Giáo Hội muốn giáo dân học hỏi Kinh Thánh

Giáo dân học hỏi Kinh Thánh không phải là một điều mới mẻ. Cách đây hơn nửa thế kỷ, Công đồng Vaticanô II đã tuyên bố trong Hiến Chế về Mặc Khải, Dei Verbum: “Thánh Công Đồng ân cần và đặc biệt khuyến khích mọi Kitô hữu, nhất là các tu sĩ, hãy đạt đến ‘sự hiểu biết tuyệt vời về Chúa Giêsu Kitô’ (Pl 3,8) nhờ năng đọc Sách Thánh. ‘Thật vậy, không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô’. Vì thế họ phải siêng năng tìm đến với chính bản văn Kinh Thánh, hoặc nhờ Phụng vụ thánh chứa đựng dồi dào Lời Chúa, hoặc nhờ những lớp học hỏi thích hợp và những phương tiện khác hiện đang được phổ biến khắp nơi với sự chuẩn nhận và quan tâm của các vị Chủ Chăn trong Giáo Hội” (DV 25). Như thế, đối với Công Đồng, việc học hỏi Kinh Thánh là việc của mọi Kitô hữu, của mọi giáo dân. Giáo dân được mời gọi tiếp xúc với chính bản văn Kinh Thánh, qua tham dự phụng vụ Lời Chúa, qua việc đọc Lời Chúa riêng tư, hay qua việc tham dự các khóa học và qua những phương tiện truyền thông khác.

 

Giám mục là người có nhiệm vụ dạy cho các tín hữu “biết sử dụng cho đúng các Sách Thánh, nhất là Tân Ước và đặc biệt là các sách Tin Mừng” nhờ đó họ có thể “tiếp xúc với Lời Chúa cách an toàn và ích lợi, và thấm nhuần tinh thần Kinh Thánh” (DV 25). “Đọc và học hỏi Sách Thánh” là lời khuyên cuối cùng và quan trọng của Hiến Chế Mặc Khải (DV 26).

 

Trong Tông Huấn Lời Chúa, Verbum Domini (2010), Đức Bênêđíctô XVI nhắc lại nhiệm vụ này khi nói về Lời Chúa và giáo dân: “Giáo dân cần được đào tạo để biết biện phân ý muốn Thiên Chúa nhờ một cuộc sống thân tình với Lời Thiên Chúa, Lời được đọc và được học hỏi trong Giáo Hội, dưới sự hướng dẫn của các vị Mục tử hợp pháp” (VD 84). Ngài đòi “chúng ta phải giúp người trẻ có sự tín nhiệm và thân quen với Kinh Thánh, để Kinh Thánh trở thành như chiếc la bàn chỉ cho biết con đường phải theo” (VD 104). Đức Bênêđíctô còn nhấn mạnh đến việc “cần phải chuẩn bị chu đáo các linh mục và giáo dân để họ có thể dạy dỗ Dân Thiên Chúa tiếp cận Kinh Thánh một cách chân thực” (VD 73). Ngài cũng nói đến việc giáo dân có thể được học tại các trường dạy Kinh Thánh, hay được giáo phận huấn luyện (VD 75 và 84).

 

Theo cùng một đường hướng như trên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, Evangelii Gaudium (2013) cũng khẳng định: “Việc học hỏi Kinh Thánh phải là một cánh cửa rộng mở cho mọi tín hữu” (EG 175). Đối với Ngài, người loan báo Tin Mừng cần có sự thân mật với Lời Chúa. Bởi đó Ngài kêu gọi: “các giáo phận, giáo xứ và các hội đoàn Công giáo tổ chức các cuộc học hỏi nghiêm túc và thường xuyên về Kinh Thánh, đồng thời khuyến khích các cá nhân và cộng đoàn đọc Kinh Thánh với tâm tình cầu nguyện” (EG 175).

 

Tại sao phải học hỏi Kinh Thánh?

 

Có thể nói Giáo Hội Công giáo từ hơn 50 năm nay đã không ngừng muốn cho mọi giáo dân có cơ hội học hỏi Kinh Thánh dưới nhiều hình thức. Phải nhìn nhận rằng đây không phải là điều dễ dàng. Người Công giáo Việt Nam quen đọc kinh lần chuỗi và thực hành những hình thức đạo đức khác. Có người giáo dân nghĩ rằng việc học Kinh Thánh là điều khó, là việc dành riêng cho các linh mục tu sĩ, chính vì thế họ sợ tiếp cận với Sách Thánh. Có người không thấy hứng thú khi đọc Lời Chúa, nên cuốn Tân Ước vẫn nằm yên một chỗ. Có nhóm thích chia sẻ Lời Chúa, nhưng lại không thấy cần tìm hiểu xem bản văn Lời Chúa thật sự muốn nói gì.

