Bài Mới

1) Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.

 

Kinh Sáng Soi: Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.

 

2) Lời nguyện của thánh Gioan Thánh Giá.

 

Ôi lạy Chúa là sự thiện tối cao,

sự hiện diện của Chúa sẽ êm ái cho con biết mấy!

Con sẽ thinh lặng tiến lại gần Chúa và

sẽ tìm được đôi chân Chúa (Rt 3, 4)

để Chúa đoái thương kết hợp con với Chúa

trong cuộc hôn phối Chúa dành cho con.

Con sẽ không yên nghỉ

cho đến lúc được hoan lạc trong vòng tay Chúa;

và bây giờ, lạy Chúa, con nài xin Chúa đừng bao giờ

bỏ con cô đơn một giây phút nào,

kẻo linh hồn con héo hon tiều tụy.

 

3) Chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.

 

Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.”  

(Lc 24,29).

 

4) Suy niệm:

 

Quý Ông Bà và Anh Chị Em cùng các Cháu thân mến,

 

Lời Chúa được trích từ Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay nói về câu truyện hai môn đệ trên đường Emmau, do thánh sử Luca thuật lại.

 

Câu truyện kể về hình ảnh của hai môn đệ Chúa Giê-su đang trên đường trở về quê hương là làng Emmau, vì Thầy của hai ông là Chúa Giê-su đã bị án tử hình, và đã bị đóng đinh vào thập giá. Cái chết của Chúa Giê-su trên Thánh Giá đã làm cho sự chờ đợi và niềm hy vọng của hai ông đi vào ngõ cụt, như hai ông đã nói: “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en”. Làm sao Chúa cứu chuộc Ít-ra-en đây, khi Chúa đã chết trên Thánh Giá. Rồi còn lời hứa Phục Sinh của Chúa cũng chẳng thấy được thực hiện: “Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi”.

 

Thay cho niềm hy vọng là nỗi thất vọng tràn trề.

Chính trong bối cảnh đó, Chúa Giê-su đã xuất hiện và sánh bước với các ông trên con đường dài 11 cây số từ Giê-ru-sa-lem về Emmau. Người đã lắng nghe tâm tình của hai ông, và Người cũng đã dạy dỗ hai ông về chính Người, khởi đi từ các sách Cựu Ước.

 

Câu truyện tưởng là kết thúc, khi làng Emmau xuất hiện trước mắt. Đã đến lúc tạm biệt chăng? Thánh sử Luca đã miêu tả thật hay về hình ảnh của Chúa Giê-su: “Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa”.  Chúa làm bộ đi tiếp cuộc hành trình của mình. Nhưng hai môn đệ phản ứng thế nào? Luca nói rằng: “Họ nài ép Người rằng: Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn”. Như thế, sau một hành trình 11 cây số với người bộ hành thứ ba là Chúa Giê-su cùng cuộc đối thoại thật đặc biệt với Chúa, hai môn đệ cách này cách khác đã tìm thấy một mối dây liên kết với Chúa, nên họ đã tha thiết, ra sức nài ép Chúa ở lại với họ, nghĩa là họ cùng xin Chúa cùng chọn đích đến của họ là đích đến của Chúa, họ cùng xin Chúa được ở lại với họ và cùng chia sẻ tình thân giữa họ với Chúa. Tâm tình của họ diễn tả một sự trân quý và yêu mến người khách bộ hành của họ. Thêm vào lời nài ép là lý do rất đơn sơ mà họ đưa ra: vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.

 

Trước tâm tình của hai môn đệ, Chúa Giê-su phản ứng thế nào? Thánh sử Luca nói rằng, Chúa đã đón nhận lời nài ép của họ, Người vào nơi họ sống và ở lại với họ. “Chúa ở lại với con người”. Một hình ảnh thật đẹp tương hợp với chính tên của Chúa: Emmanuen – Thiên Chúa ở lại với chúng ta. Thiên Chúa ở lại với con người tại Em-mau. Mỗi người đều có “Em-mau” của riêng mình, chúng ta có ý thức để đón mời Chúa ở lại với chúng ta không? Chúng ta biết rằng, khi chúng ta mời Chúa và đôi khi chúng ta cần “nài ép” Chúa, thì Chúa sẽ nhận lời. Hơn nữa, đích đến của Chúa không là nơi nào khác, mà là chính ngôi nhà “Em-mau” của mỗi người chúng ta.

 

Chúa ở lại với hai môn đệ và Chúa được họ mời dùng bữa. Tại bàn ăn, như người chủ bàn tiệc, Chúa cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ.

