Bài Mới

1) Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.

 

2) Kinh Sáng Soi: Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.

 

3) Chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.

 

“Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,
xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ (Mt 6,9a.13a).

 

4) Suy niệm:

 

Quý Ông Bà và Anh Chị Em cùng các Cháu thân mến,

 

Lời Chúa được trích từ Tin Mừng của thánh Mát-thêu, đó là lời cầu nguyện thứ sáu của Kinh Lạy Cha. Với lời cầu nguyện này, chúng ta khiêm tốn chạy đến cùng Cha, xin Cha dủ tình thương xót đừng để chúng ta sa vào những cơn cám dỗ đầy hiểm nguy.

 

“Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,
xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.

Khi đọc lời cầu xin này, thật là sai lầm, nếu nghĩ rằng chính Thiên Chúa đưa con người vào trong cám dỗ, dẫn con người vào trong những cạm bẫy của sự dữ. Trong Tân Ước, không có đoạn nào nói rằng Thiên Chúa dẫn con người vào trong những cám dỗ. Thánh Gia-cô-bê cũng đã nhắc nhớ rất rõ ràng: Khi bị cám dỗ, đừng ai nói: "Tôi bị Thiên Chúa cám dỗ", vì Thiên Chúa không thể bị cám dỗ làm điều xấu, và chính Người cũng không cám dỗ ai.Nhưng mỗi người có bị cám dỗ, là do dục vọng của mình lôi cuốn và dùng mồi mà bắt” (Gc 1, 13-14). Ở đây, thánh Gia-cô-bê nhấn mạnh rằng, Thiên Chúa không thể bị cám dỗ làm điều xấu, và chính Người cũng không cám dỗ ai. Nói cách khác, Thiên Chúa là Đấng Nhân Từ và quyền năng vô bờ, nên không có bất cứ thế lực sự dữ nào có thể cám dỗ Ngài, và Ngài cũng không quen biết đến điều xấu xa, vì thế Ngài không bao giờ cám dỗ con người vào những điều xấu xa. Sách Huấn Ca của Cựu Ước cũng nhắc nhớ:

“Con đừng nói: "Tại Đức Chúa mà tôi phạm tội",
vì điều Người gớm ghét, thì Người không làm.

Đừng nói: "Chính Người làm tôi lầm đường lạc lối",
vì Người không cần kẻ tội lỗi”
(Hc 15, 11-12).

Thiên Chúa không phải là tác giả dẫn chúng ta vào trong cám dỗ, vậy ai là “tác giả” đưa chúng ta vào trong cám dỗ? Nếu đọc tiếp lời cầu nguyện “xin cứu chúng con ra khỏi sự dữ”, thì chúng ta nhận ra rằng, tác giả cám dỗ con người vào những chuyện xấu xa là sự dữ, là Xa-tan.

Như thế, lời cầu xin này hướng về Cha trên trời, nhưng không xin Cha cho chúng ta đừng gặp phải cám dỗ, mà xin Cha đừng để chúng ta bị chìm mình trong cám dỗ mà không có đường ra, xin Cha ban cho chúng ta sức mạnh và sự khôn ngoan cùng những ơn cần thiết, để chúng ta vượt qua được những cám dỗ đến từ sự dữ đang bủa vây cuộc đời của chúng ta, cũng như chính Đức Kitô, Đấng cũng không xin Cha tránh cho Ngài gặp phải cám dỗ, mà Ngài cầu xin Cha giúp Ngài chiến thắng và vượt qua những cám dỗ của sự dữ.

Đọc lại cơn cám dỗ của Đức Kitô trong tin mừng Mát-thêu 4, 1-11, chúng ta nhận ra rằng, cơn cám dỗ Chúa chịu là do bởi Xa-tan cám dỗ Chúa, dù cho Ngài được Thần Khí dẫn vào trong sa mạc: “Bấy giờ Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ”(Mt 4,1).

Trước ba lời dụ dỗ của Xa-tan, Đức Kitô đã phản ứng ra sao? Ngài đã đáp lại ba lời rõ ràng và mạnh mẽ. Lời thứ nhất: "Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra." Với lời cám dỗ thứ hai Chúa đáp: "Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi." Và cuối cùng thật quyết liệt mạnh mẽ Chúa nói với thần dữ: "Xa-tan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi."

