Bài Mới

1) Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.

 

Kinh Sáng Soi: Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.

 

2) Mừng vui lên, lạy Nữ Hoàng Thiên Quốc

Mừng vui lên, lạy Nữ Hoàng Thiên Quốc
Ha-lê-lui-a!
Vì Thánh Tử Bà được phúc cưu mang
Ha-lê-lui-a!
Ðã phục sinh như lời Người phán trước
Ha-lê-lui-a!
Cầu Chúa cho đoàn con, lạy Nữ Hoàng
Ha-lê-lui-a!

 

3) Chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa:

 

Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: ‘Thưa Bà, đây là con của Bà’.” (Ga 19,26).

 

4) Suy niệm:

 

Quý Ông Bà và Anh Chị Em cùng các Cháu thân mến,

 

Lời Chúa được trích từ tin mừng thứ Tư. Chỉ có thánh sử Gioan nhắc lại lời này của Chúa Giê-su trên Thánh Giá. Chúa đã nói lời này với Mẹ Maria, như là trao gởi thánh Gioan, người môn đệ yêu mến của Chúa, cho Mẹ. Đó cũng là hình ảnh trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời Chúa Giê-su cũng muốn trao cả nhân loại cho Mẹ, để Mẹ trở thành Mẹ của những người tin, Mẹ Giáo Hội, Mẹ của nhân loại, Mẹ của chúng ta.

Với tư cách là Mẹ, Mẹ luôn thương xót, và Mẹ hằng cứu giúp chúng ta. Sự cứu giúp và thương xót của Mẹ được diễn tả qua rất nhiều hình ảnh.

 

 

Như hình ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp rất quen thuộc với tín hữu Công Giáo Việt Nam, cũng là một đặc trưng diễn tả lòng thương xót của Mẹ Maria. Vẫn nhớ thời ấu thơ, mẹ tôi luôn cầu nguyện với Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp cho gia đình và cho mỗi đứa con được bình an và được lớn lên trong sự chở che giúp đỡ của Mẹ Maria, Đấng hằng cứu giúp. Không ít người Công Giáo Việt Nam, khi gặp hiểm nguy, hay khi rơi vào trong những hoàn cảnh bất hạnh, đều ôm ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp vào lòng, và cầu xin Mẹ thương xót chở che, nâng đỡ, để vượt qua đại dương của cuộc đời với biết bao sóng to gió bão đang đe doạ mỗi ngày. Khi còn thanh niên, cùng với các bạn chúng tôi đi giúp một giáo điểm truyền giáo ở quê hương. Xung quanh ngôi thánh đường nhỏ bé thời đó là biết bao anh chị em lương giáo khác. Kế bên thánh đường là một cái ao nhỏ. Trước đây, vị linh mục đầu tiên đặt chân đến mảnh đất này đã tìm thấy tấm hình Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được khắc bằng đá ở dưới một cái ao, và đã bị vỡ ra thành một số mảnh. Với tất cả lòng tôn kính Mẹ Maria, cha đã cùng anh chị em gắn lại tấm hình Đức Mẹ, và mọi tín hữu trong vùng đó tin rằng, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đã và đang tiếp tục chở che mọi người trong giáo điểm, và bây giờ đã trở thành một giáo xứ.

Trong tình hình đại dịch thế kỷ chúng ta đang phải chịu, chúng ta cùng hướng lòng về với Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp để xin Mẹ thương đến, cầu bầu cùng Chúa cứu giúp chúng ta.

 

Trước hết chúng ta tìm hiểu về gốc tích hình Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Chúng ta trở về lại với thời Trung Cổ. Ngay từ thế kỷ thứ bảy đến thứ 9 ở Sy-ri, các tín hữu đã tôn kính Mẹ Maria qua bức hình Eleusa, Mẹ giàu lòng thương xót, Mẹ giàu lòng cảm thông. Trên bức hình này Mẹ Maria ôm ấp Chúa Hài Đồng trong lòng của mình cách thật trìu mến. Sau đó có rất nhiều tác phẩm khác về hình ảnh Đức Mẹ giàu lòng thương xót, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được vẽ, nhất là trong giáo hội Đông Phương, với trường phái Ikone.

 

Mẫu hình nổi tiếng nhất trên thế giới về Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp dịu dàng bế Chúa Giê-su hài đồng trên tay là mẫu hình thuộc trường phái nghệ thuật Đông Phương – Ikone, được gọi là Wladimirskaja. Tuy nhiên, có giả thiết cho rằng bức tranh này đã được tìm thấy ở Giê-ru-sa-lem vào thế kỷ thứ Năm. Nhưng tại sao tác phẩm này lại có tên là Wladimirskaja?

