mong đợi của dân Do Thái trong suốt bao nhiêu thế kỷ. Họ đã được hứa ban cho một vị tiên tri vĩ đại, Đấng sẽ loan truyền tin mừng của Thiên Chúa (Đnl 18,15-20). Dân Do Thái cũng đã mong đợi vị vua trong dòng tộc Đavid, Đấng sẽ giải thoát họ và dẫn đưa họ tới chiến thắng huy hoàng vẻ vang (2Sam 7,12-16; Ga 4,25-26). Đức Giêsu chính là vị vua đó. Họ cũng đã được báo cho biết rằng một người tôi tớ của Thiên Chúa (Is 49,53) mà qua những thương tích, đau khổ và sự chết của Ngài, mọi người sẽ được chữa lành và được cứu rỗi. Đức Giêsu chính là Người tôi tớ đó. Họ cũng được hứa sự xuất hiện của Con Người như một siêu nhân (Đan 7,13-14) Đấng sẽ nhận lãnh từ Thiên Chúa quyền lực, vinh quang và thống trị trên mọi dân tộc cho tới muôn đời. Đức Giêsu chính là Con người siêu nhân đó.

         Nhưng Đức Giêsu còn vượt hơn tất cả, Ngài là Chúa của vũ trụ, vì tất cả mọi sự có đều bởi Ngài. Và ngoài Ngài ra không có gì có thể tồn tại. Trước khi có trời đất thì đã có Ngài (Ga 1,3). Thiên Chúa là Đấng tự biểu lộ chính mình, và Ngài đã biểu lộ chính Ngài qua Đức Giêsu. Thiên Chúa là Đấng thông ban, và chính Đức Giêsu là món quà và là sự thông ban của Thiên Chúa cho nhân loại. Thiên Chúa là Tình Yêu và Đức Giêsu là chính sự biểu lộ Tình Yêu của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại. Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đã yêu thương nhân loại quá đỗi đến nỗi không có sự tội lỗi, thất trung bội nghĩa nào của nhân loại có thể làm mất đi tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Tình yêu của Thiên Chúa là lình yêu tạo dựng, tha thứ, chữa lành, và cứu độ. Trong tình yêu đó chúng ta được thần linh hóa, được Kitô hóa, thánh thiện hóa, và được biến đổi trở nên anh chị em với Đức Giêsu. Thiên Chúa muốn Cha của chúng ta và trong Đức Giêsu Kitô chúng ta được tiếp nhận sự sống mới, sự sống của Thiên Chúa, làm cho chúng ta trở nên con cái của Thiên Chúa.

         Đối với chúng ta thì Đức Giêsu là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống. Ngài là nước hằng sống, và là lương thực hằng ngày. Ngài là sự sáng, là sự sống lại, là hy vọng, và là bảo đảm sự sống đời đời của nhân loại. Sự sống đời đời không có nghĩa là chỉ sau khi chết, nhưng là sự sống thần linh với Đức Giêsu, với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần sống động trong chúng ta ngay ở hiện tại.

  1. Đức Kitô là Con Người

         Đức Kitô là con người như thế nào? Ngài thực sự là người. Ngài cũng đã biết mệt mỏi sau mỗi khi làm việc; quá mệt mỏi đến độ Ngài đã ngủ gục trên thuyền (Mc 5,38). Ngài đã quá khát đến nỗi không ngần ngại xin một người phụ nữ Samaria nước để uống (Ga 4,7). Ngài quá thực tế và hấp dẫn nên đã thu hút nhiều người khiến họ bỏ công ăn việc làm để đi theo Ngài hoặc nghe Ngài giảng dạy. Ngài đã can đảm đến nỗi không đe dọa hoặc cuộc mưu sát nào có thể làm Ngài khiếp sợ chùn bước trong sứ vụ làm trọn thánh ý của Cha Ngài. Ngài đã thực sự rất nhạy cảm nên đã khóc thương bạn mình là Lazarô. Ngài cũng rất trung thành với đồng bạn cho dù họ từ chối Ngài và lìa bỏ Ngài, nhưng Ngài vẫn không từ bỏ họ. Ngài yêu thương đến nỗi đã sẵn sàng chịu chết hiến mạng sống của Ngài cho nhân loại. Đức Giêsu là bạn riêng của từng con người. Ngài là Đấng Cứu Thế của từng cá nhân, bởi vì Ngài đã thống trị tất cả tội lỗi, và sự chết. Nhờ Ngài mà tất cả mọi người được quyền hưởng ơn cứu độ. Tin tưởng phó thác nơi Đức Kitô chúng ta sẽ được cứu rỗi. Ngài yêu thương từng người chúng ta cách riêng biệt. Ngài là Đấng Cứu Thế, là Đầu của Thân Thể Giáo Hội, là trưởng tử trong gia đình Thiên Chúa. Ngài không những chỉ là Người, nhưng Ngài cũng là Thiên Chúa.

