Lm. JB. Trần Hữu Hạnh, CSF

Qua hiện tượng Nhóm Trừ Quỷ Bảo Lộc với “Tiếng Nói Sự Thật” và các phong trào Thánh Linh, đặt tay, chữa bệnh, trừ quỷ đang nổi lên trên khắp thế giới cũng như ở Việt nam, chúng ta cần nhận thức rõ về đặc sủng của Chúa Thánh Thần trong đời sống Giáo hội. Một trong những phục hồi vĩ đại nhất của công đồng Vatican II đối với vai trò của Chúa Thánh Thần trong Giáo hội là vai trò của đặc sủng, công đồng được coi như là một Lễ Hiện Xuống mới. Thời đại của Giáo hội ngày nay, trong cuộc hành trình về cánh chung và sự quang lâm của Chúa Kitô, là thời đại của Chúa Thánh Thần.

Có rất nhiều văn kiện của Giáo hội nói về mô hình Giáo hội tham gia (Participatory Church), mà mục đích chính là đề cao vai trò của người giáo dân và khuyến khích họ tham gia vào mọi lãnh vực của Giáo hội. Đây là vấn đề đã được nói tới từ lâu, nhưng nó vẫn còn và sẽ còn là vấn đề nóng trong Giáo hội trong thế kỷ 21 này. Bên cạnh đó, việc thành lập các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản (Basic Ecclesial Community, viết tắt: BEC) như là một cách thức mới để thể hiện Giáo Hội (A new way of being Church), một cách thức mới để người giáo dân tham gia tích cực vào mọi sinh hoạt của Giáo hội.

1. Cơ Cấu Phẩm Trật và Cơ Cấu Thần khí

Ðức Kitô xây dựng Hội Thánh Ngài với một thể chế và hai cơ cấu: cơ cấu phẩm trật và cơ cấu Thần khí. Cả hai cơ cấu đều phát nguồn từ Ðức Kitô qua Chúa Thánh Thần.

a. Cơ cấu phẩm trật: Vì Hội Thánh là một tổ chức hữu hình, nên Hội Thánh cũng có các cơ cấu và phẩm trật tùy theo ơn gọi của mỗi phần tử trong Hội Thánh. Cơ cấu phẩm trật gồm có những giám mục, linh mục và phó tế: “Thừa tác vụ do Thiên Chúa thiết lập trong Giáo hội, được thi hành bởi những người có chức vụ khác nhau, mà từ xưa đã được gọi là giám mục, linh mục và phó tế” (LG 28a). Giáo luật cũng trình bày: “Do sự thiết lập của Thiên Chúa, giữa các tín hữu trong Giáo hội có các thừa tác viên chức thánh, được gọi theo luật, là các Giáo sĩ; còn các người khác thì được gọi là Giáo dân” (Can 207 §1). Các giáo sĩ làm thành phẩm trật gồm ba bậc: giám mục, linh mục và phó tế.

Người giáo dân cũng được mời gọi tham gia vào vào việc xây dựng Giáo hội: “Kitô hữu là những người được tháp nhập với Chúa Kitô nhờ bí tích Thánh Tẩy, làm thành dân Thiên Chúa; do đó tham dự theo cách thức của mình vào chức vụ ngôn sứ, tư tế và vương giả của Chúa Kitô. Họ được mời gọi thi hành sứ mệnh mà Thiên Chúa trao cho Hội Thánh chu toàn trong thế giới, mỗi người theo điều kiện của mình” (LG 31).

Tuy nhiên, vì Giáo hội học thường nhấn mạnh đến cơ cấu phẩm trật, nên đa số người giáo dân thường tỏ ra thụ động, mọi việc đều trông chờ vào các đấng, các bậc. Các ngài bảo gì thì cứ làm theo. Bởi đó, Giáo hội như vướng phải óc duy giáo sĩ và nệ lề luật.

b. Cơ cấu Thần Khí: Cơ cấu Thần khí hay còn gọi là cơ cấu Thần thiêng, cơ cấu Đặc sủng.