Có nhiều giả thiết cho rằng vào vào thế kỷ 12, bức tranh được đưa đến Ukraina, như một món quà mà Thượng Phụ Hy Lạp của Constantinople thời đó gởi tặng đại công tước của Kiev. Sau thời gian lưu giữ tại một Tu việnở Kiev, năm 1155, tác phẩm được chuyển về Vladimir. Theo truyền thuyết, ban đầu, người ta không có ý định đưa tác phẩm đến Vladimir, nhưng trên đường vận chuyển, khi đến Vladimir, con ngựa của người chuyên chở đã kiên quyết không chịu đi nữa. Người ta cho rằng điều này như một dấu hiệu cho thấy "Thánh tượng" muốn ở Vladimir. Vì thế, nhóm người chuyên chở dừng lại, và xây dựng ở đây một ngôi nhà thờ lớn dành riêng cho "Thánh tượng". Bắt đầu từ đó, tác phẩm có tên "Đức Mẹ Đồng Trinh Vladimir".


Cuối thế kỷ thứ 14, trước cuộc tàn phá của quân Mông Cổ xâm lược, tác phẩm đã được chuyển đến Mát-cơ-va. Một điều trung hợp là lúc "Ảnh thánh" được chuyển đến Mát-cơ-va, cũng là lúc quân Mông Cổ rút lui ra khỏi đây. Điều này, đã khiến cho người dân Nga tin tưởng mãnh liệt hơn vào quyền uy linh thiêng của "Thánh tượng". Trong một khoảng thời gian ngắn, tác phẩm đã được sao chép với rất nhiều bản sao khác nhau và được thờ kính ở khắp nơi trên đất nước Nga.

Hiện nay, tấm hình gốc Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Wladimirskaja được giữ trong viện bảo tàng nghệ thuật Tretjakow – Mát-cơ-va. Có nhà sử học đã cho rằng: “bức Ikone này là một trong những bức tranh tôn giáo nổi bật nhất của thế giới”. Bản sao của hình ảnh gốc này đã được sao chép nhiều lần trong nhiều thế kỷ. Thậm chí có một số bản sao còn có số lượng lớn hơn cả bản gốc và một số bản sao có ý nghĩa nghệ thuật và tôn giáo riêng của nó.

 

Chúng ta cùng chiêm ngắm và cầu nguyện cùng Mẹ Maria qua tuyệt phẩm này:

 

 

Trên bức tranh chúng ta thấy hình ảnh của Mẹ như chiếm hoàn toàn bức tranh. Với trang phục màu tối nhưng được trang trí các văn hoa màu mạ vàng, cũng như các đường viền trên khăn choàng đầu và trên tà áo cũng màu mạ vàng, làm nên vẻ uy linh, huy hoàng cao cả của Mẹ. Tay phải Mẹ đang bế Chúa Giê-su Hài Đồng với tất cả sự trìu mến. Tay trái Mẹ đang giơ ra, đụng tới tà áo của Đấng Cứu Thế, Con của Mẹ. Chúa Hài Đồng đang áp má của mình vào sát trong má của Mẹ Maria rất thánh, Mẹ Thiên Chúa. Đôi tay của Chúa Hài Đồng ôm choàng cổ của Mẹ. Chúng ta thấy cánh tay phải của Chúa đang đặt trên vai Mẹ với nét rất thân thương của người Con. Chân trái của Chúa Cứu Thế co lên và chúng ta thấy rõ gót chân của Người. Đó là nét riêng biệt của bức tranh này. Cuối cùng, chiêm ngắm cách tổng thể chúgn ta cảm nhận được là tình cảm Mẹ Con giữa Mẹ Maria và Chúa Hài Đồng được diễn tả thật sống động. Ngoài ra, khuôn mặt và đôi mắt của Đức Mẹ Đồng Trinh biểu lộ sự đau thương, sầu muộn trước viễn cảnh Khổ Nạn của con mình. Còn Chúa Hài Đồng, thì như mọi em bé khác, hồn nhiên áp má âu yếm mẹ mình.