Như vậy, Chúa Giê-su chống lại một cách dứt khoát ba tiến trình mà Xa-tan muốn đặt vào trong Người. Xa-tan khêu gợi bằng những mục tiêu giả dối đầy vẻ quyến rũ và thách thức. Nó muốn nhân đó khơi dậy một điều ham muốn và lòng chiều theo ham muốn đó, tức là tội lỗi. Mỗi lần như thế, Chúa đều nghiêm khắc xua đuổi nó đi, và cuối cùng Chúa dùng chính uy quyền của Ngài để bắt Xa-tan phải lui vào vị trí của nó. Đó là phải thờ lạy Thiên Chúa.

Ngoài ra, Chúa Giê-su đã không thể thắng các cơn cám dỗ, nếu Người chỉ qui hướng về mình. Người sẽ thua ma quỷ, nếu Người tìm vinh danh mình khi hóa đá thành bánh, Người sẽ bị sập bẫy Xa-tan khi nhảy xuống từ nóc cao đền thờ để được khen ngợi tung hô. Người sẽ thất bại thảm thương khi quỳ lạy ma quỷ để được vinh hoa thế gian. Nhưng không, không bao giờ Người làm thế, vì tinh thần chủ đạo của Người, vũ khí sắc bén của Người chính là “thánh ý Cha”. Người suy nghĩ, nói năng, hành động bất cứ điều gì cũng là để theo thánh ý Cha. Chính trong cơn cám dỗ khốc liệt nhất của Người trước cái chết, Người cũng chỉ thốt lên: “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà theo ý Cha” (Mt 26,39). Lời cầu nguyện của Chúa rất khiêm tốn, rất thiết tha, rất phó thác trong xao xuyến bồi hồi, và cũng không thiếu mùi vị của giao chiến quyết liệt với chính mình. Thật vậy, với lời cầu nguyện này,  Chúa Giê-su « ra khỏi chính mình », để Ngài tập trung hoàn toàn vào Cha và thánh ý của Cha.

Suốt dòng lịch sử, Thiên Chúa đã thử thách những kẻ Người đã chọn như Ápraham, Gióp, những người công chính. Người đã cũng để cho Đức Giêsu bị cám dỗ ở hoang địa như vừa nói ở trên, và như lần Chúa Giêsu bị cám dỗ bỏ sứ mạng của Người Tôi Trung đau khổ.

Cũng vậy, Thiên Chúa không muốn miễn trừ cho người tín hữu Người khỏi chiến đấu với cám dỗ, nhưng Người trang bị cho họ và tập cho họ dạn dĩ để đấu tranh với những cám dỗ của sự dữ. Thật vậy, chấp nhận làm người là chấp nhận bị cám dỗ. Cám dỗ từ bên ngoài, từ quỷ dữ, từ tha nhân... Cám dỗ từ bên trong, từ đòi hỏi của bản năng tự nhiên, của thân xác, từ sự khép kín của trí tuệ và lạnh giá của con tim. Thật vậy, trong đời này ai lại không gặp cám dỗ ? Chính khi gặp cám dỗ và vượt qua được nó, thì con người mới trưởng thành, mới lớn lên được. Và có thể khi gặp cám dỗ, con người mới nhận ra thân phận yếu đuối và tội lỗi của mình, và qua đó ý thức ăn năn thống hối, và khiêm nhường trở về với Chúa hơn. Đối với Thánh Âu-tinh, « trong đời sống hiện tại, cám dỗ là một điều có lợi, nhưng dù vậy đừng bước vào trong cám dỗ ». Thật vậy, ai có thể nói chắc rằng, mình sẽ vượt thắng được những cám dỗ. Còn đối với Martini, « cám dỗ là một phần quan trọng trong kinh nghiệm của người Kitô hữu. Và thật sự, cám dỗ là kinh nghiệm thường ngày. Chúa Giê-su cũng đã cảnh báo cho chúng ta khi Ngài nói với các môn đệ : ´Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn´.» (Mt 26, 41).