 

Kinh Thánh là Lời của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã lấy sách Đệ-nhị-luật để nói với tên cám dỗ trong hoang địa: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Đnl 8,3). Người Công giáo chẳng những được nuôi bằng bàn tiệc Mình Chúa mà còn bằng bàn tiệc Lời Chúa nữa (DV 21). Thiếu một trong hai, là đặt mình trong tình trạng thiếu thốn. Chúng ta đã có nhiều hình thức biểu lộ sự kính trọng đối với Bí Tích Thánh Thể như dọn mình rước lễ, rước kiệu hay chầu Mình Thánh Chúa. Điều đó là tốt, nhưng Công Đồng Vaticanô II nhắc chúng ta: “Giáo Hội đã luôn luôn tôn kính Kinh Thánh như đã tôn kính chính Thánh Thể Chúa” (DV 21). Làm sao bày tỏ sự tôn kính đối với Kinh Thánh nếu không phải là cầm lấy sách Thánh mà đọc, nghiền ngẫm, tìm hiểu ý nghĩa, cầu nguyện với sách Thánh bằng cách suy niệm hay chiêm niệm, và cuối cùng là thực hành Lời Chúa? Có người bảo nếp sống đạo của người Việt còn hời hợt, hình thức, chưa có bề sâu, chưa có nền vững. Điều đó có đúng không? Dựa vào Công Đồng, ta có thể tìm thấy câu trả lời: “Toàn thể việc rao giảng trong Giáo Hội cũng như chính nếp sống đạo của người Kitô hữu phải được Kinh Thánh nuôi dưỡng và hướng dẫn” (DV 21). Chúng ta đã quá quen với câu này: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 118,105), nhưng quả thật nhiều người Công giáo ở Việt Nam vẫn còn xa lạ với Lời Chúa.

 

Để thân quen với Lời chúa, chúng ta cần dành thời gian để học hỏi. Kinh Thánh là một bộ sách cổ, được viết trong nhiều thế kỷ. Ngay bộ Tân Ước cũng đã cách xa chúng ta gần hai ngàn năm. Các tác giả Sách Thánh là những người Do-thái sống trong những thời đại lịch sử khác nhau, sống trong nền văn hóa, xã hội và phụng tự khác chúng ta. Chính vì thế chúng ta không ngạc nhiên khi gặp những đoạn văn khó hiểu và thậm chí gây sốc trong Kinh Thánh. Vô tri bất  mộ, để có “lòng yêu mến nồng nàn và sống động đối với Kinh Thánh” (Hiến Chế về Phụng Vụ số 14) người giáo dân cần học hỏi không ngừng qua các bài dẫn nhập, các sách chú giải, và những khóa học.

 

Đứng trước sự kiện thời nay xuất hiện nhiều giáo phái phổ biến một cách đọc Kinh Thánh lệch lạc và lèo lái, Đức Bênêđíctô cảnh báo: “Ở đâu các tín hữu không trau dồi cho mình một sự hiểu biết Kinh Thánh phù hợp với đức tin của Giáo Hội và dựa trên Truyền Thống sống động của Giáo Hội, thì ở đó người ta để lại một khoảng trống rỗng mục vụ, là nơi mà các thực tại như các giáo phái có thể gặp được một vùng đất mầu mỡ để bám rễ” (VD 73). Nói cách khác, để tránh bị lôi kéo bởi các giáo phái lầm lạc, phải học Kinh Thánh một cách chính thống trong Giáo Hội.

 

Khi mừng lễ Ngôi Lời của Thiên Chúa mang lấy thân xác yếu đuối của con người, chúng ta cũng mừng Lời của Thiên Chúa được nói với chúng ta bằng ngôn ngữ loài người để chúng ta có thể hiểu được. Dù ngôn ngữ loài người có nhiều giới hạn và khiếm khuyết, nhưng bộ Kinh Thánh chúng ta đọc và học hỏi vẫn có thể đưa chúng ta đi vào cuộc gặp gỡ và trò chuyện thân tình với chính Thiên Chúa, nhờ đó có sức sống ở đời này và ơn cứu độ đời sau.

 

(dongten.net 21.01.2018)