 

Như thế tác phẩm nghệ thuật diễn tả Mẹ Maria với lòng thương xót vô bờ, đã làm rung động biết bao nhiêu tâm hồn. Thánh tiến sĩ Ambrosius cũng đã nêu bật hình ảnh của Mẹ Maria là nguyên mẫu – nguyên bản (Typos) của Giáo Hội. Công Đồng Vaticanô II cũng đã nhắc đến điều này. Là người đầu tiên được cứu rỗi, Mẹ Maria thật là nguyên mẫu. Nghĩa là Mẹ là nguyên mẫu của mọi người được Thiên Chúa cứu rỗi. Là Mẹ của Đấng Cứu Thế, thì Mẹ cũng là Mẹ của tất cả mọi người được cứu rỗi. Công Đồng Vaticanô II diễn tả như sau: “Với tình từ mẫu, Ngài chăm sóc những anh em của Con Ngài đang lữ hành trên dương thế và đang gặp bao nguy hiểm, thử thách, cho đến khi họ đạt tới hạnh phúc quê trời” (Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội, s.62). Không chỉ dừng ở đó, Giáo Hội còn đi thêm một bước, khi xác tín rằng: “Vì thế, trong Giáo Hội, Ðức Nữ Trinh được kêu cầu qua các tước hiệu: Trạng Sư, vị Bảo Trợ, Ðấng Phù Hộ và Ðấng Trung Gian” (Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội, s.62).

Trong niềm tin tưởng và với lòng tôn kính Mẹ Maria, Mẹ của lòng thương xót, người Mẹ luôn hằng cứu giúp con cái của mình chúng ta cùng cầu xin với Mẹ:

 

“Lạy Mẹ Maria, Mẹ của Lòng Xót Thương,

Lạy Mẹ Maria, Đấng Hằng Cứu Giúp,

Chúng con tin rằng không ai chạy đến với Mẹ kêu cầu mà vô hiệu cả.

Mẹ hông bao giờ để cho chúng ta ra về với bàn tay không cả.

Ôi Mẹ Đồng Trinh Rất Thánh của chúng con, Mẹ của Đấng Cứu Thế,

Mẹ sẽ ra tay cứu giúp chúng con,

Mẹ sẽ cầu bầu cùng Chúa Cứu Thế,

Con của Mẹ, Hài Nhi dịu hiền đang được Mẹ bồng ẵm trên đôi tay.

Chúng con tin rằng, Con của Mẹ sẽ nhận lời cầu bầu của Mẹ,

Người sẽ mau chóng cứu thoát chúng con khỏi cơn đại dịch này.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ của Lòng Xót Thương,

Lạy Mẹ Maria, Đấng Hằng Cứu Giúp,

Cũng xin Mẹ cầu cho chúng con là kẻ có tội,

bây giờ và trong giờ lâm tử”. Amen.

 

Chúng ta cùng đọc kinh Lạy Cha, kinh Kính mừng và kinh Sáng Danh.

 

 

5) Lạy Mẹ Thiên Chúa, chúng con tìm nương ẩn dưới sự che chở của Mẹ.

 

Chúng ta cùng đọc Kinh cầu Đức Mẹ trong cơn đại dịch do ĐTC Phanxicô soạn:

 

“Lạy Đức Mẹ Chúa Trời,

chúng con tìm nương ẩn dưới sự che chở của Mẹ.”

Lạy Đức Mẹ Chúa Trời và là Mẹ chúng con,

trong tình cảnh bi thương hiện tại,

khi đau khổ và lo lắng đang xiết chặt thế giới,

chúng con chạy đến bên Mẹ,

tìm nương ẩn dưới sự che chở của Mẹ.

 

Lạy Đức Trinh nữ Maria,

xin thương xót ghé mắt đoái nhìn chúng con

đang trong đại dịch virus corona

và an ủi những người lạc hướng

và đang than khóc người thân đã qua đời của họ,

đôi khi được an táng cách đau lòng.

 

Xin nâng đỡ những người đang lo lắng cho các bệnh nhân,

những người mà họ không thể ở gần bên để tránh lây nhiễm.

Xin ban sự tin tưởng tín thác cho những ai

đang lo lắng vì tương lai không chắc chắn

và vì các hậu quả kinh tế và việc làm.

 

Lạy Đức Mẹ Chúa Trời và là Mẹ chúng con,

xin cầu cùng Thiên Chúa là Cha thương xót cho chúng con,

để thử thách này sẽ chấm dứt,

đồng thời bình minh hy vọng và bình an sẽ lại đến.

 

Như tại Cana, xin Mẹ cầu khẩn với Chúa Con,

xin Người an ủi gia đình của các bệnh nhân và nạn nhân

cùng mở lòng họ để họ tín thác.

 

Xin bảo vệ các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế, tình nguyện viên,

những người đang ở tuyến đầu trong tình trạng khẩn cấp này

và đang liều mạng sống của mình để cứu những sự sống khác.

Xin đồng hành với nỗ lực anh hùng của họ

và ban cho họ sức mạnh, lòng quảng đại và sức khỏe.

