Bài Mới

Tuần cửu nhật cầu nguyện với Chúa Thánh Thần

Ngày 07:       Hoa quả của Thần Khí là TRUNG TÍN

 

1) Thánh Ca: Thánh Vịnh 103 (sáng tác: Lm. Thái Nguyên).

 

2) Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.

Kinh Sáng Soi: Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.

Kính thưa quý Ông Bà và Anh Chị Em cùng các cháu,

Hôm nay chúng ta bước vào ngày thứ bảy của tuần cửu nhật.

Chúng ta suy niệm và cầu nguyện về đề tài:  

Hoa trái của Thần Khí là TRUNG TÍN.

Trong ngôn ngữ Việt Nam từ ngữ Trung Tín có thể hiểu như sau:

Trung có nghĩa là hết lòng và tín có nghĩa là tin cậy.

Như thế trung tín mang ý nghĩa “giữ lời hứa” hay “đáng tin cậy”.

 

Nếu chúng ta nhìn đến Thiên Chúa, thì sự trung tín được nổi bật qua chính tình yêu của Người dành cho dân Do-thái. Tiên tri I-sai-a diễn tả thật tuyệt vời:

“Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình,
hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau?
Cho dù nó có quên đi nữa,
thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.
Hãy xem, Ta đã ghi khắc ngươi trong lòng bàn tay Ta”
(Is 49,15-16).

 

Thiên Chúa trung tín và không bao giờ bỏ rơi con cái của Ngài. Một lần Ngài đã nói lời xin vâng của tình yêu với con cái của Ngài, thì lời đó có giá trị ngàn đời.

 

“Cỏ héo, hoa tàn,
nhưng lời của Thiên Chúa chúng ta đời đời bền vững”
(Is 40,8).

 

Thật vậy, có thể nói rằng, các Kitô hữu thật may mắn và hạnh phúc, vì đặt niềm tin vào Thiên Chúa:

 

“Bởi vì Chúa nhân hậu,

muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương,

qua bao thế hệ, vẫn một niềm thành tín” (Tv 99, 5).

 

Thiên Chúa là Đấng Tín Trung, Ngài là nguồn gốc của trung tín, là tấm gương, là sức mạnh để con người có thể tin cậy vào Ngài và tin tưởng nhau.

 

Chúa Giê-su đã diễn tả sự trung tín của Ngài với Cha trên trời, với sứ mạng Ngài đã đón nhận. Ngài rao giảng và diễn tả sự trung tín của Thiên Chúa qua chính tình yêu tha thứ của Ngài dành cho người tội lỗi. Với Gia-kêu và với người tội lỗi Chúa đã nói: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10).

 

Sự trung tín của Chúa đã được Thánh Phao-lô diễn tả sâu đậm thêm:

Nếu ta không trung tín,

Người vẫn một lòng trung tín,

vì Người không thể nào chối bỏ chính mình” (2Tm 2,13).

 

Khi phải đối diện với chén đắng và cũng phải vật lộn với cơn sợ hãi mang tính con người ở trong vườn Cây Dầu, Chúa Giê-su vẫn trung tín thốt lên với cha Ngài: “Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con.

Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn” (Mc 14,36).

Henri Nouwen đã suy tư về điều này như sau: “Người cầm chén chắc nịch trong tay, muốn uống đến giọt cuối cùng. Đó không phải là một hành vi biểu lộ ý chí trước thử thách hay biểu lộ tính anh hùng, nhưng hành vi xuất phát từ sâu thẳm tâm hồn, đó là tiếng ‘vâng’ với Abba, thiết tha vì tình yêu của một quả tim tan vỡ”.

 

Cuối cùng, với sự trung tín tuyệt vời của tình yêu, Chúa Giê-su đã thốt lên trên Thánh Giá: “Thế là đã hoàn tất!” (Ga 19,30).

 

“Thế là đã hoàn tất”. Lời này diễn tả được chính sự trung tín của Chúa Giê-su qua việc Chúa Giê-su đã uống cạn chén đắng và đã đón nhận biết bao sỉ nhục cùng cái chết, để qua đó Chúa Giê-su trở nên Đấng Cứu Thế cho mọi người.

Giờ đây, phần việc và sứ vụ của Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa làm người đã hoàn tất. Cuộc đời trần thế của Con Thiên Chúa đã kết thúc trong tình yêu và sự trung tín, và từ hạt giống được gieo vào lòng đất này sẽ sinh con người mới.