Đây là bốn cử chỉ mà Chúa thường làm tại các bữa ăn chung với các môn đệ trước đây. Chúng ta đọc lại biến cố làm phép lạ hóa bánh ra nhiều: “Bấy giờ Đức Giê-su cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông” (Lc 9,16). Trong lúc chúa lập phép Thánh Thể, cũng có bốn cử chỉ này: “Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: "Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). Bốn cử chỉ này như là “dấu hiệu” thuộc về Chúa và căn tính của Chúa. Hai môn đệ cùng ngồi ăn tiệc với Chúa chứng kiến cảnh này, Luca nói: “Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất”.

 

Ở đây, chúng ta thấy sự khác biệt với phần trước đó, hai môn đệ đã “mù tối” không nhận ra Chúa, khi Chúa bước vào hành trình của hai ông và cùng tâm sự cũng như giáo huấn cho hai ông. Luca viết rằng: “Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người” (Lc 24,15-16). Cũng là sự mù tối đó, hai ông đã chia sẻ với chính Chúa: “Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy” (Lc 24,24).

 

Còn bây giờ tại bàn ăn, cũng với đôi mắt ấy, hai ông lại nhận một ánh sáng mới để hai ông có thể nhận ra được đó chính là Thầy của hai ông. Chính Người đó! Ánh sáng mới này đến từ Thiên Chúa, Người đã mở đôi mắt mù tối của con người, để cho con người có thể nhận ra và nhìn thấy được vinh quang của Chúa, nhìn thấy chính Chúa, Đấng Phục Sinh. Đó là một món quà thật lớn lao biết bao! Chính hai môn đệ này là hai người đầu tiên trong nhóm các tông đồ và các môn đệ của Chúa được nhìn thấy Chúa Phục Sinh. Chúng ta biết rằng, họ nhận ra và nhìn thấy Chúa Phục Sinh, khi Ngài đang bẻ bánh.

Ephrem the Syrian đã viết trong bài thánh thi nói về Thiên Đường như sau:

 

“Khi đôi mắt các môn đệ,

đang bị đóng thật chặt,

tấm bánh mì trở thành chìa khóa,

mở đôi mắt của họ ra.

 

Kìa họ nhận ra Thiên Chúa.

Đôi mắt đang nhắm nghiền buồn bã

chợt đón nhận ánh sáng,

để với niềm vui chiêm ngưỡng khung cảnh,

được bao trùm với biết bao hạnh phúc”.

 

Chúa Phục Sinh cùng bước vào hành trình về Em-mau của hai ông. Ngài quan tâm đến những gì hai ông đang mang trong lòng. Ngài hỏi han và lắng nghe những lời tâm sự của hai ông. Ngài mở lời và giúp hai ông hiểu rõ hơn về những gì viết về Ngài. Khi các bước chân tiến đến Em-mau, Ngài đã đón nhận lời nài ép của hai ông, để ở lại và dùng bữa với hai ông. Tại bàn ăn này, chính Ngài đã mở đôi mắt của hai ông. Ánh Sáng Phục Sinh đã đẩy lùi đêm đen của thế giới, để cho con cái của Chúa có thể chiêm ngắm được chính Chúa, Đấng yêu thương và hiến mình, Đấng Sống Lại trong vinh quang. 

 

Sau khi Chúa biến mất, hai ông mới bảo nhau: "Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” Lời tâm tình này của hai ông diễn tả cuộc gặp gỡ giữa Lời và trái tim. Lời Chúa đã đi vào lòng của hai ông, đã làm cho hai tấm lòng đó bừng cháy lên. Ngọn lửa của tình yêu và lòng thương xót. Ngọn lửa của Lời Chúa đưa lại ánh sáng soi chiếu con đường của mỗi người chúng ta đi. Ambrose suy tư như sau: “Với ánh lửa này, Chúa đã đốt lên trong trái tim của hai môn đệ một ánh sáng, như Cleopas đã chứng thực, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao? Vì thế, ánh lửa này chính là Ánh Sáng của Lời Chúa”.

 

Michel Hubaut nói rằng: “Hai môn đệ đã đi xuyên suốt qua bóng đêm mù tối để đến với ánh sáng bừng lên trong trái tim của họ. Hai môn đệ đã làm sống động lại bi kịch thương khó của Chúa Giê-su trong một mầu nhiệm tràn đầy tình yêu của Thiên Chúa”. Ở đây, chúng ta có thể đọc lại Lời Chúa đã nói: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” (Lc 12,49-50).