Trong Tân ước, từ đặc sủng (charism)[1] được tìm thấy 17 lần: 16 lần trong các thư của thánh Phaolô (Rm 1, 11; 5, 15.16; 6, 23; 11, 29; 12, 6; 1Cor 1,7; 7,7; 12, 4.9.28.30.31; 2Cor 1, 11; 1Tm 4, 14; 2Tm 1, 6) và 1 lần trong 1Pr 4, 10.

Đặc sủng được coi là ân huệ mà Thần Khí ban cho mỗi người vì lợi ích chung. Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người (x. 1Cor 12, 4-7. 11; LG 12).

Thánh Phaolô đã ví Giáo hội như Thân thể Chúa Kitô. Trong thân thể con người, mọi bộ phận đều quan trọng như nhau và mỗi bộ phận đều có phận vụ riêng của mình mà không bộ phận nào khác có thể thay thế được. Các bộ phận đều nhắm chung một mục đích là tạo ra sự hài hòa và làm phát triển cho thân thể mình. Các bộ phận đều có liên quan đến nhau. Nếu bộ phận nào gặp trục trặc thì toàn thân đều bị ảnh hưởng. Trong Thân Thể Chúa Kitô là Giáo hội cũng vậy, mỗi người được Thiên Chúa ban cho đặc sủng riêng, kẻ thế này, người thế khác. Ngài phân chia cho mỗi người mỗi cách tùy theo ý của Ngài. Tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Người muốn. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất (x. 1Cor 12, 13. 18). “Thiên Chúa đã khéo xếp đặt các bộ phận trong thân thể, để bộ phận nào kém thì được tôn trọng nhiều hơn. Như thế, không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung.” (1Cor 12, 24- 26)

Đặc sủng cho phép mỗi người hoà nhập vào toàn thể, cộng tác hài hòa vào đời sống Giáo hội. Được ban cho mỗi người vì lợi ích chung hơn là lợi ích cá nhân, và được phân chia cho mỗi người mỗi cách tùy theo ý của Thần khí, nên đặc sủng có thể mất đi mà không phương hại đến toàn bộ Giáo hội. Một đặc sủng là một công việc của Thần khí để định hướng người tin hướng về ơn cứu độ trong Chúa Kitô, nên không ai có thể kích động hay ép buộc nó. Mặc dù thánh Phaolô đã qui những đặc sủng một cách đặc biệt cho Thần khí, nhưng đặc sủng cũng xuất phát từ tình thương bao la của Chúa Cha và Chúa Con (x. 1Cor 12, 4-6; 12, 28; Ep 4, 11).

Thiên Chúa muốn ban phát các đặc sủng cho mỗi người để phát triển đời sống nội tâm và cộng đoàn, Thân Thể Chúa Kitô (x. 2Pr 1, 3-4; 1Pr 4, 10). Các đặc sủng được sắp đặt để xây dựng Hội thánh, sinh ích cho con người và thỏa mãn những nhu cầu của trần thế (x. CL 24). Thánh Phêrô cũng nhấn mạnh đến điều này khi ngài nói: “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa. Ai có nói, thì nói lời Thiên Chúa; ai phục vụ, thì phục vụ bằng sức mạnh Thiên Chúa ban. Như thế, trong mọi việc, chúng ta tôn vinh Thiên Chúa nhờ Chúa Giê-su Ki-tô. Kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời. A-men.” (1Pr 4, 10-11) Ơn của Thần Khí hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh của người Kitô hữu, bởi vì “không ai có thể nói Chúa Giêsu là Chúa mà không ở trong Thần Khí” (1Cor 12:3).

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã dạy: “Cần phải thay đổi não trạng, trước hết là cái nhìn về người giáo dân, từ chỗ coi họ là cộng tác viên của hàng giáo sĩ đến chỗ chấp nhận họ là những người đồng trách nhiệm thật sự trong việc thể hiện và trong hoạt động của Giáo hội, thúc đẩy một hàng ngũ giáo dân trưởng thành và nhiệt thành theo chiều hướng này.”[[2]]