 

“Thế là đã hoàn tất”. Lời này được Chúa tiếp tục nói với chúng ta những người đang sống. Chúa nói lời đó ngay khi chúng ta đang đối diện với những nỗi sợ hãi của chính chúng ta, sợ hãi trước một cuộc sống bị gãy đổ, một cuộc đời nửa đường gãy cánh, sợ hãi trước sự bất trung của chính chúng ta dành cho người khác và bất trung của người khác dành cho chúng ta. Ở tại Thánh Giá của Chúa, Chúa dang tay ôm trọn tất cả mọi người đang sống trong bất trung, trong đổ vỡ, trong chia ly, trong rạn nứt vào tâm lòng của Ngài.

 

Tình yêu của Chúa làm cho mọi sự đang rạn nứt và đang đổ vỡ trong chúng ta được tìm lại sự gắn kết và trọn vẹn hoàn toàn.  Tình yêu của Chúa giữ chặt lại mọi sự ở trong chúng ta như đang chuẩn bị đỗ vỡ, đang ở trong tình trạng có thể bị “chẻ đôi”.

 

Hôm nay, trong giờ cầu nguyện chúng ta dành thời gian, chạy đến với Chúa đang chịu đóng đinh trên Thánh Giá. Chúng ta nhìn lại đời mình.

Nếu nhận ra được tinh thần trung tín đang được sống động trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta hãy thầm cảm tạ Thiên Chúa, vì sự trung tín làm cho cuộc sống có giá trị và ý nghĩa hơn.

Tuy nhiên, không ai dám khẳng định là tôi sẽ trung tín mãi mãi, vì phận người thì mỏng dòn và lòng người dễ đổi thay. Vì thế, chúng ta xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta hoa trái trung tín này, và xin Ngài hướng dẫn dạy dỗ chúng ta biết sống lòng trung tín một cách tốt đẹp nhất.

 

Trong giờ cầu nguyện, chúng ta cũng ý thức để xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta làm một cuộc hoán cải, bằng cách xin Ngài soi sáng cho chúng ta nhận ra những bất trung, những rạn nứt của cuộc sống:

 

  • Sự bất trung của tôi với Thiên Chúa và tình yêu của Người.
  • Sự bất trung của tôi với người tôi đã cam kết, là vợ là chồng, là con cái, là gia đình tôi.
  • Sự bất trung với những người thân khác, cũng như với và bạn bè.
  • Sự bất trung của tôi với chính sứ mạng Chúa trao trong việc tông đồ.
  • Sự bất trung trong lời tôi nói, trong suy nghĩ của tôi và trong cảm xúc cùng hành động của tôi.
  • Sự bất trung của tôi với chính bản thân tôi.

 

Thật âm thầm sâu lắng, có thể trộn lẫn cả nước mắt và tâm hồn đau xót, tôi dâng Thiên Chúa tín trung tất cả những bất trung của tôi mà tôi vừa nhận ra. Xin Ngài thánh hoá và biến đổi tất cả sự bất trung của bản thân tôi vào trong sự trung tín của tình yêu Ngài.

 

Con người được mời gọi sống trung tín với Chúa, nhưng con người thường lại sống trong tình trạng bất trung tội lỗi. Do đó, thật là khó để có thể sống sự trung tín như một phẩm chất tinh tuyền.

 

Vì thế, ý thức phận người yếu đuối tội lỗi, con người chỉ có thể trung tín như một khả năng bắt đầu lại.

Bắt đầu lại với chính tình yêu trung tín vô bờ của Thiên Chúa là nền tảng.

Bắt đầu lại với chính sức mạnh của Thần Khí Thiên Chúa ban.

Bắt đầu lại với chính những mảnh vỡ của đời mình trong khiêm tốn và cậy trông.

 

Chắc chắn Thiên Chúa trung tín và giàu lòng thương xót sẽ đón nhận sự bắt đầu lại của con người. Chính sự trung tín và lòng thương xót của Chúa mở đường để con người có thể sống tín trung với Chúa, trước tiên và một cách căn bản, như một hành trình của đức Cậy, nghĩa là khả năng bắt đầu lại.

 

Cuối cùng, với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta thầm tự nhủ trong nguyện cầu:  

 

Lạy Chúa Thánh Thần là Đấng tín trung,

con xin dâng Chúa cả đời sống còn lại của con:

Hiện tại, ngày mai và cả chuỗi ngày còn lại,

Công việc con đang làm, nỗi lo con đang có,

Dự định con đang nghĩ, kế hoạch con đang thảo ra,

Cả trách nhiệm của con, nhiệt huyết của con,

Cùng với sự yếu đuối, mòng dòn và dễ buông bỏ của con.

