Bài Mới

Tuần cửu nhật cầu nguyện với Chúa Thánh Thần

Ngày 08:  Hoa quả của Thần Khí là HIỀN HOÀ

 

1) Thánh Ca: Thánh Vịnh 103 (sáng tác: Lm. Thái Nguyên).

 

2) Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.

Kinh Sáng Soi: Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.

Kính thưa quý Ông Bà và Anh Chị Em cùng các cháu,

Hôm nay chúng ta bước vào ngày thứ tám của tuần cửu nhật.

Chúng ta suy niệm và cầu nguyện về đề tài:  

Hoa trái của Thần Khí là HIỀN HOÀ, HIỀN HẬU & HIỀN LÀNH.

Trước hết chúng ta tìm hiểu về từ ngữ hiền lành, hiền hậu và hiền hoà có ý nghĩa gì. Theo Martini, từ ngữ “hiền lành” diễn đạt khả năng để phân biệt và nhận định, trong phạm vi nào quyền lực được sử dụng, và lúc nào cần thiết phải dẹp bỏ quyền lực sang một bên. “Hiền lành” là một sự nhận thức quan trọng về một điều: trong các mối tương quan giữa người với người không có không gian cho sự chèn ép và bạo lực, mà hơi ấm của tình yêu bao phủ tương quan của con người.

Nhưng có thức thời hay không, khi hôm nay chúng ta còn nhắc đến hiền lành, hiền hậu, hiền hoà trong một thế giới được bao bọc bởi sức mạnh và bạo lực?

Nếu nhìn vào trong xã hội hiện nay, chúng ta thấy rằng hiền lành khó có chỗ đứng, vì xã hội hôm nay được đánh dấu bởi sự cạnh tranh, bởi sức mạnh của con người và bởi bạo lực được đề cao. Có người đã cho rằng. Biểu tượng hoá thân của thế giới này là bạo lực. Trong ba phần tư các tác phẩm giả tưởng, súng đạn là phương tiện giao tiếp chính yếu với người khác; đó là ý thức hệ của thế giới này, đó là sức mạnh, là bài hoan ca của kẻ chiến thắng.

Vì thế, hiền lành, hiền hoà hay hiền hậu có vẻ như xa lạ trong thế giới chúng ta đang sống. Hơn nữa, hiền lành có nghĩa là người đó không đồng hoá mình với thế giới này, và như thế đòi hỏi ở người đó một thái độ sâu xa tận cặn nào đó, chứ không chỉ là vẻ điềm đạm và tiết độ; đó không phải là một cái gì cụ thể mà là một cảm nhận thật sự mình hết sức khác thường đối với xã hội chạy theo một thứ trật tự quá hung bạo và man rợ, ở đó lợi thú được mọi người tôn thờ.

Sống trong lòng thế giới với biểu tượng hoá thân là bạo lực, chúng ta vẫn kiên vững và vẫn để lời của Chúa Giê-su mời gọi vang lên, dù lời đó là âm thanh nhẹ nhàng sâu lắng, nhưng vẫn không bao giờ bị tắt lịm, dù cho biết bao âm thanh của bạo lực đang áp đặt bầu khí cuộc sống:

“Phúc thay ai hiền lành,
vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp”
(Mt 5,4).

Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng”(Mt 11,29).

Đọc hai lời trên, chúng ta nhận ra nét dễ thương của Chúa Giê-su, Đấng yêu thương và luôn chú ý đến những người bất hạnh, khổ đau và vất vả lầm than. Thật vậy, với thánh Mát-thêu, Chúa Giê-su chính là vị Vua xây dựng hoà bình, vị Vua hiền lành cưỡi trên lưng lừa (21,5). Ngài là Đấng khôn ngoan, hiền lành và khiêm nhường, ách của Ngài thì êm ái và gánh của Ngài thì nhẹ nhàng đối với tất cả những ai lầm than vất vả, những ai khổ đau bất hạnh, khi họ tìm đến với Ngài (11,29). Lời mời gọi của Chúa Giê-su hãy học với Ta (11,29) nêu bật tinh thần mà người môn đệ cần có: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13).