 

Đến đây, chúng ta thấy hai sự kiện của bài Tin Mừng gắn liền nhau. Đó là nghe Lời Chúa và được chia xẻ bàn tiệc với Chúa. Đó cũng là hai phần nền tảng làm nên Thánh Lễ. Đức Benedicto XVI chia sẻ như sau: “Bài đọc tuyệt vời này từ Tin Mừng đã chứa đựng cấu trúc của Thánh Lễ: Trong phần một là việc lắng nghe Lời Chúa và phần hai với việc cử hành bàn tiệc Thánh Thể. Như thế, cộng đoàn dân Chúa hiện diện sống động với chính bí tích của Mình và Máu Chúa Ki-tô. Giáo Hội đã tự nuôi mình tại bàn tiệc với hai món ăn cao quý này, nên Giáo Hội trung thành lớn lên và mỗi ngày tự làm mới lại trong niềm tin, niềm trông cậy và tình yêu”.

 

Nhìn đến các môn đệ rồi nhìn lại bản thân mình, chúng ta thấy rằng, những trải nghiệm hai môn đệ có, chúng ta cũng trải nghiệm trong đời sống Đức Tin của mình.

Như trong cơn đại dịch, chúng ta đặt câu hỏi “Thiên Chúa ở đâu lúc này?”. Chính khi chúng ta tưởng rằng Thiên Chúa vắng mặt, thì Ngài đang hiện diện rất gần gũi qua chính Thánh Giá và Phục Sinh của Người, qua chính những cử chỉ yêu thương mà con người chúng ta đang tỏ ra cho nhau. Vâng, có biết bao cử chỉ yêu thương và bàn tay bác ái đang giang ra để Chúa bày tỏ tình yêu của Người cho nhân loại chúng ta.

Ngài ở gần bên, cùng đau khổ, cùng vác thập giá, cùng khóc than và cùng sống trong cô đơn trên giường bệnh, và Đức Giê-su cũng chia sẻ cả cái chết trong cô đơn vắng lặng của nhiều người bị lây nhiễm.

 

Chúa ở đâu? Chúa ở đó bên cạnh chúng ta.

Chúa ở đâu? Chúa ở đó trong sâu thẳm tâm hồn chúng ta.

 

Còn chúng ta ở đâu? Chúng ta có thể đang ở bên ngoài chúng ta, trong khi Chúa đang ở trong chính chúng ta.

Vì thế, nguyện xin Thiên Chúa, Đấng đang sánh bước bên cạnh chúng ta và đang chia sẻ mọi nỗi niềm của cuộc sống chúng ta, làm cho trái tim chúng ta được bừng cháy lên, mở đôi mắt của chúng ta ra, để có thể nhận ra sự hiện diện gần bên của Chúa và tình yêu trung tín của Ngài trong cuộc sống của chúng ta.

Nhờ đó, niềm hy vọng của Chúa lại về với chúng ta,

Sự bình an của Đấng Phục Sinh sẽ thay thế cho nỗi bất an trong tâm hồn chúng ta.

 

Cuối cùng, hiện nay trong cơn đại dịch chúng ta không có Thánh Lễ trong nhà thờ, nhưng chúng ta vẫn được đón nhận bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể thiêng liêng. Vì thế, chúng ta tiếp tục mời Chúa ở lại với chúng ta, trong gia đình chúng ta, để chính Chúa là Linh Mục Thượng Phẩm cử hành bàn tiệc tạ ơn với chúng ta.

 

Ôi lạy Chúa là sự thiện tối cao,

Xin ở lại với chúng con,

vì sự hiện diện của Chúa sẽ êm ái cho chúng con biết mấy!

 

Ôi lạy Chúa là sự thiện tối cao,

Xin ở lại với chúng con,

Vì Chúa biết chúng con cần đến Chúa hơn bao giờ hết.

 

Ôi lạy Chúa là sự thiện tối cao,

Xin ở lại với chúng con,

xin đoái thương kết hợp chúng con với Chúa

trong tình yêu tín trung và dịu dàng.

 

Ôi lạy Chúa là sự thiện tối cao,

Xin ở lại với chúng con,

Vì chúng con sẽ không yên nghỉ

cho đến lúc được hoan lạc trong vòng tay Chúa.

 

Ôi lạy Chúa là sự thiện tối cao,

Xin ở lại với chúng con,

Vì nếu Chúa bỏ chúng con cô đơn trong khoảnh khắc nào của cuộc sống,

Thì linh hồn chúng con sẽ héo hon tiều tụy.

