Bài Mới

1) Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.

 

2) Kinh Sáng Soi: Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.

 

3) Chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.

 

Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng:

cứ nói nhiều là được nhận lời.

Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì,

trước khi anh em cầu xin.

Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này:
Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,
xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển
(Mt 6,7-9).

 

4) Suy niệm:

 

Quý Ông Bà và Anh Chị Em cùng các Cháu thân mến,

 

Lời Chúa được trích từ Tin Mừng của thánh Mát-thêu, về việc Chúa Giê-su dạy các môn đệ của Ngài cầu nguyện với Kinh Lạy Cha.

Chúng ta dành 07 ngày cùng cầu nguyện và suy niệm với Kinh Lạy Cha. Hôm nay là phần đầu tiên.

 

Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện của Chúa, là Lời Kinh của Hội Thánh, là lời kinh Cha Mẹ dạy con cái mình.

Về tầm mức quan trọng của kinh Lạy Cha, nhiều học giả cho rằng Kinh Lạy Cha cũng là lời cầu nguyện nền tảng, là bản tóm lược của đức tin và là những điều luật cho cuộc sống. Đối với Tertulian, thì Kinh Lạy Cha như là bản tóm tắt toàn bộ giáo lý đức tin và luân lý, cũng như tóm tắt toàn bộ Tin Mừng của Đức Kitô. Còn với thánh Tôma Aquinô thì: “Lời kinh Chúa dạy là lời cầu nguyện tuyệt hảo...Nhưng trong lời kinh đó, không những chúng ta cầu xin những điều chúng ta có thể ước ao cách chính đáng, mà còn theo một trật tự những điều ao ước nữa: như vậy, lời kinh này không những dạy chúng ta cầu xin, mà còn huấn luyện toàn thể tâm tình của chúng ta”.

Thánh Augustino cũng nhắc nhớ rằng: “Bạn hãy rảo qua mọi lời cầu nguyện có trong các Sách Thánh, như tôi thiết nghĩ, bạn sẽ thấy không có điều gì mà Lời Kinh Chúa dạy lại không chứa đựng và bao gồm”.

 

Thánh Tê-rê-sa A-vi-la, trong cuốn «Chemin de perfection – Đường hoàn thiện», ở phần dẫn nhập vào những từ ngữ đầu tiên của kinh Lạy Cha, đã thốt lên những tâm tình sau : « Lạy Cha chúng con ở trên trời !...Ôi! thật là chính đáng khi linh hồn bước vào trong cõi thâm sâu của mình. Linh hồn có thể vươn lên trên chính mình, và lắng nghe lời của Chúa Con chỉ cho thấy nơi mà chính Cha của linh hồn đang cư ngụ, Cha đang ngự ở trên trời. ».

Đối với thánh nữ dòng kín khác, thánh Tê-rê-sa Hài Đồng thì : « Đôi lúc, khi tâm hồn tôi khô khan tột cùng đến nỗi tôi không tìm đâu ra một tâm tình hay suy nghĩ nhỏ bé nào giúp tôi kết hiệp với Thiên Chúa nhân lành, thì tôi liền nhẩm đi nhắc lại lời kinh Lạy Cha và kinh Truyền Tin. Chính những lời kinh này đã đưa lại cho tôi niềm vui, và nuôi dưỡng linh hồn tôi với những « thức ăn » thiêng liêng bổ ích”.

 

Ngoài ra, khi đọc Kinh Lạy Cha, chúng ta thấy có tất cả 07 lời cầu xin.

Ba lời đầu tiên hướng về Cha trên trời, và bốn lời sau hướng về con người và thực tế cuộc sống của con người. Có người còn giải thích theo hình ảnh: ba lời cầu xin đầu tiên hướng về Thiên Chúa Ba Ngôi, bốn lời cầu xin cuối hướng về nhân loại ở bốn phương.

 

Giờ đây chúng ta cùng suy niệm những câu đầu tiên.