Tiếp đến, Mát-thêu còn gán cho Chúa những lời tiên tri I-sai-a nói về người Tôi Trung của Thiên Chúa: “Cây lau bị dập, Ngài không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi” (Mt 12,20).

Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn thế nào về hình ảnh Chúa Giê-su nổi giận đối với những người buôn bán trong đền thờ? Trước hết, nóng giận trái ngược với hiền lành, là thái độ kích động muốn người khác gặp tai hại, nóng giận ở đây hiểu theo nghĩa hoàn toàn tiêu cực, là có tính huỷ diệt cách tàn nhẫn và không có mùi vị gì của yêu thương và xây dựng.

Còn hành động của Chúa Giê-su rất mạnh mẽ. Ngài nổi giận, vì con người đã làm Đền Thờ của Thiên Chúa ra ô uế. Ngài ra tay cách mạnh mẽ cùng với những lời  quả quyết để “tẩy sạch” tất cả những gì làm cho Đền Thờ mất đi sự trang nghiêm, thánh thiện xứng hợp cho việc thờ lạy Thiên Chúa. Hành động mạnh mẽ và giận giữ của Thiên Chúa thật là cần thiết biết bao. Thật vậy, hiền lành không có nghĩa là yếu đuối không có sức mạnh và can đảm để chống lại sự dữ, mà hiền lành luôn gắn liền với sự khôn ngoan và khả năng phân định, để biết mạnh mẽ và nếu cần thiết thì có thể nổi giận để triệt tiêu sự dữ, loại bỏ những gì làm cho Đền Thờ của Chúa là tâm hồn của mỗi người trở nên ô uế.

Trong quy tắc phân định thần loại, thánh I-nhã cũng nhắc đến tinh thần mạnh mẽ thật cần thiết để chống lại sự dữ và cám dỗ, nghĩa là kẻ thù, sự dữ tỏ ra mình mạnh mẽ trong lời nói, trong cử chỉ và đôi khi tỏ ra bạo lực nữa, để lấn lướt và tiếp tục lấn lướt. Chúng ta nên làm gì và có phản ứng gì trước thái độ mạnh mẽ và bạo lực này của ma quỷ. Thánh I-nhã nói: “Khi ta chống trả thì nó yếu, và khi ta để mặc thì nó mạnh… Cũng vậy, đặc tính của kẻ thù là yếu nhược, khiếp đảm và bỏ chạy với những chước cám dỗ của nó, khi người tập tành trong đàng thiêng liêng thẳng tay chống trả các cám dỗ của nó bằng cách làm điều ngược hẳn lại. Trái lại, nếu người ấy bắt đầu sợ hãi và mất can đảm trước cơn cám dỗ, thì trên mặt đất này, không có vật nào hung dữ cho bằng kẻ thù của bản tính loài người trong việc theo đuổi ý định xấu xa của nó cách dữ dằn chừng ấy” (Sách Linh Thao số 325).

Như thế, việc Chúa Giê-su hiền lành và khiêm nhường trong lòng thật là tuyệt khi Ngài nổi giận để dẹp đi tất cả những gì làm cho Đền Thờ ô uế, để rồi với tình yêu thương, Người sẽ xây dựng lại Đề Thờ của yêu thương và của ơn cứu độ.

Tiếp đến, chúng ta thấy hình ảnh Chúa cỡi lừa vào thành Giêrusalem được coi như gương mẫu của một đức vua hiền hậu, chứ không phải một vị cứu thế dùng bạo lực để giải phóng dân tộc, như dân chúng đang hoan hô Ngài mong đợi. Sự hiền lành của Chúa được thấy rõ nhất trong cuộc khổ nạn: không một chút giận dữ, không một lời đe dọa. “Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe” (1 Pr 2,23).

Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy được sự phản ứng của Chúa khi bị xử án. Đứng trước Thượng Hội đồng Do thái, khi có tên lính vả mặt Ngài, Ngài đã không chìa má kia mà lại nói: “Nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?”(Ga 18,23). Phải chăng thái độ này của Chúa tương phản với lời Chúa dạy trong Bài Giảng Trên Núi: “Nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” (Mt 5,34).