 

Ôi lạy Chúa là sự thiện tối cao,

Là Đấng Phục Sinh vinh hiển,

Là Đấng Tín Trung trong tình yêu.

Xin ở lại với chúng con từ hôm nay cho đến mãi muôn đời. Amen.

 

 

Giờ đây chúng ta cùng thinh lặng giây lát …

Chúng ta cùng đọc kinh Lạy Cha, kinh Kính mừng và kinh Sáng Danh.

 

 

5) Lời nguyện trong cơn dịch bệnh (HĐGM VN soạn thảo):

 

Chúng ta cùng đọc lời cầu nguyện trong cơn dịch bệnh:

 

Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa toàn năng / chúng con đang họp nhau cầu nguyện, / tha thiết nài xin cho cơn dịch bệnh mau chấm dứt. /

 

Lạy Chúa Cha giàu lòng thương xót / xin nhìn đến nỗi thống khổ / của đoàn con trên khắp thế giới, / đặc biệt tại những nơi dịch bệnh đang hoành hành. / Xin củng cố đức tin của chúng con, / cho chúng con hoàn toàn tín thác / vào tình yêu quan phòng của Cha. /

 

Lạy Chúa Giêsu là Đấng cứu độ duy nhất, / là vị lương y đầy quyền năng và lòng thương xót, / xin thương cho các bệnh nhân sớm được chữa lành, / và an ủi các gia đình đang gặp khó khăn thử thách. / Xin cho lời chúng con khiêm tốn cầu nguyện, / được chạm tới trái tim nhân lành của Chúa, / xin giảm bớt gánh nặng khổ đau, / và cho chúng con cảm nhận được bàn tay Chúa / đang ân cần nâng đỡ chúng con. /

 

Lạy Chúa Thánh Thần là nguồn sức mạnh tình yêu, / xin soi sáng các vị hữu trách và những người có khả năng, / giúp họ sớm tìm ra phương thuốc chữa trị dịch bệnh, / xin ban cho các bác sĩ và nhân viên y tế / sức mạnh của tình thương và lòng nhiệt thành quảng đại, / luôn tận tâm tận lực phục vụ các bệnh nhân. /

 

Chúng con xin trao vào đôi tay từ mẫu của Mẹ Maria, / những lời khẩn nguyện trong cơn đại nạn, / nhờ lời Đức Mẹ chuyển cầu, / xin Chúa nhận lời chúng con. Amen /

 

6) Ghi nhớ và mang Lời Chúa bên mình trong suốt ngày sống.

 

Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.”  

(Lc 24,29).

 

7) Kinh Trông Cậy.

 

Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện, trong cơn gian nan thiếu thốn, Đức Nữ Đồng Trinh hiển vinh sáng láng hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen.

Lạy rất thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu.
Thương xót chúng con.

Lạy Trái Tim cực Thánh cực tịnh Rất Thánh Đức Bà Maria.
Cầu cho chúng con.

Lạy Ông thánh Giuse là bạn thanh sạch Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh.
Cầu cho chúng con.

Lạy Tổng Lãnh Thiên Thần Micae.

Cầu cho chúng con.

Các Thánh Tử Vì Đạo nước Việt Nam.
Cầu cho chúng con.

Mẹ Tê-rê-sa Can-cút-ta.

Cầu cho chúng con.

Thánh Rô-cô.

Cầu cho chúng con.

Nữ Vương ban sự bằng an.
Cầu cho chúng con.

 

8) Phúc lành của Chúa.

 

Xin Thiên Chúa luôn đồng hành và

dẫn bước anh chị em trên hành trình cuộc đời. Amen.

 

Xin Thiên Chúa luôn đi trước anh chị em,

để chính Ngài dọn con đường cho anh chị em

bước đi trong an toàn và bình an. Amen.

 

Xin Thiên Chúa luôn đi sau anh chị em,

Để Ngài sẽ ra tay nâng đỡ và ban thêm sức mạnh cho anh chị em,

khi anh chị em rơi vào khó khăn thử thách. Amen.

 

Xin Thiên Chúa dịu dàng cúi xuống bồng ẵm anh chị em lên đôi tay của Ngài,

Khi anh chị em đau yếu và trở nên tê liệt hoàn toàn. Amen.

 

Xin Thiên Chúa Ba Ngôi quyền năng và giàu lòng thương xót,

là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần

ban tràn đầy phúc lành, luôn chở che anh em trong vòng tay dấu ái của Ngài. Amen.

 

 

9) Thánh Ca:

 

Xin Chúa Bên Con.

Sáng tác : Giang Tâm.

Trình bày: Nhóm Angelo.