         Đức Giêsu hoàn toàn không chấp nhận lối sống đạo giả hình. Ngài lên án những người chỉ lo rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong lại đầy tràn tham lam và xấu xa (Mt 23,25; Lc 11,39; Mc 7,15-23). Đối với sự phán đoán của Thiên Chúa thì một hành động xấu hay tốt tùy thuộc ở nơi nội tâm của người hành động, chứ không do nguyên tự việc làm. Ngài cũng đặt nặng phẩm chất của việc làm hơn là số lượng như trường hợp của người thanh niên giàu có; anh đã làm tất cả những gì lề luật đòi hỏi. “Lạy Thầy, tôi đã giữ tất cả những điều này từ thuở nhỏ”. Nhưng Đức Giêsu đã phải thất vọng vì anh không đáp lại được lời mời gọi của Ngài.  Nói tóm lại. Đức Giêsu nhấn mạnh đến ý hướng ngay lành từ nội tâm của con người trong các việc làm của họ. Vì Nước Trời đã đến, và đây là một triều đại mới trong tinh thần liên hệ giữa Thiên Chúa và nhân loại.

         Chúng ta ôn lại và tìm hiểu thêm về tinh thần và giáo huấn của Đức Kitô để chúng ta trở nên những người môn đệ chính hiệu hơn.

 

II. Đức Giêsu đã dạy những gì

         Đức Giêsu đã xuất hiện như một vị linh sư. Ngài đã thâu nhận môn đệ và dạy dỗ huấn luyện họ. Dân chúng cũng mến mộ và tôn trọng Ngài như một vị Thầy đáng tin tưởng kính tôn. Đức Giêsu là Thầy; như vậy Ngài đã dạy những gì, và đâu là giáo huấn của Ngài?

  1. Chỉ có một Thiên Chúa

         Đức Giêsu đã dạy rằng chỉ có một Thiên Chúa; Ngài là Chúa trời đất (Mt 11,25; Lc 10,21); Ngài toàn thiện, và không ai là nhân lành ngoài trừ Thiên Chúa (Mc 10,18); Ngài quyền năng (Mc 10,27). Bởi vì Ngài tốt lành và quyền năng, Ngài là Đấng đáng cho ta tin tưởng, cậy trông. Bởi vì Ngài là Vua nên chúng ta phải tùng phục; Ngài nghiêm thẳng, nhưng cũng đầy tình thương.

  1. Mới và Quyết Liệt

         Lời giảng dạy của Đức Giêsu có chiều hướng mới, một chiều hướng khởi điểm cho một thời đại mới, và có tính cách khẩn cấp và quyết liệt. Chiều hướng mới được biểu lộ trong các dụ ngôn của Ngài như dụ ngôn người nông dân đi gieo hạt giống trong ruộng; ông nhẫn nại trông xem hạt lúa mọc lên từ từ rồi dần dần thành mạ, rồi có đòng đòng, rồi thành bông lúa (Mc 4,28). Khi tới mùa gặt, người ta đem liềm đi cắt lúa. Rồi tới dụ ngôn người đi tìm ngọc quý. Khi tìm được ngọc quý, người ấy liền về bán hết gia tài để mua cho bàng được viên ngọc quý đó (Mt 13,45-46). Rồi dụ ngôn người bị đưa ra tòa thưa kiện cần phải dàn xếp tức thời (Mt 5,25-26; Lc 12,57-59). Người đầy tớ bị sa thải phải tìm cách mua chuộc bạn bè để khỏi phải xin ăn (Lc 16,3-4). Tất cả các dụ ngôn đều có tính cách khẩn trương khi nghe lời giảng dạy của Ngài. Mùa gặt là thời điểm hứa hẹn của một vụ mùa, cũng giống như thế, đây là thời điểm hứa hẹn của các thời đại. “Ta bảo các ngươi, hãy ngước mắt lên mà nhìn, đồng lúa đã chín vàng chờ gặt. Rồi kìa, thợ gặt lĩnh công, và thu lượm hoa mầu cho sự sống đời đời (Ga 4,35).