Điều này cũng đã được các Giám mục tại Á châu khẳng định: Giáo hội tại Á Châu phải là Giáo hội tham gia mà trong đó không ai cảm thấy bị loại trừ (x. EA 45). Trong Châu Á ngày nay, Chúa Thánh Thần đang thúc giục những môn đệ của Chúa Kitô sống và làm chứng về sự hiệp nhất trong Giáo hội địa phương, đặc biệt là tại lãnh vực giáo xứ, xây dựng một Giáo hội tham gia mà trong đó các Giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân cùng hiệp thông, chia sẻ, hợp tác và đồng trách nhiệm trong sứ vụ loan báo Tin mừng.[[3]]

Trong Giáo Hội, mọi người đều có phẩm giá ngang nhau, dù chức năng có khác nhau: “Chỉ có một Thiên Chúa, một đức tin, một Phép Rửa, một dân riêng của Thiên Chúa, cùng chung một phẩm giá của những chi thể đã được tái sinh trong Đức Kitô, cùng có một ân huệ làm con cái Thiên chúa, một ơn gọi nên trọn lành, một ơn cứu độ và một niềm hy vọng duy nhất và một đức ái không phân chia. Vì thế trong Đức Kitô và trong Giáo hội không có sự hơn kém về nguồn gốc hay dân tộc, vì địa vị xã hội hoặc vì nam nữ.” (LG 32).

“Giáo hội chưa được thiết lập thực sự, chưa sống đầy đủ, cũng chưa là dấu chỉ tuyệt hảo của Chúa Kitô giữa loài người nếu như chưa có hàng giáo dân đích thực và nếu hàng giáo dân này chưa cùng làm việc với hàng Giáo phẩm.” (AG 21).

Mỗi Kitô hữu nhận được một ân sủng của Thánh Thần vì lợi ích chung (x. 1Cr 12, 7). Những đặc sủng này cần được khơi dậy, cần được khuyến khích để xây dựng Giáo hội. Khi giảng dạy hoặc dạy giáo lý, chúng ta thường chú trọng đến Giáo hội như là một tổ chức, nhưng Giáo hội cũng là Giáo hội của Thần khí. Chính Thần khí làm cho Giáo hội sinh động. Giáo hội như một toàn khối liên kết với nhau và sống động nhờ các đặc sủng.

2. Đặc Sủng và Thừa Tác Vụ

Trong Giáo hội, phẩm trật có trách nhiệm chăm lo cho toàn thể các tín hữu, cách riêng là để gìn giữ hiệp nhất và bảo toàn kho tàng mạc khải. Đặc sủng thường gắn liền với chức vụ, thừa tác vụ hoặc với hoạt động.

Thánh Phaolô đã liệt kê ra 20 đặc sủng khác nhau:

- “Người thì được ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ.” (1Cor 12, 8-10)

-“Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói các thứ tiếng lạ.” (1Cor 12, 28)

-“Được ơn làm ngôn sứ, thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin. Được ơn phục vụ, thì phải phục vụ. Ai dạy bảo, thì cứ dạy bảo. Ai khuyên răn, thì cứ khuyên răn. Ai phân phát, thì phải chân thành. Ai chủ toạ, thì phải có nhiệt tâm. Ai làm việc bác ái thì vui vẻ mà làm.” (Rm 12, 6-8)

-“Và chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ.” (Ep 4, 11)

Một người nắm giữ một chức vụ nào đó có thể nhận được một hoặc nhiều đặc sủng và một người nhận được nhiều đặc sủng có thể thi hành một hoặc nhiều tác vụ. Thánh Phaolô đã nhận mình là tiên tri, thầy dậy và là người nói các tiếng lạ (x. 1Cor 14, 6. 18). Như vậy, đặc sủng có thể linh động việc thực hành các chức vụ chính thức trong Hội thánh.