 

Xin ở gần bên những người ngày đêm trợ giúp các bệnh nhân

và ở cạnh các linh mục,

những người với sự quan tâm mục vụ và dấn thân Tin Mừng,

đang tìm cách giúp đỡ và hỗ trợ tất cả mọi người.

 

Lạy Đức Trinh nữ thánh thiện,

xin soi sáng tâm trí của các nhà khoa học,

giúp họ tìm ra giải pháp hiệu quả để chiến thắng virus này.

Xin trợ giúp các nhà lãnh đạo các quốc gia,

để với sự khôn ngoan, quan tâm và quảng đại,

họ có thể hành động để giúp đỡ những người

thiếu các nhu cầu thiết yếu để sống,

có thể đưa ra các giải pháp xã hội và kinh tế

có tầm nhìn xa và tinh thần liên đới.

 

Lạy Mẹ Maria rất thánh,

xin đánh động các lương tâm để thay vì

họ dùng những số tiền khổng lồ được đầu tư

để tăng cường và dự trữ các vũ khí,

thì số tiền đó được dùng để thúc đẩy các nghiên cứu hiệu quả

để ngăn chặn thảm họa tương tự trong tương lai.

 

Lạy Mẹ rất yêu dấu,

xin giúp cho mọi người trên thế giới

được gia tăng cảm thức

mình cùng thuộc về một đại gia đình duy nhất,

ý thức về mối liên hệ nối kết tất cả mọi người,

để với tinh thần huynh đệ và liên đới,

chúng con trợ giúp bao nhiều người

đang sống trong nghèo đói và lầm than.

Xin khuyến khích sự kiên cường trong đức tin,

bền chí trong phục vụ và liên lỉ trong cầu nguyện.

 

Lạy Mẹ Maria, Đấng An ủi những người đau khổ,

xin ôm lấy các con cái của Mẹ đang gặp hoạn nạn và

xin Chúa dùng bàn tay quyền năng của Người để can thiệp,

giải thoát chúng con khỏi đại dịch khủng khiếp này,

để đời sống bình thường có thể trở lại trong thanh bình.

 

Chúng con phó thác cho Mẹ,

Đấng chiếu sáng trên hành trình của chúng con

như dấu chỉ của ơn cứu độ và hy vọng,

ôi khoan thay, ôi nhân thay,

ôi Đức Trinh Nữ Maria dịu hiền. Amen.

 

 

6) Kinh Trông Cậy.

 

Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện, trong cơn gian nan thiếu thốn, Đức Nữ Đồng Trinh hiển vinh sáng láng hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen.

Lạy rất thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu.
Thương xót chúng con.

Lạy Trái Tim cực Thánh cực tịnh Rất Thánh Đức Bà Maria.
Cầu cho chúng con.

Lạy Ông thánh Giuse là bạn thanh sạch Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh.
Cầu cho chúng con.

Lạy Tổng Lãnh Thiên Thần Micae.

Cầu cho chúng con.

Các Thánh Tử Vì Đạo nước Việt Nam.
Cầu cho chúng con.

Mẹ Tê-rê-sa Can-cút-ta.

Cầu cho chúng con.

Thánh Rô-cô.

Cầu cho chúng con.

Nữ Vương ban sự bằng an.
Cầu cho chúng con.

 

7) Phúc lành của Chúa.

 

Xin Thiên Chúa luôn đồng hành và

dẫn bước anh chị em trên hành trình cuộc đời. Amen.

 

Xin Thiên Chúa luôn đi trước anh chị em,

để chính Ngài dọn con đường cho anh chị em

bước đi trong an toàn và bình an. Amen.

 

Xin Thiên Chúa luôn đi sau anh chị em,

Để Ngài sẽ ra tay nâng đỡ và ban thêm sức mạnh cho anh chị em,

khi anh chị em rơi vào khó khăn thử thách. Amen.

 

Xin Thiên Chúa dịu dàng cúi xuống bồng ẵm anh chị em lên đôi tay của Ngài,

Khi anh chị em đau yếu và trở nên tê liệt hoàn toàn. Amen.

 

Xin Thiên Chúa Ba Ngôi quyền năng và giàu lòng thương xót,

là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần

ban tràn đầy phúc lành, luôn chở che anh em trong vòng tay dấu ái của Ngài. Amen.

 

8) Thánh Ca:

 

Lạy Mẹ xin yên ủi.

Sáng tác : Lm. Nguyễn Khắc Xuyên.

Trình bày: Diệu Hiền & Quyết Thắng.