         Đây là thời gian lịch sử của dân Do Thái với tất cả các lời tiên tri được nên trọn. “Phúc cho mắt được thấy điều anh em thấy! Vì chưng Ta bảo thật cho anh em hay, nhiều tiên tri và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em thấy mà chẳng được thấy, nghe điều anh em nghe mà chẳng được nghe” (Lc 10,23-24). “Lề luật và tiên tri được kéo dài đến đời Gioan, nhưng từ bấy giờ trở đi, nước Thiên Chúa được loan báo, và mọi người sấn xả đi vào” (Lc 16,16). Điều này có nghĩa là với công việc của Gioan là dấu điềm hoàn tất của thời đại cũ, và thời đại mới được bắt đầu. Thời đại mới đó được đánh dấu bằng Tin Mừng về Nước Thiên Chúa.

         Đức Giêsu đến Galilêa và công bố: “Thời buổi đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần bên! Hãy hối cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Người Galilêa đã nhận ra vai trò của Chúa Kitô khi họ bàn tán với nhau: “E-li-a đó!”, “Một tiên tri nào như các tiên tri thời xưa” (Mc 6,15). Đức Giêsu đến và đã rao giảng về thời giờ của Nước Thiên Chúa đã đến. Đó là thời điểm quyết định. Thiên Chúa đến và thách đố con người cách khẩn trương hơn bao giờ hết.

  1. Nước Thiên Chúa Đến

         Thiên Chúa là Đấng có từ đời đời. Ngài luôn hiện hữu, nên không thể nói là Ngài đã đến gần hay xa. Ngài luôn luôn là Chúa và là Vua. Như vậy phải hiểu thế nào khi nói Nước Thiên Chúa đã đến gần; vì thực ra Nước Thiên Chúa luôn luôn hiện diện?

         Chúng ta là con người được sinh ra trong thời gian và không gian. Ở một thời điểm nào đó trong lịch sử nhân loại, chân lý đời đời được tỏ hiện cho con người. Thời điểm chân lý đời đời đó được tỏ hiện bằng việc đến của Đức Giêsu Kitô. Sự hiện diện của Thiên Chúa được tỏ hiện cho nhân loại qua Đức Giêsu Kitô và qua các việc Ngài làm: “Ví bằng Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Nước Thiên Chúa đã đến trên các ngươi” (Lc 11,20)

  1. Thái Độ Đối Với Nước Thiên Chúa

         Qua lời nói và việc làm của Đức Giêsu, Ngài làm cho con người phải ý thức về Nước Thiên Chúa, và Ngài thách thức họ đáp lại Tin Mừng của Ngài đem đến. Tin Mừng đây có nghĩa là cơ hội mới và một cảm thức mới cho con người. Việc đến của Nước Thiên Chúa có nghĩa là một cơ hội thăng tiến cho cuộc sống. Và cũng nêu cao trách nhiệm đạo đức luân lý của con người. Đức Giêsu mong chờ sự đáp ứng nơi những thính giả của Ngài như thế nào?

         “Nước Thiên Chúa đã đến trên các ngươi, hãy ăn năn cải thiện!” Ăn năn cải thiện không chỉ có nghĩa là lo buồn thống hối vì tội lỗi của mình. Nhưng ý nghĩa nguyên thủy trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là suy nghĩ lại, thay đổi tư tưởng và quan niệm sống. Ăn năn cải thiện có nghĩa là điều chỉnh lại tư tưởng và cảm thức cũng như hành động để nhờ đó một cuộc sống mới, và thái độ mới được bắt đầu triển nở. Sự điều chỉnh được bắt đầu bằng việc chấp nhận Tin Mừng của Thiên Chúa do Đức Giêsu đem đến. Tin Mừng đó tiên khởi là tin tường vào sự hiện diện của Thiên Chúa ngay bây giờ. Ngài hiện diện trong vẻ đẹp kỳ diệu của thiên nhiên. Con người gặp gỡ Thiên Chúa ở khắp nơi và trong mọi tạo vật, vì Ngài là Chúa trời đất: tối cao, tốt lành và uy quyền. Lòng nhân lành của Ngài trải rộng tới tất cả mọi loài không phân biệt tốt xấu. “Ngài cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như những kẻ bất chính” (Mt 5,45). Và Ngài tận tình để ý chăm sóc cho con người đến nỗi “Một sợi tóc trên đầu rơi xuống cũng không ngoài ý của Ngài” (Mt 10,30).