 

Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng:

cứ nói nhiều là được nhận lời. Chúa Giêsu đã liên hệ đến kiểu cầu nguyện lải nhải nhiều lời của dân ngoại, để làm bài học cho các môn đệ của mình, khi Ngài dạy các ông cầu nguyện với Cha trên trời bằng tấm lòng chân  thành. 

 

Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời”. Kinh Lạy Cha bắt đầu như vậy. Lời cầu nguyện bắt đầu bằng hai từ “Lạy Cha” là một điều rất lạ. Trong 150 Thánh Vịnh, Không có Thánh Vịnh nào bắt đầu như thế.

 

Khi dạy các môn đệ bắt đầu cầu nguyện với từ ngữ “Lạy Cha chúng con”, là Chúa Giê-su mở cánh cửa cho phép tất cả các môn đệ cùng những tín hữu của Giáo Hội tiên khởi ngày xưa, và chúng ta ngày nay bước vào « căn nhà Cha-Con » với Thiên Chúa, cho phép chúng ta tham dự vào trong tình Cha-Con cao quý này. Tâm tình này được Henri Nouwen diễn tả rất sống động: “Gọi Thiên Chúa “Abba” là bước vào trong một tương quan thân mật và không sợ hãi, đầy tin tưởng và phó thác với Thiên Chúa như Chúa Giê-su vậy...Gọi Thiên Chúa “Abba, Cha ơi” (Rm 8,15; Gl 4,6) là một tiếng kêu từ con tim, một lời cầu nguyện tràn ra từ tận đáy lòng của con người”. Vì thế, dù sống trong cơn đại dịch, lời kinh Lạy Cha vẫn vang lên từ trong sâu thẳm tâm hồn chúng ta, vì chúng ta là con của Cha và mãi mãi là vậy. Phận là con, chúng ta không bao giờ đánh mất tương quan thân mật này, chúng ta không bao giờ đánh mất căn tính là con của mình.

Vâng, qua lời kinh Lạy Cha, chúng ta xác tín rằng Cha của Giê-su cũng chính là Cha của chúng ta. Như thế, chúng ta cũng khám phá ra căn tính của mình, những Ki-tô hữu. Đó là chúng ta là con cái của Cha trên trời. Thánh Ambrôsiô giúp chúng ta hiểu được điều này cách rõ ràng: “Hỡi con người, bạn không dám ngước mắt lên trời, bạn đưa mắt nhìn xuống đất, rồi bỗng nhiên, bạn nhận được ân sủng của Đức Kitô, mọi tội lỗi của bạn được tha thứ. Từ một người đầy tớ xấu, bạn được trở thành người con ngoan...Vậy, bạn hãy đưa mắt nhìn lên Chúa Cha, Đấng đã sinh ra bạn nhờ Phép Rửa, Đấng đã cứu chuộc bạn nhờ Con của Ngài, và hãy thưa: ‘Lạy Cha chúng con...’. Nhưng bạn đừng đòi hỏi điều gì riêng biệt. Thiên Chúa là Cha riêng biệt đối với Đức Kitô mà thôi, và là Cha chung của tất cả chúng ta, bởi vì Ngài đã sinh ra một mình Chúa Con, còn chúng ta thì được Ngài tạo dựng. Vì thế, nhờ ân sủng bạn hãy thưa: ‘Lạy Cha chúng con”, ngõ hầu bạn xứng đáng là con của Ngài”.

“Lạy Cha”, chúng ta tiếp tục thân thưa với Cha mỗi ngày, dù cho cuộc sống hiện nay của chúng ta đang bị chao đảo, đang bị biết bao lo toan và hoang mang vây quanh. Dù thế nào, Cha vẫn ở đó. Dù cuộc sống có ra sao, Thiên Chúa vẫn là Cha chúng ta, và chúng ta vẫn là con của Cha trên trời.

