Bài Mới

1) Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.

 

2) Kinh Sáng Soi: Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.

 

3) Chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.

 

“Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,
xin làm cho
triều đại Cha mau đến (Mt 6,9a.10a).

 

4) Suy niệm:

 

Quý Ông Bà và Anh Chị Em cùng các Cháu thân mến,

 

Lời Chúa được trích từ Tin Mừng của thánh Mát-thêu, đó là lời cầu nguyện thứ hai của Kinh Lạy Cha.

 

Lời cầu nguyện này hướng về tinh thần xin cho Nước Cha, triều đại của Cha, Nước Trời được hiển trị.

 

Nhưng “triều đại Cha”, “Nước Cha” hay “Nước Trời” là gì vậy?

Theo một số nhà chú giải kinh thánh, lời cầu xin này là lời cầu xin rất căn bản. Để tìm hiểu và suy niệm lời cầu xin này, trước hết chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của từ ngữ « triều đại » hoặc « vương quyền » trong lời cầu xin.

Trong tiếng Hy-lạp, từ ngữ này được gọi là « basileia » vừa có nghĩa là vương quốc, vừa có nghĩa vương quyền và triều đại. Vương quốc hay triều đại nói tới trong lời cầu xin này thường được Đức Giê-su dùng, vì thế có thể nói rằng, đó là « từ ngữ của Chúa Giê-su ». Vương quốc Thiên Chúa gắn liền với Chúa Giê-su và sứ mạng của Ngài.

Rao giảng vương quốc của Thiên Chúa, đó chính là mục đích chính yếu mà Đức Giêsu muốn nhắm tới trong lời Người giảng và trong các việc Người làm.

Bản thân tôi, từ trước đến giờ vẫn luôn mường tượng Nước Thiên Chúa là nơi Thiên Chúa ngự trị, và nơi đó tình yêu của Ngài đang hiện diện, nơi đó không còn bất công và khổ đau, nơi đó tất cả mọi người và mọi vật đều được hiệp nhất với Thiên Chúa và với nhau, một sự hiệp nhất trong tình yêu. Trong cơn đại dịch này, hình ảnh Nước Thiên Chúa được tỏ lộ rõ nơi những gia đình sống yêu thương, đoàn kết, và hy sinh cho nhau, nơi tình liên đới của làng xóm qua việc gọi điện hỏi thăm nhau, qua tình liên đới của người mạnh khoẻ dành cho người cao niên và người đau yếu, qua việc giúp mua thực phẩm và thuốc thang cho nhau. Rồi còn giúp nhau qua việc may khẩu trang, tặng khẩu trang, qua việc chia sẻ với những người đói khổ với các bịch gạo, chai nước mắm và thùng mỳ gói. Tất cả những cử chỉ thanh cao đó diễn tả hình ảnh sống động của Nước Thiên Chúa tràn đầy tình yêu và lòng thương xót.

Đó là những cố gắng nhỏ bé của con người trong việc xây dựng Nước Trời giữa lòng cơn đại dịch. Tuy nhiên, trên hết Nước Trời cần phải được xây dựng qua sự can thiệp của Thiên Chúa, qua sự can thiệp của Chúa Giê-su, Đấng yêu thương nhân loại.

Chúa Giê-su xây dựng Nước Thiên Chúa bằng cách thức của Thiên Chúa, chứ không bằng cách thức của loài người chúng ta. Ngài không dùng đến bạo lực, không dùng đến sức mạnh và vũ lực để chiến thắng trong vinh quang, để xây dựng một « lâu đài » nguy nga là biểu tượng của vương quyền. Ngược lại, cách thức Ngài dùng rất nhẹ nhàng và rất đơn sơ. Đó là cách thức của kẻ tôi trung, của người phục vụ trong khiêm hạ. Qua chính cách thức rất khiêm nhường này, Ngài đã cứu thoát và chuộc lại tất cả mọi người khỏi vương quyền của Satan.

Vâng, trước khi Nước Thiên Chúa xuất hiện thật rực rỡ trong vinh quang vào ngày cánh chung, lúc đó tất cả mọi người đều được hiện diện trước tôn nhan huy hoàng của Thiên Chúa, thì Nước Thiên Chúa xuất hiện rất nhỏ bé như hạt cải bé nhỏ nhất. Hạt cải nhỏ bé này đã được vùi sâu vào mảnh đất của nhân loại hôm nay, và qua Giáo Hội đang phát triển từ từ trên trái đất này. Một ngày nào đó, hạt cải mọc thành cây lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá của nó xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng. Đó chính là mầu nhiệm của nước Thiên Chúa, mầu nhiệm vượt qua khỏi trí hiểu của con người.

