XIN THIÊN CHÚA SỨC MẠNH ĐỂ MỞ RA VỚI THA NHÂN
Andrea Monda
L’Osservatore Romano, thứ Ba ngày 5 tháng Giêng 2021, số 1, tr.1


Đức thánh cha đã nói và lập lại nhiều lần trong suốt năm dài 2020 này mà nay đã kết thúc: khủng hoảng biến đổi chúng ta, ở cuối cơn khủng hoảng, chúng ta khác với trước đây, dẫu tốt hơn hay tệ hơn, nhưng chúng ta sẽ khác đi.

Những ngày cuối cùng trong năm, cơn đau dây thần kinh tọa khiến Đức thánh cha không thể chủ trì các nghi lễ cuối năm và đầu năm. Những cơn đau của ngài vì chứng bệnh đau dây thần kinh tọa không phải là điều mới mẻ đối với ngài song sự trùng hợp tạm thời tác động và mở rộng giai đoạn “lâm sàng” này ra và đưa nó lên bình diện có tính biểu tượng. Ta lan man nghĩ đến bản văn Kinh Thánh và đặc biệt đến chứng bệnh dây thần kinh tọa của ông Giacóp trong cuộc gặp gỡ ban đêm với sứ thần của Thiên Chúa tại Yabbok. Đây là cuộc chiến đấu của ông Giacóp với Thiên Chúa (Stk 32, 23-33), một “biến cố mầu nhiệm” theo như Romano Guardini đã nhận xét, “nó đi vào trong ký ức và in sâu vào trong đó. Có lẽ ta không hiểu được nó, hoặc cảm thấy rằng nó chất đầy thực tại thánh thiêng nhất. Ta suy nghĩ về nó, lấy nó ra và luôn thấy rằng có một cái gì đó hơn thế nữa”. Ở giai đoạn cuối, sau cuộc chiến đấu quyết liệt vào ban đêm, bình minh ló rạng và khi mặt trời lên ta thấy ông Giacóp đi khập khễnh vì bị trật xương hông, vì người đó đã đánh vào khớp xương hông của ông Giacóp, vào dây thần kinh tọa”. Cuộc chiến đấu, thân sát thân, với nhiều cú vật và xoay tròn, đã xảy ra lúc ban đêm, khi “ông Giacóp ở một mình”.

Năm 2020 này là đêm dài mà nhân loại ở một mình để chiến đấu quyết liệt, mà ta chỉ thoáng thấy sự kết thúc vào những ngày tới, khi mặt trời lại mọc lên. Trong năm nay, mọi người có nhớ lại hình ảnh ngày 27 tháng Ba, Đức thánh cha một mình dưới cơn mưa, khi màn đêm dần buông xuống, đi vào trong sự cô quạnh của công trường Thánh Phêrô để cầu xin Thiên Chúa, như ông Nôê dưới cơn hồng thủy cầu xin sự cứu thoát cho tất cả mọi người. Đức Phanxicô như ông Nôê, nhưng hiện tại cũng giống như ông Giacóp, đi trong ánh sáng của bình minh với cảm giác được sức mạnh và tin tưởng nhiều hơn vì đã cầu xin và nhận được chúc lành của sứ thần Thiên Chúa cũng như đã nghe những lời của Ngài: “Ngươi đã đấu với Thiên Chúa và với người ta, và ngươi đã thắng!” Đây không phải là Đức Phanxicô như trước đây, cách đây một năm, như tổ phụ trong Kinh Thánh (mà Thiên Chúa đã đổi tên Giacóp thành Israël), và cả hai đều đi khập khễnh. Chính cơn khủng hoảng đòi buộc điều này: đây là thời gian thuận tiện để thay đổi, để hoán cải. Một sự thay đổi dáng đi; đây là điều cần thiết để vượt qua ngưỡng thời gian chưa từng có, sự hứa hẹn một luồng sáng mới. Chỉ cần thay đổi dáng đi, cách mà chúng ta thường đi, thì ta sẽ nhìn thấy thế giới từ một viễn tượng khác. Những ai cứ cố đi như trước đây sẽ vẫn là sự cứng nhắc của một rigor mortis (xác chết cứng đờ); trái lại những ai nhận ra rằng cơn khủng hoảng đã đến và đã tác động mọi người bằng cách làm chao đảo tất cả mà không phân biệt ai, sẽ được sống.

Có một “ánh sáng báo hiệu” cho thấy sự chuyển tiếp này đã thực sự xảy ra hay chỉ là một sự kiện thuộc về cảm xúc và phiến diện, và chi tiết này cũng đến từ đoạn Kinh Thánh ấy: “ánh sáng báo hiệu” là mối tương quan của chúng ta với các anh chị em mình. Giacóp đã ở đấy, một mình, bên khúc sông cạn, trong sự lo lắng vì cuộc gặp gỡ sắp tới với người anh em đáng sợ là Êsau. Chỉ sau khi cuộc gặp gỡ lẫn chiến đấu với Thiên Chúa thì ông mới có thể ôm chầm lấy và hòa giải với người anh em mình. Đó là con đường mà Đức Phanxicô chỉ cho chúng ta với Thông điệp Fratelli tutti, được suy tư trước cơn đại dịch nhưng được viết xong trong cơn đại dịch: trong cơn khủng hoảng, vấn đề là cầu xin Thiên Chúa ban sức mạnh để mở ra với tha nhân, chăm sóc người anh em mình khi bẻ gãy những xiềng xích của nạn nhân chủ nghĩa (victimisme) và chứng yêu mình thái quá (narcissime). Chúng ta sẽ được chăm sóc nếu chúng ta chăm sóc người khác. Có một khúc sông cạn trước mặt cần phải vượt qua và chúng ta chỉ có thể vượt qua nếu ta sẵn sàng thay đổi dáng đi đau đớn và sống còn này.



 

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