Được làm con cái của Cha trên trời. Thật là một ân sủng vô cùng lớn lao của Đức Kitô và của Thần Khí ban tặng cho chúng ta. Ân sủng càng cao quý, thì càng dễ làm cho lòng người bị rung động mạnh, và càng dễ đưa tâm hồn con người đến gần với tâm hồn của Cha trên trời. Cha Brémond kể giai thoại về một thiếu nữ chăn bò cho một nữ tu viện chiêm niệm, mỗi lần đọc ‘Lạy Cha chúng con’ đều xuất thần: « Cô thiếu nữ kỳ diệu ấy, mặt ràn rụa nước mắt, đã xin Mẹ Marie de Valence dạy cho mình biết cách để đọc cho hết kinh Lạy Cha, vì theo ngôn ngữ của người miền núi, cô ta nói ‘Con không thể nào đọc hết kinh ấy. Từ gần 5 năm nay, mỗi khi thốt lên hai chữ ‘Lạy Cha’, và nghĩ rằng Đấng ở trên nơi cao kia, vừa nói cô vừa lấy ngón tay chỉ lên trời, chính là Cha con…Con liền khóc, và cả ngày, khi trông coi bò con cứ ở mãi trong trạng thái đó”.

Khi cầu nguyện với từ ngữ “Lạy Cha chúng con”, chúng ta cũng tuyên xưng niềm tin sâu sắc của mình vào Cha trên trời. Chính tình yêu của Đức Kitô, một tình yêu hiện diện nơi người mình yêu cho đến tận thế (x. Ga 13,1), chỉ ra chính bản chất nền tảng của Cha trên trời. Cha chúng ta ở trên trời chính là tình yêu, và Ngài cũng chính là nguồn mạch của mọi sự tốt lành và sự công chính, là thước đo và là mẫu gương của tất cả những ai đã hay đang ao ước trở nên thiện hảo.

Vì thế, khi cầu nguyện với từ ngữ “Lạy Cha chúng con”, là chúng ta quyết chí muốn nên giống Cha. “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48).

Thánh Cyprianô cũng nhắn nhủ rằng: “Khi gọi Thiên Chúa là Cha, chúng ta phải hành động như những người con của Thiên Chúa”. Còn thánh Gioan Kim Khẩu thì nói: “Anh em không thể gọi Thiên Chúa là Cha nhân lành nếu vẫn còn lòng độc ác và bất nhân; bởi vì anh em không còn giữ được trong mình chứng tích về sự nhân lành của Cha trên trời nữa”. Và thánh Grêgôriô Nyssênô mời gọi: “Hãy luôn chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Cha trên trời, và phải tô điểm tâm hồn mình theo vẻ đẹp đó”.

Như vậy, « là con » đồng nghĩa với tinh thần sống đức tin, và đồng nghĩa với tinh thần sống quyết tâm nên giống Cha. Và “là con”, chúng ta cũng luôn hướng nhìn lên Đức Kitô, là Anh Cả của chúng ta, Người Anh đã dẫn chúng ta đến với Cha. Người Anh đã sống theo tinh thần của Cha và sống kết hiệp mật thiết với Cha cách đặc biệt và luôn làm cho Danh Cha được vinh hiển, được cả sáng.

“Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển”.

Lời cầu xin này quy về đối tượng duy nhất là chính Cha trên trời. Như vậy, lời cầu xin này mang một nguyên lý và nền tảng sâu xa: chỉ có Cha là « tác giả duy nhất » làm cho chính Danh của Ngài được vinh hiển, và thông phần với Cha là chính Đức Kitô, Con yêu dấu của Cha. Qua Đức Kitô cũng như sự dạy dỗ của Ngài, chúng ta, một cách nào đó, cũng được thông phần làm cho danh Cha được vinh hiển.