Theo cha Cantalamessa, Chúng ta không được hiểu điều đó theo mặt chữ. Chúa sử dụng kiểu nói phóng đại và lối văn hình tượng, để khắc sâu hơn vào tâm trí người nghe một số ý tưởng. Chẳng hạn trong chuyện ‘giơ má ra’, quan trọng không phải là giơ má (có khi hành vi này lại có vẻ khiêu khích), nhưng là đừng dùng bạo lực chống lại bạo lực, trái lại, lấy thinh lặng đương đầu với giận dữ. Theo nghĩa này, câu Chúa trả lời cho tên lính là gương mẫu về sự hiền lành của Chúa.

 

“Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường”.

Như thế, chúng ta chiêm ngắm Chúa Giê-su, để học nơi Ngài sự hiền lành và khiêm nhường dưới sự hướng dẫn của Thần Khí Chúa.

Trong bài học này, Chúa Giê-su không chỉ nhắc đến hiền lành mà Chúa còn nối hiền lành với khiêm tốn chung với nhau.

Cha Jacques Dupont chia sẻ như sau: “Hiền lành được nhắc đến trong Bài Giảng Trên Núi không khác gì hơn là tinh thần khiêm nhường. Tinh thần này được diễn tả qua sự dễ thương trong tương quan với người bên cạnh. Sự hiền lành dễ dàng được nhận ra. Trong con người Chúa Giê-su có thể nhận ra được sự hiền lành này. Ngài chính là Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Trong nền tảng, sự hiền lành đối với chúng ta là một hình thức của tình yêu. Một tình yêu kiên nhẫn, và luôn chú ý đến người khác với một sự nhạy cảm sâu xa”.

Cha Cantalamessa cũng có cùng dòng suy tư như trên: “Trong Kinh Thánh cũng như trong các lời khuyến thiện ngày xưa, có hai sự kết hợp bền bỉ giúp chúng ta hiểu ý nghĩa đầy đủ của chữ hiền lành: một là sự kết hợp giữa hiền lành và khiêm nhường, hai là sự kết hợp các tâm thái bên trong (dispositions intérieures) từ đó phát xuất sự hiền lành. Sự kết hợp này gợi ra những cách cư xử phải có đối với người khác, đó là nhã nhặn, hiền hậu, tử tế. Đây cũng là những đức tính được Phaolô nhấn mạnh khi ngài nói về đức mến: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận…”(1 Cr 13,4-5).

Học với Chúa hai nhân đức hiền lành và khiêm nhường thật tuyệt. Nhưng thế nào? Học nơi tấm lòng Chúa. Tấm lòng, trái tim, tâm hồn là nơi quyết định có hiền hậu hay không. Chính “từ lòng người phát xuát những ý định xấu : giết người, độc ác, phỉ báng…” (x. Mc 7,21-22), giống như từ trong lòng núi lửa sôi sục vọt ra dung nham, đá nóng, tro bụi. Những vụ bạo động lớn nhất, chẳng hạn xung đột chiến tranh, như thư Giacobê viết, bắt đầu âm thầm từ những đam mê khuấy động bên trong con người (x. Gc 4,1-2). Cũng như có ngoại tình trong lòng thì cũng có giết người trong lòng : “Ai ghét anh em mình thì là kẻ sát nhân” (1 Ga 3,15). Không chỉ có bạo lực nơi bàn tay, mà còn có bạo lực trong tâm hồn, bạo lực trong tư tưởng.

Vì thế, học nơi lòng của Chúa, để rồi Thần Khí Chúa từng bước một biến đổi lòng của chúng ta.

Các tổ phủ sa mạc xưa không chỉ chú tâm đến việc chống lại các kẻ thù bên ngoài, mà các ngài coi cuộc chiến đấu bên trong chống lại các ý nghĩ xấu, tiêu cực, kiêu ngạo, tham lam, giận giữ và thù hận xuất phát từ tấm lòng của con người, từ cái bên trong của con người. Đối với các ngài, đó như là cách thử xem đời sống thiêng liêng thăng tiến tới đâu. Các ngài cũng đề ra những phương cách chiến đấu. Một ẩn sĩ cao niên đã nói: “Nhiệm vụ của đan sĩ là thấy từ xa các ý nghĩ của mình, để có thể chận đường chúng nếu chúng không phù hợp với đức ái. Cách làm đơn giản nhất là đọc một lời cầu nguyện vắn tắt, hoặc chúc lành cho người mà chúng ta bị cám dỗ xét đoán. Sau đó, khi đã bình tâm, chúng ta có thể quyết định có nên cư xử với người đó không, và cư xử thế nào”.

