Sự sống trong Thần Khí đòi hỏi những biểu tượng, hình ảnh hoặc tái hiện nhờ sự nhận ra tất cả hương vị của nó. Thực ra “sự sống” này không tự chiếm lấy, cũng không chế ngự, mà là hiến dâng. Các nhà thần nghiệm liên lỹ nhắc nhớ rằng cần “trở về cõi lòng”, để đi xuống trong sự thẳm sâu của nó. Tất cả những hình ảnh này giúp nhận ra đâu là căn tính sâu xa nhất của chúng ta. Sa mạc, mảnh vườn và đền thờ sẽ là những địa điểm và cũng là biểu tượng cho phép chúng ta đi vào chiều sâu của chính mình.  Để lắng nghe điều đã nói với chúng ta: “Trên đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ” (Tv 22,2 ).

Ngày nay, trong sa mạc, người du mục Ả Rập còn sử dụng cách thực hành này: trong nhiều ngày liền họ cào mặt đất đầy cát và đá; họ nạo, họ xới mảnh đất khô cằn này. Đó là cách làm rất quan trọng, vì làm như thế mặt đất được bung xới ra, làm mềm và tươi xốp. Sau thời gian cày xới này, dân du mục bón phân hữu cơ vào đó, và công đoạn thứ ba là gieo hạt giống.

Vài lần chúng ta trải qua những tuần, những tháng để cày xới mảnh vườn nội tâm khô khốc của mình, không thấy dù chỉ một hạt giống hứa hẹn hoa quả. Xem ra khoảng thời gian trơ trọi, bất lực và vô ích. Đó là khoảng thời gian cằn cỗi, vô nghĩa; như là một sự tinh lọc thể xác và làm mềm trái tim chai đá. Từ trong thử thách của sa mạc nội tâm này sau cùng sẽ phát ra một tiếng nói. (Trong ngôn ngữ Do Thái, “sa mạc” và “lời” cùng gốc của một mẫu tự).

Về mảnh vườn, nó được biểu thị ngay trong những trang đầu sách Sáng Thế: “Rồi Đức Chúa là Thiên Chúa trồng một vườn cây, ở Êđen, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra” (St 2,8)”. Đó là địa điểm nguyên thủy: chúng ta được sinh ra trong một mảnh vườn, Ngài đặt chúng ta nơi đó để chúng ta được sống. Mảnh vườn là nơi tươi mát, phong phú dồi dào, sinh sôi nảy nở và sự sống được trao ban. Mảnh vườn trong sách Sáng Thế cũng phản chiếu tới sự kiện của Maria Mađalêna: “Nơi mà Chúa Giêsu bị đóng đinh, có một ngôi vườn, và trong ngôi vườn có một ngôi mộ trống chưa chôn ai bao giờ... “đó là nơi mà người ta đặt xác Chúa Giêsu” (Ga 19, 41-42). Maria Mađalêna đã làm gì trong vườn này? Sau khi đã chạy về báo tin cho các môn đệ về ngôi mộ trống, chị trở lại ngôi vườn và khóc. Ngôi vườn hầm mộ này cũng là ngôi vườn “giao ước”, vì ở đây sự gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Maria Mađalêna gợi lên những gì của ái tình trong sách Diễm Ca đã diễn tả là lòng khát khao, sự tìm kiếm và sự gặp gỡ của Thiên Chúa với từng người trong chúng ta. Chúng ta được mời gọi cách nhưng không ở đó bởi tình yêu khôn cùng của Thiên Chúa với tạo vật của Ngài.

Sa mạc để tìm kiếm tiếng nói, ngôi vườn của sự gặp gỡ, hay ngôi đền của Thần khí Thiên Chúa (1 Cr 6,19) ? Cuộc sống nội tâm của chúng ta cũng trải qua tất cả những giai đoạn như thế. Đôi khi chúng ta tìm kiếm lời và một khoảnh khắc trong sa mạc chúng ta sẽ lắng nghe “sự kết ước”. “Bởi thế, này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình” (Hôsê 2,16). Dưới sự gợi hứng của Thần Khí chúng ta sẽ được gọi đến để gặp gỡ Đấng Phục Sinh trong ngôi vườn. Còn về “đền thờ” mà chúng ta là, thật khẩn thiết để mở toang các cánh cửa, vì nơi đó là nơi Thần Khí Thiên Chúa làm cho chúng ta phong phú dồi dào trong ơn thánh. Đi vào sa mạc, cho một thời gian “đính ước”, viếng thăm ngôi vườn để ở đó với Đức Lang Quân và đi vào đền thờ nội tâm để Thần khí đổ tràn trong chúng ta những gì Thiên Chúa biết cần và đủ cho chúng ta.

(Lược theo “Parole et Prière” le Janvier 2021, soeur Catherine Aubin)

Tác giả bài viết: Giuse Trần Hoàng Thiện