Vâng, chúng ta cần can đảm sẵn sàng đón nhận những thử thách nặng nề đến với chúng ta. Mặt khác, chúng ta vẫn ý thức cầu xin Chúa đừng để chúng ta sa chước những cám dỗ vượt quá sức chịu đựng của chúng ta, cũng như cầu xin Chúa đừng để chúng ta rớt ra khỏi đôi tay của Ngài.

Ngoài ra, Đức Benedicto thứ XVI đã khiêm nhường cầu xin Chúa rằng : « Lạy Chúa, con biết rằng con cần đến những thử thách, để con người của con trở nên trong sạch hơn. Nếu Chúa để con gặp phải những thử thách này, nếu Chúa cho thần dữ một chút không gian tự do như trường hợp của ông Gióp gặp phải, thì xin nghĩ đến sức lực giới hạn của con. Xin đừng quá tin tưởng ở nơi con. Xin đừng để con bị cám dỗ quá mức, và xin ở gần bên con với cánh tay chở che của Chúa, nếu cám dỗ quá nhiều đối với con ».

Như vậy, trước những cám dỗ, thì con người của niềm tin không được phép tự cao và cũng không được phép tự ti. Và « để khỏi sa chước cám dỗ, cần phải có một sự cương quyết của trái tim. ‘Kho tàng của anh ở đâu thì lòng anh ở đó… Không ai có thể làm tôi hai chủ’ (Mt 6, 21.24).

Ngoài ra, trước mọi hoàn cảnh thử thách và trước những cám dỗ, luôn ý thức chạy đến trước tôn nhan Chúa với lòng khiêm nhường để cầu xin Chúa và sự chở che của Ngài: « Xin đừng để con sa chước cám dỗ », và cũng xin Chúa cho chúng ta nhận ra được bộ mặt xảo quyệt của thần dữ và những kiểu cám dỗ của nó, để chúng ta biết phải cố gắng vượt thắng như thế nào trong ơn nghĩa và sự giúp đỡ của Chúa.

Chắc chắn chúng ta không thể xác định có bao nhiêu kiểu cám dỗ, vì làm sao con người chúng ta có thể đo lường được sự ranh ma xảo quyệt của thần dữ. Chúng sẵn sàng tìm bất cứ phương tiện nào, dùng bất cứ thủ đoạn nào, để cám dỗ và để cho chúng ta phải “lọt lưới”.

Vì thế, cần phải chú ý mới nhận ra được cái giả trá và cạm bẫy của những cám dỗ này.

Cám dỗ của thần dữ đang “chạy chơi khắp nơi” trong đời sống thường ngày của người Kitô hữu. Martini đã diễn tả năm cách thức cám dỗ khác nhau của thần dữ mà chúng ta thường gặp phải. Đó là: (1) sự quyến rũ, (2) sự chống đối, (3) sự ảo tưởng, (4) sự thinh lặng của Thiên Chúa và cuối cùng là (5) sự chối từ Thiên Chúa và chối từ Chúa Giê-su.

Cám dỗ này đòi hỏi chúng ta phải dùng hết nguồn lực Đức Tin của mình để chiến đấu. Và để có thể thắng vượt được cám dỗ này, Martini khuyên chúng ta cần giữ vững và chăm sóc đời sống đức tin của mình, bằng cách chúng ta cần phải xây dựng căn nhà đức tin của mình trên chính nền tảng là Lời Chúa. Chúng ta cần chú tâm đọc và cầu nguyện với Lời Chúa mỗi ngày. Khi Lời Chúa được thấm nhuần vào trong tâm hồn, trở thành nguồn năng lực căn bản và quan trọng trong đời sống thường ngày, cũng như là lương thực hằng ngày của chúng ta, thì đời sống đức tin của chúng ta được chăm sóc, được xây dựng và được đổi mới luôn mãi. Nhờ đó, chúng ta có thể vững vàng vượt thắng được cám dỗ nguy hiểm này của sự dữ. Và ngay cả một đạo quân của sự dữ cũng không thể phá đổ được căn nhà đức tin của chúng ta, vì căn nhà đó được xây dựng trên nền tảng vững chắc là Lời Chúa, chứ không phải trên nền đất cát dễ bị sụt lở, khi gặp bão tố và sóng nước tràn vào. Hơn nữa, là con người của Lời Chúa, chúng ta cũng có thể thắng vượt được những lúc cô đơn nhất, sự cô đơn phải bơi ngược dòng của người Kitô hữu giữa dòng đời tục hóa, chối bỏ Thiên Chúa và Chúa Giê-su.