Chúng ta nên chú ý đến phương pháp hồi tâm của thánh I-nhã. Trong đó, cần xét đến suy nghĩ, cảm xúc, lời nói, hành động và hành vi trong ngày của mình, xem có vương vấn điều gì trái ngược với hiền lành và khiêm nhường, thì xin Thần Khí Chúa giúp mình biết sắp xếp lại, biết gạn đục khơi trong đời mình, để nhờ đó mình có thể mặc lấy được hoa trái hiền lành và khiêm nhường.

Ngoài ra, trong cầu nguyện, chúng ta nên nhìn lại mình xem coi mình đã và đang sống đức hiền lành và khiêm nhường như thế nào?

Tôi dành thời gian, suy tư cầu nguyện và chất vấn bản thân:

Có lúc nào tôi đã nổi giận và sống trái ngược hoàn toàn với hiền lành, nghĩa là tôi chỉ muốn phá đổ tất cả và không có bất cứ hương vị gì của yêu thương trong đó? Lúc đó lòng tôi, tâm hồn tôi ra sao? Tôi bị ám ảnh bởi những suy nghĩa tiêu cực nào? Tôi đã có những hành động, hành vi hay lời nói nào bị điều khiển bởi sự giận dữ đó?

Có lúc nào tôi đã thật kiêu căng và sống trái ngược hoàn toàn với khiêm nhường, nghĩa là tôi chỉ muốn khoe mình tài giỏi, thông minh, khéo léo và cả đạo đức nữa? Lúc đó lòng tôi tràn ngập cảm xúc gì? Tư tưởng nào làm chủ tôi? Tôi đã có những lời nói nào tâng bốc chính bản thân, tôi đã có hành vi hay hành động nào để tô vẽ và nâng cao con người của mình lên, dù trực tiếp hay gián tiếp, dù rõ rệt hay khéo léo che đậy dưới một lớp vỏ nào đó?

 

 

Để kết thúc bài suy niệm, chúng ta cùng đọc vài lời về hiền lành và khiêm nhường của các thánh nhân, cùng lời cầu nguyện cuối cùng.

Thánh tử đạo Ignatiô Antiokia đã gợi ra cho các Kitô hữu thời ngài một thái độ sống vẫn còn thích hợp cho chúng ta đứng trước thế giới hôm nay. Ngài viết: “Trước thái độ giận dữ của họ, anh em hãy tỏ ra hiền lành; trước thói khoe khoang của họ, hãy tỏ ra khiêm tốn”.

Thánh Phanxicô Salêsiô, một vị thánh nổi tiếng hiền hòa, đã nói: “Các bạn hãy sống hiền hòa hết sức có thể, và hãy nhớ rằng chỉ một giọt mật thôi thì bẫy ruồi dễ hơn là một thùng dấm”.

“Khiêm tốn là các đức hạnh như sợi dây của tràng chuỗi: bỏ khiêm tốn đi thì các đức tính khác sẽ biến mất” (Thánh Gioan Vianey).

 

“Lòng khiêm tốn dù lớn như thế nào thì cũng không làm cho tâm hồn lo lắng, khuấy động, chao đảo nhưng làm cho tâm hồn được bình an, vui vẻ và yên nghỉ” (Thánh Têrêsa Avila).

 

“Khiêm tốn là nguồn của mọi yên tĩnh” (Thánh Gioan Bosco).

 

“Nếu trên quả đất này có một tâm hồn thật sự hạnh phúc, thì đích thực đó là tâm hồn của người khiêm tốn” (Thánh Faustina Kowalska).

 

Lạy Chúa Thánh Thần là hồn sống của con và là Thầy dạy của con,

xin ban cho con điều Chúa Giê-su đã dạy dỗ,

là sống hiền lành và khiêm nhường trong lòng,

nhờ đó đời sống của con được đẹp lòng Chúa hơn.