Theo nguồn gốc, một đặc sủng không phải là một thừa tác vụ hay một hoạt động; đúng ra, đó là một ân sủng mà Chúa Thánh Thần làm cho một người hướng đến một tác vụ nào đó. Nhưng dần dần, các đặc sủng chỉ được biết đến qua các hoạt động, nên chúng được đồng hóa với các hoạt động. Từ đó, các đặc sủng lại được gắn với những chức vụ trong Giáo hội (x. Ep 4, 11) và có khuynh hướng đồng hóa với một ơn gọi (x. 1Cor 7, 7-9).[4]

Đặc sủng được ban cho cá nhân, nhưng là để phục vụ cộng đoàn, Thân Thể Chúa Kitô. Thật vậy, đặc sủng được ban là để phục vụ Lời Chúa (x. Cv 6, 4) và để xây dựng Giáo hội, Thân Thể Chúa Kitô (x. Ep 4, 12. 26; Gl 4, 7, 11-12; 1Cr 14, 12; 12, 7). Các đặc sủng được sắp đặt để xây dựng Hội thánh, sinh ích cho con người và thỏa mãn những nhu cầu của trần thế (x. CL 24).

Giáo hội cần thận trọng để phân định đặc sủng, vì đó là ân huệ Chúa Thánh Thần ban cho toàn Giáo hội. Thánh Phaolô dạy: “Anh em đừng dập tắt Thần Khí. Chớ khinh thường ơn nói tiên tri. Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa.” (1Tx 5, 19-22)

3. Phân Định Thần Khí

a. Thần Khí Giả:

Chúa Giêsu lưu ý các môn đệ của Ngài về thần khí giả:

-“Họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi.” (Mt 7, 15)

-“Anh em hãy coi chừng, đừng để ai lừa gạt anh em, vì sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến nói rằng: “Chính ta đây là Đấng Kitô”, và họ sẽ lừa gạt được nhiều người.” (Mt 24, 4-5)

- “Bấy giờ, nếu có ai bảo anh em: “Này, Đấng Kitô ở đây” hoặc “ở đó”, thì anh em đừng tin. Thật vậy, sẽ có những Kitô giả và ngôn sứ giả xuất hiện, đưa ra những dấu lạ lớn lao và những điềm thiêng, đến nỗi chúng lừa gạt cả những người đã được tuyển chọn, nếu có thể. Thầy báo trước cho anh em đấy!” (Mt 24, 23- 25; x. Mc 13, 5- 23)

- Thánh Gio-an Tông đồ nhiều lần nói đến việc đề phòng ngôn sứ giả trong thư thứ nhất của ngài:

+ “Hỡi anh em là những người con thơ bé, đây là giờ cuối cùng. Anh em đã nghe biết là tên Phản Kitô sẽ đến; thế mà giờ đây nhiều tên Phản Kitô đã xuất hiện. Do đó, chúng ta biết được rằng đây là giờ cuối cùng. Chúng xuất thân từ hàng ngũ chúng ta, nhưng không phải là người của chúng ta; vì nếu là người của chúng ta, chúng đã ở lại với chúng ta. Nhưng như thế mới rõ: không phải ai ai cũng là người của chúng ta.” (1 Ga 2, 18- 19)

+ “Anh em thân mến, anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian…. Anh em đã nghe nói là nó đang tới, và hiện nay nó ở trong thế gian rồi. Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, anh em thuộc về Thiên Chúa, và anh em đã thắng được các ngôn sứ giả đó, vì Đấng ở trong anh em mạnh hơn kẻ ở trong thế gian. Các ngôn sứ giả đó thuộc về thế gian; vì thế, chúng nói theo thế gian, và thế gian nghe chúng. Còn chúng ta, chúng ta thuộc về Thiên Chúa. Ai biết Thiên Chúa thì nghe chúng ta. Ai không thuộc về Thiên Chúa thì không nghe chúng ta. Chúng ta cứ dựa vào đó mà nhận ra thần khí dẫn đến sự thật và thần khí làm cho sai lầm.” (1Ga 4, 1-6)

Có những người được ơn nói tiên tri, ơn giảng thuyết, ơn chữa bệnh,…,lôi cuốn rất nhiều người; nhưng sau đó, vì được ca tụng, hoặc có thể bị ma quỷ tác động, nên tìm cách đánh bóng cá nhân, trở nên kiêu căng, tự phụ, tư lợi, … Như vậy, không còn phải là phục vụ lợi ích chung và xây dựng Nhiệm thể Chúa Kitô nữa.