Khi chúng ta cầu nguyện « xin làm cho danh thánh Cha được vinh hiển », là chúng ta đang ao ước tất cả mọi người trên thế giới này đều khám phá được Thiên Chúa, Đấng là Cha trên trời và cũng là Cha dưới đất, người Cha nhân từ, người Cha luôn đứng chờ con ở cửa nhà, và vui mừng hớn hở khi thấy con đi hoang trở về. Và lúc con mới xuất hiện ở đầu làng, Cha đã chạy đến ôm lấy con mình, hôn lấy hôn để khuôn mặt lấm bụi đời của con. Nụ hôn và vòng tay của Cha trả lại cho con tư cách làm con, đeo lại cho con chiếc nhẫn của tình cha con, mặc cho con chiếc áo mới nhất, tẩy sạch tất cả những gì ô uế trên thân mình con, và mở tiệc mừng con trở về và sống lại với con bê đã vỗ béo (ss. Lc 15, 11-32). Tất cả cần phải ăn mừng, mọi người đều hân hoan dâng lời ca tụng như Mẹ Maria: « Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! »

Khi mạc khải danh Cha cho chúng ta, Đức Kitô cũng dạy dỗ và cho phép chúng ta thông phần làm vinh hiển danh Cha. Vâng, chúng ta đang thông phần làm vinh hiển danh Cha trên trời, khi chúng ta hằng ngày trung thành cầu nguyện và sống lời kinh Lạy Cha mà chính Đức Kitô đã dạy chúng ta. Thật vậy, dù cho lúc này chúng ta đang bị đám mây đen của đại dịch ám ảnh, màu đen đủi của đại dịch không bao giờ lấy mất được niềm tin và tình yêu chúng ta dành cho Cha trên trời.

Chúng ta đang thông phần làm vinh hiển danh Cha trên trời, khi chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa và loan báo Tin Mừng cứu độ của Ngài, sự cứu độ mà chính chúng ta đã được lãnh nhận. Và danh Thánh của Thiên Chúa đặc biệt được vinh hiển qua chính thái độ sống tuân theo những điều Chúa dạy của chúng ta, nghĩa là qua chính đời sống thường ngày của chúng ta. Thật vậy, giữa lòng đại dịch, biết bao tấm gương thật đẹp của con cái Cha trên trời đã được hiển lộ.

 

Thánh Phêrô Kim Ngôn cũng đã chia sẻ điều này: “Chúng ta cầu xin Thiên Chúa thánh hoá Danh Ngài, nghĩa là Ngài cứu độ và thánh hoá toàn thể tạo vật bằng sự thánh thiện của Ngài. Danh đó là Danh ban ơn cứu độ cho trần gian đã hư mất. Nhưng chúng ta cầu xin để Danh Thiên Chúa được thánh hoá trong chúng ta bằng hành động của chúng ta. Bởi vì nếu chúng ta sống tốt lành, thì Danh Thiên Chúa được chúc tụng; nếu chúng ta sống tệ hại, thì Danh Ngài bị phỉ báng. Hãy nghe lời thánh Tông Đồ: ‘Chính vì các người mà Danh Thiên Chúa bị phỉ báng giữa chư dân’ (Rm 2, 24). Vì vậy, chúng ta cầu xin để Danh Thiên Chúa là thánh bao nhiêu, thì chúng ta sống xứng đáng với sự thánh thiện của Ngài bấy nhiêu”.

 

Lạy Cha chúng con ở trên trời,

Đó là hồng ân lớn lao vô cùng,

Khi chúng con được thốt lên lời cầu nguyện như vậy!

Trời cao và đất thấp đã được nối với nhau.

Sợi dây tình yêu Cha nối với chúng con thật đẹp biết bao.

Chúng con tri ân Chúa Giê-su, người Con Duy Nhất của Cha

Đã nối sợi dây tình yêu từ trời cao đến đất thấp.

 

Xin mãi ngàn đời chúng con nguyện xin:

Xin cho Danh Cha được vinh hiển,

Xin cho mọi người trên mặt đất được nghe thấy Danh Cha,

Cảm được lòng thương xót vô bờ của Cha,

Nhờ đó mọi người trở nên con cái đích thực của Cha qua chính niềm tin.

 

Lạy Cha chúng con ở trên trời,

Hôm nay, giữa lòng cơn đại dịch này,

Trong khiêm tốn và ý thức về thân phận của đứa con mỏng dòn,

Cùng với niềm tin và tình yêu đơn sơ,

Chúng con xin được phép kêu cầu Cha:

Xin giải thoát chúng con khỏi cơn đại dịch này,

Để chúng con có được cuộc sống mới, không theo ý chúng con,

Mà theo ý của Cha.