  1. Đức Giêsu Bày Tỏ Thiên Chúa Cha

         Đức Giêsu đã bày tỏ cho nhân loại biết về Thiên Chúa Cha. Ngài đã không ngần ngại sánh ví tình phụ tử của Thiên Chúa và tình phụ tử của nhân loại: “Nếu các ngươi là những người tội lỗi mà còn biết cho con cái các ngươi những của tốt, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban của tốt cho những ai kêu xin Ngài chăng?” (Mt 7,11; Lc 11,13). Cùng một sự so sánh giống như thế trong dụ ngôn người con trai hoang đàng (Lc 15,11-32). Đức Giêsu đã trình bày Thiên Chúa như một người Cha nhân từ và nhẫn nại. Hình ảnh đó được biểu lộ nơi các người cha trần thế.

         Đức Giêsu dạy về Thiên Chúa một cách rõ ràng, trực tiếp, thân tình, và đơn sơ bằng ngôn ngữ của tình cha con. Ngài quả quyết: “Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng nay còn mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống chi là anh em… Cha anh em trên trời biết anh em cần những điều ấy… đừng sợ hỡi đàn chiên bé nhỏ! Vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em” (Lc 12,29-32). Những đặc tính tương tự như thế cũng được trình bày trong lời nguyện của Kinh Lạy Cha mà Giáo Hội vẫn tiếp tục cầu nguyện từ những ngày sơ khai; kinh đó đã được tin tưỏng rằng chính Đức Giêsu đã dạy các môn đệ của Ngài:

         “Lạy Cha chúng con ở trên trời. Chúng con nguyện cho danh Cha cả sáng. Nước Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời…”.

         Tiếng Abba có nghĩa là Cha, một tiếng dùng để diễn tà tình thân mật giữa con và cha. Theo ngôn ngữ Aramaic thì đây là tiếng của đứa con nhỏ nói với bố trong sự thân mật của tình cha con một cách đơn sơ, trực tiếp và tin tưởng. Đức Giêsu đã dạy: “Nếu anh em không hoán cải mà trở nên như trẻ nhỏ thì anh em không thể vào nước trời” (Mt 18,3). Ai không đón nhận nước trời như trẻ nhỏ thì không thể vào được trong đó (Mt 10,15). Hoán cải đây có nghĩa là thay đổi cuộc sống, và học hỏi để tin nhận Thiên Chúa là Cha và chúng ta là con cái của Ngài.

  1. Giới Luật Cao Trọng

         Đức Giêsu đồng ý với một số nhà thông giáo thời đó trong việc dạy về lề luật. Theo Ngài thì có hai giới luật cao trọng nhất. Hai giới luật đó là nền tảng cho tất cả các luật lệ khác. “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống như điều răn ấy là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả luật Môi-sê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào điều răn ấy” (Mt 22,37- 40).

  1. Yêu Thiên Chúa

         Đối với Thiên Chúa thì tình yêu của chúng ta là tình con đối với cha. Yêu với hết cả tâm hồn, tin tưởng, phó thác, cậy trông, và vâng lời thảo hiếu. Và phải học biết bắt chước Cha của mình như lời tục ngữ “Cha nào con ấy”. Là con cái của Thiên Chúa, chúng ta phải cố gắng trở nên giống Cha của mình. Chúng ta phải bắt chước thái độ của Cha chúng ta đối xử với người khác, và với con cái của Ngài như lời Đức Giêsu đã dạy: “Các ngươi nên như những người con của Cha các ngươi, Đấng ở trên trời, vì Người cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như nhưng kẻ bất chính” (Mt 5,45). Tóm lại, yêu Thiên Chúa là sống xứng đáng với địa vị là con cái của Thiên Chúa có nghĩa là chúng ta phải đối xử với những người khác như Thiên Chúa đối xử với chúng ta.