Chúng ta không thể hiểu được mầu nhiệm sâu xa của nước Trời, nhưng chúng ta có thể cảm nghiệm được phần nào sự hiện diện của Nước Trời qua chính Đức Kitô, Đấng xây dựng Nước Trời trong tinh thần hiền lành và khiêm nhượng. Tinh thần đó được bắt đầu bằng chính các mối phúc hiền lành, nghèo khó, công chính, hòa bình…, mà chính Đức Kitô đã rao giảng, và chính Ngài là người sống và thực hành đầu tiên.

Hơn nữa, với sự vâng lời Cha, Đức Kitô sống dấn thân cho Nước Trời, và cuối cùng Ngài đã đón nhận kết cục thật dã man. Đó chính là vành móng ngựa của con người xét xử Ngài.

Khi bị treo trên thập giá, thì Chúa Giêsu, sống theo tinh thần của Nước Trời, không thù hằn người đã hãm hại mình, ngược lại Ngài đã cầu xin cho họ: "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm." (Lc 23, 34)

Và khi sống trong tinh thần của Nước Trời, Chúa Giê-su không bao giờ chọn ý mình để làm lương thực, mà ngược lại, "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4, 34), và “Abba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn." (Mc 14,36).

Tóm lại, như Martini nói: “Vương Quốc Thiên Chúa chính là Chúa Giê-su, là chính cuộc sống của Ngài, một đời sống yêu thương và sẵn sàng chịu khổ đau”. Còn đối với Đức Benedicto thứ XVI thì: “Nơi đâu Chúa Giê-su đang hiện diện, thì Nước Trời cũng đang có mặt”. Cũng thế, thánh Cyprianô đã nói: “Có thể nói, Nước Thiên Chúa là chính Đức Kitô, Đấng chúng ta hằng ngày khát khao Người đến, và chúng ta mong mỏi việc Người ngự đến mau mau được tỏ hiện cho chúng ta”. 

Như vậy, Nước Trời được chính Đức Kitô giới thiệu trong cách thức thật tuyệt vời. Nước Trời gắn liền với sự nghèo khó khiêm hạ của hang bò lừa ở Bê-lem; với những dấu chân rảo bước của người Mục Tử hiền lành, khiêm nhượng và nhân lành, luôn sẵn sàng bảo vệ chiên trước thú dữ đe dọa, và sẵn sàng hiến mình cho chiên; với chính sự tự nguyện chết cho tất cả những người con yêu dấu của Ngài; và với thập giá giương cao để cứu độ tất cả mọi người. Chúng ta, những con người được Chúa Giêsu yêu thương cứu rỗi cũng được Ngài cho phép thốt lên lời cầu xin cho triều đại Cha mau đến.

“Xin cho triều đại Cha mau đến”. Lời cầu xin này cũng chính là lời cầu xin của chúng ta. Và phải chăng khi cầu xin như vậy, là chúng ta cũng đang cầu xin cho được trở nên giống như Đức Kitô, cầu xin cho được “tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20). Để khi Đức Kitô sống trong tôi thực sự, thì tôi ở đâu, thì Nước Trời cũng hiện diện. Như vậy, lời cầu xin thứ hai của kinh Lạy Cha cũng là lời cầu xin cho được sống tinh thần theo bước Đức Kitô, cho được trở nên một với Ngài trong một thân thể duy nhất.

Có thể nói rằng, Nước Thiên Chúa tiếp tục được sống động trong chính đời sống của chúng ta, các tín hữu, những tâm hồn thuộc về Đức Kitô, những cuộc đời dám quên chính mình đi, để giờ đây dù chính mình sống đấy, nhưng như không sống, vì Đức Kitô đang sống trong chúng ta. Khi có Đức Kitô là nguồn sống, thì chúng ta sẽ sống theo sự hướng dẫn của Thần Khí, nghĩa là chúng ta sẽ từ bỏ con người cũ, con người thuộc về tội lỗi, để mặc lấy con người mới với tâm hồn trong sạch. Thánh Cyrillô nói rằng: “Chỉ tâm hồn thanh sạch mới có thể tin tưởng nói lên: ‘Nguyện Nước Cha trị đến’. Quả thật, ai nghe lời thánh Phaolô dạy: ‘Vậy tội lỗi đừng có thống trị thân xác phải chết của anh em nữa’ (Rm 6, 12), và biết giữ hành động, tư tưởng và lời nói của mình trong sạch, người đó mới có thể thưa với Thiên Chúa: ‘Nguyện Nước Cha trị đến’”.

Ngoài ra, còn có một suy tư về Nước Trời được cha Alfred Delp, Dòng Tên, diễn tả trong bài suy niệm kinh Lạy Cha mà cha đã viết trong nhà tù ở Berlin của phát-xít Đức: “Khi con người ở trong ân sủng của Thiên Chúa, khi thế giới ở trong trật tự của Thiên Chúa: Đó là Nước Trời”.