Vâng, tất cả để Danh Cha vinh hiển,

nhờ đó chúng con được hưởng hạnh phúc Cha ban. Amen.

 

Chúng ta cùng đọc kinh Lạy Cha, kinh Kính mừng và kinh Sáng Danh.

5) Lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ luôn chiếu soi trên hành trình của chúng con /

như dấu chỉ của ơn cứu độ / và niềm hy vọng.

Chúng con phó thác chúng con cho Mẹ, là Sức khỏe của các bệnh nhân.
Dưới chân Thánh giá, Mẹ đã hiệp thông /

trong nỗi thống khổ của Chúa Giêsu, với một đức tin kiên vững.
Lạy Mẹ, là Phần Rỗi của dân thành Rôma, Mẹ biết điều chúng con cần / và chúng con chắc chắn rằng,  Mẹ sẽ ban cho chúng con, để giống như ở Cana miền Galilê, niềm vui và lễ hội / sẽ trở lại sau thời gian thử thách này.
Lạy Mẹ của Tình yêu Chúa, xin giúp đỡ chúng con, để chúng con biết vâng theo thánh ý Chúa Cha / và làm điều mà Chúa Giêsu phán bảo chúng con.
Ngài là Đấng/ đã gánh lấy trên mình Ngài / các nỗi đau của chúng con, và Ngài mang lấy những buồn sầu của chúng con, để qua Thánh giá, đưa chúng con đến niềm vui Phục Sinh.
Lạy Mẹ Thiên Chúa, chúng con tìm nương náu / dưới sự che chở của Mẹ.

Xin chớ chê chớ bỏ / lời cầu xin của chúng con / đang trong cơn thử thách,

và thân lạy Đức Trinh nữ/  vinh hiển đầy ơn phúc,

xin giải thoát chúng con khỏi mọi hiểm nguy. Amen.

 

 

6) Kinh Trông Cậy.

 

Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện, trong cơn gian nan thiếu thốn, Đức Nữ Đồng Trinh hiển vinh sáng láng hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen.

Lạy rất thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu.
Thương xót chúng con.

Lạy Trái Tim cực Thánh cực tịnh Rất Thánh Đức Bà Maria.
Cầu cho chúng con.

Lạy Ông thánh Giuse là bạn thanh sạch Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh.
Cầu cho chúng con.

Lạy Tổng Lãnh Thiên Thần Micae.

Cầu cho chúng con.

Các Thánh Tử Vì Đạo nước Việt Nam.
Cầu cho chúng con.

Mẹ Tê-rê-sa Can-cút-ta.

Cầu cho chúng con.

Thánh Rô-cô.

Cầu cho chúng con.

Nữ Vương ban sự bằng an.
Cầu cho chúng con.

 

7) Phúc lành của Chúa.

 

Xin Thiên Chúa luôn đồng hành và

dẫn bước anh chị em trên hành trình cuộc đời. Amen.

 

Xin Thiên Chúa luôn đi trước anh chị em,

để chính Ngài dọn con đường cho anh chị em

bước đi trong an toàn và bình an. Amen.

 

Xin Thiên Chúa luôn đi sau anh chị em,

Để Ngài sẽ ra tay nâng đỡ và ban thêm sức mạnh cho anh chị em,

khi anh chị em rơi vào khó khăn thử thách. Amen.

 

Xin Thiên Chúa dịu dàng cúi xuống bồng ẵm anh chị em lên đôi tay của Ngài,

Khi anh chị em đau yếu và trở nên tê liệt hoàn toàn. Amen.

 

Xin Thiên Chúa Ba Ngôi quyền năng và giàu lòng thương xót,

là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần

ban tràn đầy phúc lành, luôn chở che anh em trong vòng tay dấu ái của Ngài. Amen.

 

8) Thánh Ca:

 

Tình Cha.

Sáng tác: Lm. Thái Nguyên.

Trình bày: Sr. Nguyễn Dự OP.