  1. Yêu Người Thân Cận

         Lòng nhân lành của Thiên Chúa thì không có sự phân biệt, và vượt lên trên sự công bằng. Cho nên tiếng người thân cận hay đồng loại phải được tái định nghĩa. Trong dụ ngôn người Samaritanô cho chúng ta khái niệm về việc nhận biết ai là người thân cận, ai là người tha nhân đồng loại. Yêu người thân cận, hay yêu tha nhân đồng loại là làm cho những gì cần thiết phải làm trong lúc nguy ngập, bất kể họ là ai, người quen biết hay kẻ xa lạ, bạn hữu hay kẻ thù nghịch. Đức Giêsu nói rất rõ, “Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,46-48).

         “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh em má bên này, thì hãy đưa cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh em, thì cũng đừng cản họ lấy áo trong. Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh em, thì đừng đòi lại. Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. Nếu anh em yêu thương kẻ thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác. Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,27-36).

         Nếu hiểu cách nghiêm chỉnh đây là lề luật áp dụng cho đời sống hằng ngày thì quả thật nhân loại và tất cả Kitô hữu chúng ta còn sống rất xa lề luật của Thiên Chúa. Không biết cho đến bao giờ chúng ta mới sống được như vậy. Tuy nhiên đây là hướng dẫn cho cuộc sống mà Thiên Chúa muốn chúng ta thận trọng để ý nhắm tới. Đây cũng là những nguyên tắc và thí dụ cụ thể cho phẩm cách của con cái Thiên Chúa trong mối tương giao với người khác. Đức Giêsu thừa biết là Ngài đòi hỏi cách ngoại thường khi Ngài thay thế luật yêu thương người thân cận bằng việc yêu thương cả kẻ thù nghịch. Ngài cũng đã kêu gọi đến trách nhiệm phải tha thứ khi Phêrô hỏi, “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Giêsu đáp, “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18,21-22).

         Phêrô ý thức rằng tha thứ là một việc làm thuộc nhân đức, nhưng ông muốn được biết rõ ông phải tha thứ cho người ta tối đa là bao nhiêu lần. Theo ý nơi câu trả lời của Đức Giêsu thì có nghĩa là việc tha thứ sẽ không có giới hạn. Đức Giêsu nhấn mạnh như thế là vì Ngài muốn tỏ ra rằng thời điểm dấn thân trọn vẹn đã đến. Việc dấn thân của con cái Thiên Chúa sẽ không có giới hạn và cho dù có hoàn tất nhưng huấn lệnh của Ngài, việc đó cũng chẳng kể là chi: “Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm thì hãy nói: Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10). Việc con người có thể làm chu toàn bổn phận phải làm trước mặt Thiên Chúa, và rồi hãy phó thác cho lòng nhân lành của Ngài. Tha thứ bảy mươi lần bảy là việc làm của Thiên Chúa Cha nhưng đồng thời Đức Giêsu cũng nói: “Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6,14-15). Đây không phải là một sự đe dọa trả thù của Thiên Chúa. Nhưng nó có nghĩa là người không tha thứ là người không được đứng vào hàng ngũ của con cái Thiên Chúa Cha trên trời. Họ đã làm đứt dây liên lạc bởi chính hành động không tha thứ, không đối xử với tha nhân theo nguyên tắc của con cái Thiên Chúa. Và do đó họ tự loại mình ra khỏi gia đình của Thiên Chúa.

  1. Ý Hướng Ngay Lành

         Một cách rất hiển nhiên về đạo lý của Đức Giêsu là Ngài chú trọng vào giá trị của con người và trách nhiệm của con người đối với Thiên Chúa. Tất cả mọi lề luật và mọi sự đều nhắm chủ đích hoàn hảo hóa đời sống con người trong tình liên hệ Thiên Chúa. “Lề luật cho con người chứ không phải con người vì lề luật”. “Ngày Sabath cho con người chứ không phải con người vì ngày Sabath”. “Trong ngày Sabath nên làm lành hay làm ác?” (Lc 6,9; Mt 12,9-14; Mc 3,1-6).

         Đức Giêsu cũng dạy phải thành tâm khi cầu nguyện và làm việc lành phúc đức. “Người tốt thì rút cái tốt từ kho tàng tốt của mình; kẻ xấu thì rút cái xấu từ kho tàng xấu của mình” (Mt 12,35). “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh em khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh em bố thí được kín đáo, và Cha của anh em, Đấng thấu suốt những gì kín đáo sẽ trả lại cho anh em. Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả, chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh em, khi cầu nguyện, hãy vào phòng đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh em, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh em, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh em” (Mt 6,1-6).

 

Gioan Trần Khả