b. Các Tiêu Chuẩn Để Nhận Ra Thần Khí Thật

- Đức Ái

Đặc sủng không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận ra. Để nhận biết một đặc sủng có phải phát xuất từ Thần Khí hay không, chúng ta cần xem xét những lời của thánh Phaolô:

“Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì.” (1Cor 13, 1-2)

“Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.” (1Cor 13, 4-7)

“Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. Chúng ta có thể thấy được hoa quả của Thần Khí qua bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ.” (Gl 5, 19-23)

- Thần Khí Luôn Làm Chứng Cho Chúa Kitô

Chứng thực của Thần khí là luôn luôn làm chứng cho Chúa Kitô: “Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.” (Ga 14, 26) “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.” (Ga 16, 13-15) “Căn cứ vào điều này, anh em nhận ra Thần khí của Thiên Chúa: Thần khí nào tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã đến và trở nên người phàm, thì Thần khí ấy bởi Thiên Chúa; còn thần khí nào không tuyên xưng Chúa Giêsu, thì không bởi Thiên Chúa.” (1Ga 4, 2-3)

Các tông đồ cũng được tràn đầy Thánh Thần và quyền năng để làm chứng cho Chúa Kitô (x. Cv 1, 8; 2, 1-41).

- Sự Phục Vụ

Các đặc sủng được ban là vì công ích, vì sự hiệp thông và sứ mạng của Giáo hội. Do đó, đặc sủng luôn hướng đến phục vụ cộng đoàn, một sự phục vụ quên mình và vô vị lợi.[5]

Các tác vụ trong Hội thánh được trao phó từ Chúa Kitô; các đặc sủng đến từ Thần khí, Đấng được Chúa Kitô sai đến để hoạt động trong lòng mỗi người. Do đó, đặc sủng và tác vụ bổ túc cho nhau. Hành động của Thần khí không bao giờ xung đột với giáo huấn đích thực của Hội thánh, Thân Thể Chúa Kitô, vì cũng một Thần khí đổ ân sủng của Ngài xuống cho các tín hữu và hướng dẫn quyền giáo huấn của Hội thánh. Vì đều phát sinh từ một Thần Khí, nên tất cả đều phải cùng nhau xây dựng sự hiệp nhất của thân thể duy nhất là Giáo hội. Ơn của Thần Khí xuống trước hết trên các tông đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần, khiến Giáo hội được khai sinh (x. Cv 2, 1-4). Công đồng Vaticanô II khẳng định: “Thánh Linh không chỉ thánh hóa và hướng dẫn Dân Thiên Chúa bằng các bí tích và các thừa tác vụ, cùng trang bị họ bằng các nhân đức, nhưng Ngài còn ban phát các ân sủng đặc biệt cho mọi cấp bậc các tín hữu ‘phân chia ân huệ cho mỗi người theo ý Ngài’ (1Cr 12, 11), khiến người lãnh nhận các ân sủng ấy có đủ khả năng và sẵn lòng đảm nhận các công việc và nhiệm vụ khác nhau mưu ích cho việc canh tân, xây dựng và phát triển Giáo hội.” (LG 12b).

Mỗi người chúng ta cũng rất dễ bị ma quỷ tác động, dùng đặc sủng Chúa ban để làm lợi cho chính mình, chỉ trích người khác, thay vì nói về Chúa thì lại nói về mình, thay vì rao giảng về nước Thiên Chúa lại rao giảng về chính mình, thay vì xây dựng Giáo hội lại chia bè chia phái…

 

[1] Đặc sủng được ban nhằm phục vụ lợi ích cộng đoàn; còn ơn thánh sủng nhằm thánh hoá bản thân người nhận.

[2] Huấn từ của ĐTC vào ngày 7/3/2010, x.www.hdgmvietnam.org

[3] X. UCAN News, Ucan Commentary - The Role of Religious amid the Asian Crisis, November 16, 1998 at http://www.ucanews.com/html/uca/index.html.

[4] x. John Manuel Lozano, Foundresses, Founders and Their Religious Families, tr. 33.

[5] x. Leonardo Boff, Church: Charism & Power- Liberation Theology and the Institutional Church (New York: Crosss, 1992), tr. 154- 164.

 

https://tgpsaigon.net