 

Lạy Chúa Thánh Thần là Đấng tín trung,

Xin Ngài đón nhận tất cả và thánh hoá tất cả,

Con xác tín rằng, với sức mình con không thể sống trung tín hoàn toàn được.

Con chỉ có thể trung tín với Chúa, với Anh Chị Em, với chính bản thân con và với những sứ mạng cùng công việc thường ngày của con, khi Chúa ban cho con hoa trái của Chúa. Đó là sự tín trung của tình yêu.

 

Lạy Chúa Thánh Thần là Đấng tín trung,

 “Tình thương Chúa, đời đời con ca tụng,

qua muôn ngàn thế hệ

miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài” (Tv 89,2). Amen.

 

Chúng ta cùng đọc kinh Lạy Cha, kinh Kính mừng và kinh Sáng Danh.

 

3) Lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ luôn chiếu soi trên hành trình của chúng con /

như dấu chỉ của ơn cứu độ / và niềm hy vọng.

Chúng con phó thác chúng con cho Mẹ, là Sức khỏe của các bệnh nhân.
Dưới chân Thánh giá, Mẹ đã hiệp thông /

trong nỗi thống khổ của Chúa Giêsu, với một đức tin kiên vững.
Lạy Mẹ, là Phần Rỗi của dân thành Rôma, Mẹ biết điều chúng con cần / và chúng con chắc chắn rằng,  Mẹ sẽ ban cho chúng con, để giống như ở Cana miền Galilê, niềm vui và lễ hội / sẽ trở lại sau thời gian thử thách này.
Lạy Mẹ của Tình yêu Chúa, xin giúp đỡ chúng con, để chúng con biết vâng theo thánh ý Chúa Cha / và làm điều mà Chúa Giêsu phán bảo chúng con.
Ngài là Đấng/ đã gánh lấy trên mình Ngài / các nỗi đau của chúng con, và Ngài mang lấy những buồn sầu của chúng con, để qua Thánh giá, đưa chúng con đến niềm vui Phục Sinh.
Lạy Mẹ Thiên Chúa, chúng con tìm nương náu / dưới sự che chở của Mẹ.

Xin chớ chê chớ bỏ / lời cầu xin của chúng con / đang trong cơn thử thách,

và thân lạy Đức Trinh nữ/  vinh hiển đầy ơn phúc,

xin giải thoát chúng con khỏi mọi hiểm nguy. Amen.

 

 

4) Kinh Trông Cậy.

 

Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện, trong cơn gian nan thiếu thốn, Đức Nữ Đồng Trinh hiển vinh sáng láng hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen.

Lạy rất thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu.
Thương xót chúng con.

Lạy Trái Tim cực Thánh cực tịnh Rất Thánh Đức Bà Maria.
Cầu cho chúng con.

Lạy Ông thánh Giuse là bạn thanh sạch Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh.
Cầu cho chúng con.

Lạy Tổng Lãnh Thiên Thần Micae.

Cầu cho chúng con.

Các Thánh Tử Vì Đạo nước Việt Nam.
Cầu cho chúng con.

Mẹ Tê-rê-sa Can-cút-ta.

Cầu cho chúng con.

Thánh Rô-cô.

Cầu cho chúng con.

Nữ Vương ban sự bằng an.
Cầu cho chúng con.

 

5) Phúc lành của Chúa.

 

Xin Thiên Chúa luôn đồng hành và

dẫn bước anh chị em trên hành trình cuộc đời. Amen.

 

Xin Thiên Chúa luôn đi trước anh chị em,

để chính Ngài dọn con đường cho anh chị em

bước đi trong an toàn và bình an. Amen.

 

Xin Thiên Chúa luôn đi sau anh chị em,

Để Ngài sẽ ra tay nâng đỡ và ban thêm sức mạnh cho anh chị em,

khi anh chị em rơi vào khó khăn thử thách. Amen.

 

Xin Thiên Chúa dịu dàng cúi xuống bồng ẵm anh chị em lên đôi tay của Ngài,

Khi anh chị em đau yếu và trở nên tê liệt hoàn toàn. Amen.

 

Xin Thiên Chúa Ba Ngôi quyền năng và giàu lòng thương xót,

là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần

ban tràn đầy phúc lành, luôn chở che anh em trong vòng tay dấu ái của Ngài. Amen.

 

6) Thánh Ca:

Trong Thánh Thần Tình Yêu

Sáng tác: Lm. Mai Thiện.