chovanhan
Nhiều người nghĩ rằng cho đi là mất mát, nhận lấy mới là hạnh phúc. Nhưng sự thật thì người cho đi mới là người có phúc. Cho đi có thể được sử dụng bằng nhiều từ khác nhau tùy theo đối tượng, hoàn cảnh, cách thức như: ban tặng, bố thí, chia sẻ, từ thiện,... Những việc làm nầy có chung một ý nghĩa là đem cái của mình có cho người khác. Không cần phải là người giàu mới có thể cho đi. Bởi cho đi không nhất thiết phải là vật chất. Thường ngưởi ta nghĩ cho đi tiền bạc nhưng còn cho đi nhiều thứ lắm chứ!

Cho đi lời nói (lời nói không mất tiền mua).

Cho đi nụ cười (một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ).

Cho đi ánh mắt làm lay động cả con tim.

Cho đi phục vụ (Chúa Giêsu đến không phải để được phục vụ mà là để phục vụ).

Cho đi thời gian (thời gian là tiền bạc).

Cho đi không chỉ đo lường bằng số lượng mà còn bằng tấm lòng, bởi thế mới có câu: “Của ít lòng nhiều” hay “Của cho không bằng cách cho”. Người nghèo vẫn có thể cho đi bằng sự đồng cảm, chia sẻ với người đồng cảnh ngộ để vơi đi nỗi tủi thân. Không có khả năng cho đi vật chất để giúp người có hoàn cảnh khó khăn thì có thể kêu gọi sự ủng hộ từ những người xung quanh như những người làm từ thiện thường làm. Hay đơn giản, chỉ dành một chút thời gian lắng nghe tâm sự của người nào đó cũng là cho đi vậy.

Khi cho đi một thứ gì đó là ta đã thắng được cái tôi ích kỷ, là đem đến hạnh phúc cho người khác và ta cũng sẽ tự nhận lại sự hạnh phúc, được nhiều người yêu thương quý mến. Có câu chuyện ý nghĩa về CHO VÀ NHẬN: “Có hai người trước khi chết được diêm vương cho lựa chọn một trong hai. Hoặc luân hồi kiếp CHO hoặc luân hồi kiếp NHẬN. Người thứ nhất muốn sống sung sướng và hưởng thụ nên lập tức xin được kiếp sau là người NHẬN. Người thứ hai không còn chọn lựa nào khác đành chọn kiếp sau là người CHO. Diêm vương nói với người thứ hai: vì người chọn kiếp sau để CHO, vậy người sẽ làm người tỷ phú giàu có để lo từ thiện, bố thí cho người nghèo, còn người thứ nhất muốn sống kiếp sau để NHẬN nên ta cho người làm người ăn mày nghèo khổ, ngày ngày sống dựa vào lòng thương xót bố thí của người thứ hai...”

Vậy thì, sống ở đời ta thích CHO hay NHẬN?

Caritas Vĩnh Long