 

Lạy Chúa Thánh Thần là hồn sống của con và là Thầy dạy của con,

Xin dạy dỗ và hướng dẫn con mỗi ngày để biết cầu nguyện với Chúa Giê-su:

“Lạy Chúa Giê-su hiền lành và khiêm nhường trong lòng,

xin uốn lòng chúng con nên giống Trái Tim Chúa

 

Iesu, mitis et humilis corde :

 fac cor nostrum secundum cor tuum”. Amen.

 

Chúng ta cùng đọc kinh Lạy Cha, kinh Kính mừng và kinh Sáng Danh.

 

3) Lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ luôn chiếu soi trên hành trình của chúng con /

như dấu chỉ của ơn cứu độ / và niềm hy vọng.

Chúng con phó thác chúng con cho Mẹ, là Sức khỏe của các bệnh nhân.
Dưới chân Thánh giá, Mẹ đã hiệp thông /

trong nỗi thống khổ của Chúa Giêsu, với một đức tin kiên vững.
Lạy Mẹ, là Phần Rỗi của dân thành Rôma, Mẹ biết điều chúng con cần / và chúng con chắc chắn rằng,  Mẹ sẽ ban cho chúng con, để giống như ở Cana miền Galilê, niềm vui và lễ hội / sẽ trở lại sau thời gian thử thách này.
Lạy Mẹ của Tình yêu Chúa, xin giúp đỡ chúng con, để chúng con biết vâng theo thánh ý Chúa Cha / và làm điều mà Chúa Giêsu phán bảo chúng con.
Ngài là Đấng/ đã gánh lấy trên mình Ngài / các nỗi đau của chúng con, và Ngài mang lấy những buồn sầu của chúng con, để qua Thánh giá, đưa chúng con đến niềm vui Phục Sinh.
Lạy Mẹ Thiên Chúa, chúng con tìm nương náu / dưới sự che chở của Mẹ.

Xin chớ chê chớ bỏ / lời cầu xin của chúng con / đang trong cơn thử thách,

và thân lạy Đức Trinh nữ/  vinh hiển đầy ơn phúc,

xin giải thoát chúng con khỏi mọi hiểm nguy. Amen.

 

 

4) Kinh Trông Cậy.

 

Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện, trong cơn gian nan thiếu thốn, Đức Nữ Đồng Trinh hiển vinh sáng láng hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen.

Lạy rất thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu.
Thương xót chúng con.

Lạy Trái Tim cực Thánh cực tịnh Rất Thánh Đức Bà Maria.
Cầu cho chúng con.

Lạy Ông thánh Giuse là bạn thanh sạch Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh.
Cầu cho chúng con.

Lạy Tổng Lãnh Thiên Thần Micae.

Cầu cho chúng con.

Các Thánh Tử Vì Đạo nước Việt Nam.
Cầu cho chúng con.

Mẹ Tê-rê-sa Can-cút-ta.

Cầu cho chúng con.

Thánh Rô-cô.

Cầu cho chúng con.

Nữ Vương ban sự bằng an.
Cầu cho chúng con.

 

5) Phúc lành của Chúa.

 

Xin Thiên Chúa luôn đồng hành và

dẫn bước anh chị em trên hành trình cuộc đời. Amen.

 

Xin Thiên Chúa luôn đi trước anh chị em,

để chính Ngài dọn con đường cho anh chị em

bước đi trong an toàn và bình an. Amen.

 

Xin Thiên Chúa luôn đi sau anh chị em,

Để Ngài sẽ ra tay nâng đỡ và ban thêm sức mạnh cho anh chị em,

khi anh chị em rơi vào khó khăn thử thách. Amen.

 

Xin Thiên Chúa dịu dàng cúi xuống bồng ẵm anh chị em lên đôi tay của Ngài,

Khi anh chị em đau yếu và trở nên tê liệt hoàn toàn. Amen.

 

Xin Thiên Chúa Ba Ngôi quyền năng và giàu lòng thương xót,

là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần

ban tràn đầy phúc lành, luôn chở che anh em trong vòng tay dấu ái của Ngài. Amen.

 

6) Thánh Ca:

Hãy chiếu soi lửa hồng

Sáng tác: Phanxico.