Thực vậy, nước Thiên Chúa không chỉ là nơi cao xa mà triều thần thánh đang hiện diện và Thiên Chúa đang ngự trị ở giữa, mà Nước Trời cũng đang hiện diện ở giữa lòng thế giời này, khi thế giới tuân theo trật tự của Thiên Chúa và sống theo thánh ý của Ngài, cũng như khi con người đồng ý đón nhận ân sủng Chúa ban và sống trong ân sủng của Người.

Lúc này thế giới và toàn thể nhân loại đang sống trong tình trạng xáo trộn hoàn toàn. Đại dịch thế kỷ với chú virus nhỏ bé đã làm cho căn nhà của thế giới bị lung lay. Tất cả mọi sự phải dừng lại để đối phó với đại dịch. Đến giữa tháng 5 này đã có hơn 4 triệu người bị lây nhiễm, số người tử vong tăng lên gần con số 300 ngàn người. Đói khổ bắt đầu tràn lan, thất nghiệp giáng xuống trên nhiều phận người, cuộc sống trở nên khó khăn hơn nhiều, đặc biệt ở những quốc gia nghèo và kém phát triển. Bức tranh đại dịch là một hồi chuông thật lớn làm cho tất cả mọi đôi tai phải lắng nghe, và làm cho mọi cái đầu phải đặt lại vấn nạn về chính việc xây dựng thế giới và phát triển thế giới này, đặc biệt những người có trách nhiệm với thế giới, cũng như những người giàu sụ và các nhà chuyên môn có ảnh hưởng trong sự phát triển của thế giới.

Ảo tưởng về một thế giới hiện đại với truyền thông, với robot từ từ điều khiển tất cả đã lộ rõ chân tướng. Con người cứ tưởng rằng, với trí thông minh và khả năng vô giới hạn của mình sẽ xây dựng được một Thiên Đàng tại thế, một Nước Trời theo kiểu của con người. Đã đến lúc con người cần phải “đấm ngực” hồi tâm và trở về với trật tự của Thiên Chúa đặt để, cần phải biết tôn trọng, trân quý và giữ gìn trái đất, lục địa và căn nhà xanh mà Thiên Chúa đã ban tặng.

Con người cần phải phân định rõ rệt lại, cách thức và phương tiện con người đã và đang dùng để xây dựng thế giới hiện đại có thật sự đưa lại hạnh phúc cho nhân loại hay không? Hay ngược lại là sự huỷ hoại và tàn phá trái đất này đang đến?

Thật vậy, con người cần phải ý thức hơn trong công việc cộng tác với Thiên Chúa xây dựng Nước Trời trên trần gian này.

Trong thời gian vừa qua, Vị Cha Chung của chúng ta đã đưa ra nhiều lời mời gọi mọi người cần phải ý thức phân định lại trong việc xây dựng thế giới, để nhờ đó thế giới của chúng ta có thể mang chút hình dáng của Nước Trời.

Thật vậy, nhân loại đang lạc hướng, vì thế để xây dựng lại thế giới và góp phần xây dựng Nước Thiên Chúa trên thế giới này, chúng ta cần phải ra khỏi chủ nghĩa ích kỷ, chỉ biết chú ý đến cái tôi của mình và thờ ơ đối với mọi người khác. Đại dịch bắt chúng ta phải nhìn lại và chân nhận tất cả nhân loại thuộc về một đại gia đình duy nhất, và mối liên kết cùng tình huynh đệ giữa mọi người với nhau là điều cốt lõi để xây dựng thế giới, xây dựng Nước Trời.  Đặc biệt, những người bất hạnh, những người nghèo khổ, những ai sống ở các vùng ngoại vi, những người tị nạn và người vô gia cư cần được yêu thương và chú tâm hơn hết.

 

Để xây dựng lại thế giới và góp phần xây dựng Nước Thiên Chúa giữa lòng thế giới này, chúng ta cần chung tay xoá bỏ mọi sự chia rẽ, mọi căng thẳng và mọi chiến tranh. Hoà bình là hoa quả của tình yêu thương, là hoa quả của sự tốt lành đến từ trái tim nhân hậu của mỗi người, những người con cái mang hình ảnh của Thiên Chúa. Cho nên thay vì một số người đã dùng những số tiền khổng lồ được đầu tư để tăng cường và dự trữ các vũ khí, thì mong sao các số tiền này cần được dùng để thúc đẩy các nghiên cứu hiệu quả để ngăn chặn thảm họa tương tự trong tương lai, và để xây dựng một thế giới thật đẹp và an bình, cái đẹp của Mẹ thiên nhiên, cái đẹp của mỗi tâm hồn con người sống trên mảnh đất này.