Để hiểu được tinh thần và sức mạnh của Lời Chúa, Lời giúp chúng ta vượt thắng được cám dỗ của cuộc đời, là không muốn chú ý đến Thiên Chúa và Chúa Giê-su, chúng ta đọc lại thư thứ nhất của thánh Phê-rô. Thư này được gởi cho các Kitô hữu tiên khởi như là một nhóm người thiểu số không đáng kể trong xã hội lúc đó. Vì thế, họ bị cám dỗ để tự nói với họ rằng, họ là những con người nghèo nàn chẳng đáng giá gì. Thấu hiểu được hoàn cảnh của họ, thánh Phê-rô đã động viên, nâng đỡ và khuyến khích họ, ngài đã chỉ cho họ một con đường của người Kitô hữu với một tinh thần sống vui tươi và thanh cao, mang một giá trị cao quý ngay giữa lòng một xã hội không công nhận Thiên Chúa, ngay lúc họ rơi vào trong thử thách và bị khinh miệt, cũng như phải chịu đau khổ. Thử thách và cám dỗ họ phải đối diện đến từ thần dữ được thánh Phê-rô diễn tả cách mạnh mẽ: “vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1P 5, 8).

Những thử thách và cám dỗ này cũng là cơ hội để thử thách niềm tin của người Kitô hữu, vì thế thánh Phê-rô nhắn nhủ: “Anh em thân mến, anh em đang bị lửa thử thách: đừng ngạc nhiên mà coi đó như một cái gì khác thường xảy đến cho anh em” (1P 4,12). Và “những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, - vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giê-su Ki-tô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự” (1P 1,7). Trong quá trình đức tin được tinh luyện, người Kitô hữu cần luôn ý thức khao khát sữa tinh tuyền là Lời Chúa (x.1P 2,2). Đó là Lời hằng sống và tồn tại mãi mãi, Lời củng cố Đức Tin, Lời luôn giúp cho người công chính sống tinh thần của Đức Kitô, tinh thần chân thiện mỹ, Lời đem lại niềm can đảm và không run sợ trước bất cứ đe dọa và thử thách nào. Thật vậy, “ai làm hại được anh em, nếu anh em nhiệt thành làm điều thiện? Mà nếu anh em chịu khổ vì sống công chính, thì anh em thật có phúc! Đừng sợ những kẻ làm hại anh em và đừng xao xuyến” (1P 3, 13-14).

Là những Kitô hữu, để vượt qua được các cám dỗ, chúng ta cần ở lại luôn mãi trong Đức Kitô, luôn hướng mắt ngắm nhìn Ngài, luôn kết hiệp với Ngài và trở nên một với Ngài, nghĩa là cuộc sống chúng ta luôn gắn bó với Chúa Giê-su, luôn tâm sự với Ngài, cùng Ngài trao đổi về những gì diễn ra trong cuộc sống hằng ngày, những vui buồn, khó khăn thử thách, những dự định và kế hoạch. Như vậy là chúng ta đang tập sống tiến trình phân định liên lỷ để nhận ra đường lối, kế hoạch và thánh ý của Thiên Chúa trong cuộc sống của bản thân.

Có như vậy, chúng ta có đủ can đảm và đủ sức lực để bơi ngược với dòng chảy của cuộc đời này, một cuộc đời có nhiều khuynh hướng từ chối Thiên Chúa và niềm tin vào Ngài. 

Lạy Chúa, chúng con luôn được mời gọi để làm chứng nhân

 cho Thiên Chúa ngay giữa trần gian này,

một trần gian mà sự dữ luôn tìm cách làm xóa đi

bóng dáng của Thiên Chúa,

một trần gian mà sự dữ muốn thay thế Chúa

để chiếm hữu và điều khiển con người,

đặc biệt những người con cái của Thiên Chúa.

Vì thế, chúng con khiêm tốn và ý thức chạy đến cầu xin Chúa,

Xin Chúa giúp chúng con đừng sa vào cám dỗ,

mà nếu có sa vào, thì xin cho chúng con có sức

để vượt thắng cám dỗ và thần dữ.