 

Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,
xin làm cho triều đại Cha mau đến.

Xin giúp chúng con biết ý thức cộng tác với Cha,

Với Con của Cha là Chúa Giê-su,

Trong việc xây dựng Nước Cha và làm cho Nước Cha được hiển trị

Trên mảnh đất của chúng con đang sống đây.

Đó chính là mảnh đất của Chúa, của Cha, thuộc về Chúa, thuộc về Cha,

Mà chúng con được Cha giao phó chăm sóc và cai quản.

“Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,
xin làm cho triều đại Cha mau đến trên thế giới chúng con,

Trên trái đất nhỏ bé của chúng con. Amen

 

 

Chúng ta cùng đọc kinh Lạy Cha, kinh Kính mừng và kinh Sáng Danh.

 

5) Lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ luôn chiếu soi trên hành trình của chúng con /

như dấu chỉ của ơn cứu độ / và niềm hy vọng.

Chúng con phó thác chúng con cho Mẹ, là Sức khỏe của các bệnh nhân.
Dưới chân Thánh giá, Mẹ đã hiệp thông /

trong nỗi thống khổ của Chúa Giêsu, với một đức tin kiên vững.
Lạy Mẹ, là Phần Rỗi của dân thành Rôma, Mẹ biết điều chúng con cần / và chúng con chắc chắn rằng,  Mẹ sẽ ban cho chúng con, để giống như ở Cana miền Galilê, niềm vui và lễ hội / sẽ trở lại sau thời gian thử thách này.
Lạy Mẹ của Tình yêu Chúa, xin giúp đỡ chúng con, để chúng con biết vâng theo thánh ý Chúa Cha / và làm điều mà Chúa Giêsu phán bảo chúng con.
Ngài là Đấng/ đã gánh lấy trên mình Ngài / các nỗi đau của chúng con, và Ngài mang lấy những buồn sầu của chúng con, để qua Thánh giá, đưa chúng con đến niềm vui Phục Sinh.
Lạy Mẹ Thiên Chúa, chúng con tìm nương náu / dưới sự che chở của Mẹ.

Xin chớ chê chớ bỏ / lời cầu xin của chúng con / đang trong cơn thử thách,

và thân lạy Đức Trinh nữ/  vinh hiển đầy ơn phúc,

xin giải thoát chúng con khỏi mọi hiểm nguy. Amen.

 

 

6) Kinh Trông Cậy.

 

Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện, trong cơn gian nan thiếu thốn, Đức Nữ Đồng Trinh hiển vinh sáng láng hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen.

Lạy rất thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu.
Thương xót chúng con.

Lạy Trái Tim cực Thánh cực tịnh Rất Thánh Đức Bà Maria.
Cầu cho chúng con.

Lạy Ông thánh Giuse là bạn thanh sạch Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh.
Cầu cho chúng con.

Lạy Tổng Lãnh Thiên Thần Micae.

Cầu cho chúng con.

Các Thánh Tử Vì Đạo nước Việt Nam.
Cầu cho chúng con.

Mẹ Tê-rê-sa Can-cút-ta.

Cầu cho chúng con.

Thánh Rô-cô.

Cầu cho chúng con.

Nữ Vương ban sự bằng an.
Cầu cho chúng con.

 

7) Phúc lành của Chúa.

 

Xin Thiên Chúa luôn đồng hành và

dẫn bước anh chị em trên hành trình cuộc đời. Amen.

 

Xin Thiên Chúa luôn đi trước anh chị em,

để chính Ngài dọn con đường cho anh chị em

bước đi trong an toàn và bình an. Amen.

 

Xin Thiên Chúa luôn đi sau anh chị em,

Để Ngài sẽ ra tay nâng đỡ và ban thêm sức mạnh cho anh chị em,

khi anh chị em rơi vào khó khăn thử thách. Amen.

 

Xin Thiên Chúa dịu dàng cúi xuống bồng ẵm anh chị em lên đôi tay của Ngài,

Khi anh chị em đau yếu và trở nên tê liệt hoàn toàn. Amen.

 

Xin Thiên Chúa Ba Ngôi quyền năng và giàu lòng thương xót,

là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần

ban tràn đầy phúc lành, luôn chở che anh em trong vòng tay dấu ái của Ngài. Amen.

 

8) Thánh Ca:

 

Lạy Chúa con quỳ trước nhan Ngài.

Sáng tác: La Tiểu Mẫn.

Lời Việt: Hiếu Vũ.

Trình bày: Quý thầy thuộc Đại chủng viện thánh Giu-se, Hà Nội.