Còn nếu chúng con không còn sức lực

để thoát ra khỏi sự sa lầy trong cám dỗ của thần dữ,

thì xin Ngài ra tay cứu chúng con thoát khỏi bàn tay của thần dữ. Amen.       

 

Chúng ta cùng đọc kinh Lạy Cha, kinh Kính mừng và kinh Sáng Danh.

 

 

5) Lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha.

 

Lạy Mẹ Maria, Mẹ luôn chiếu soi trên hành trình của chúng con /

như dấu chỉ của ơn cứu độ / và niềm hy vọng.

Chúng con phó thác chúng con cho Mẹ, là Sức khỏe của các bệnh nhân.
Dưới chân Thánh giá, Mẹ đã hiệp thông /

trong nỗi thống khổ của Chúa Giêsu, với một đức tin kiên vững.
Lạy Mẹ, là Phần Rỗi của dân thành Rôma, Mẹ biết điều chúng con cần / và chúng con chắc chắn rằng,  Mẹ sẽ ban cho chúng con, để giống như ở Cana miền Galilê, niềm vui và lễ hội / sẽ trở lại sau thời gian thử thách này.
Lạy Mẹ của Tình yêu Chúa, xin giúp đỡ chúng con, để chúng con biết vâng theo thánh ý Chúa Cha / và làm điều mà Chúa Giêsu phán bảo chúng con.
Ngài là Đấng/ đã gánh lấy trên mình Ngài / các nỗi đau của chúng con, và Ngài mang lấy những buồn sầu của chúng con, để qua Thánh giá, đưa chúng con đến niềm vui Phục Sinh.
Lạy Mẹ Thiên Chúa, chúng con tìm nương náu / dưới sự che chở của Mẹ.

Xin chớ chê chớ bỏ / lời cầu xin của chúng con / đang trong cơn thử thách,

và thân lạy Đức Trinh nữ/  vinh hiển đầy ơn phúc,

xin giải thoát chúng con khỏi mọi hiểm nguy. Amen.

 

 

6) Kinh Trông Cậy.

 

Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện, trong cơn gian nan thiếu thốn, Đức Nữ Đồng Trinh hiển vinh sáng láng hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen.

Lạy rất thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu.
Thương xót chúng con.

Lạy Trái Tim cực Thánh cực tịnh Rất Thánh Đức Bà Maria.
Cầu cho chúng con.

Lạy Ông thánh Giuse là bạn thanh sạch Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh.
Cầu cho chúng con.

Lạy Tổng Lãnh Thiên Thần Micae.

Cầu cho chúng con.

Các Thánh Tử Vì Đạo nước Việt Nam.
Cầu cho chúng con.

Mẹ Tê-rê-sa Can-cút-ta.

Cầu cho chúng con.

Thánh Rô-cô.

Cầu cho chúng con.

Nữ Vương ban sự bằng an.
Cầu cho chúng con.

 

7) Phúc lành của Chúa.

 

Xin Thiên Chúa luôn đồng hành và

dẫn bước anh chị em trên hành trình cuộc đời. Amen.

 

Xin Thiên Chúa luôn đi trước anh chị em,

để chính Ngài dọn con đường cho anh chị em

bước đi trong an toàn và bình an. Amen.

 

Xin Thiên Chúa luôn đi sau anh chị em,

Để Ngài sẽ ra tay nâng đỡ và ban thêm sức mạnh cho anh chị em,

khi anh chị em rơi vào khó khăn thử thách. Amen.

 

Xin Thiên Chúa dịu dàng cúi xuống bồng ẵm anh chị em lên đôi tay của Ngài,

Khi anh chị em đau yếu và trở nên tê liệt hoàn toàn. Amen.

 

Xin Thiên Chúa Ba Ngôi quyền năng và giàu lòng thương xót,

là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần

ban tràn đầy phúc lành, luôn chở che anh em trong vòng tay dấu ái của Ngài. Amen.

 

8) Thánh Ca:

 

Chúng con cần đến Chúa.

Sáng tác: Phanxico.

Trình bày: Khắc Triệu.