Bài Mới

 

1) Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.

 

2) Kinh Sáng Soi: Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.

 

Thánh thi 

 

Lạy Vua Cả chí tôn hằng hữu
Chịu khổ hình để cứu muôn dân,
Dang tay đánh bại tử thần,
Đem về chiến thắng muôn phần vinh quang.

 

Ngài lên tận ngai vàng vĩnh cửu,
Cõi thiên đình bên hữu Chúa Cha,
Uy phong ngự chốn thiên toà,
Quyền năng Thánh Phụ trao qua tay Ngài.

 

Để từ đây muôn loài muôn vật,
Khắp mọi nơi trời đất âm ty,
Thảy đều tay chắp gối quỳ,
Một niềm suy phục trọn bề thần dân.

 

Thấy cảnh tượng, thiên thần run sợ :
Tội loài người, thân Chúa đền thay,
Rồi lên ngự chốn trời mây,
Phận hèn người thế đổi thay tuyệt vời.

 

Ngài là chính nguồn vui khôn sánh,
Thưởng công người xa lánh phù hoa.
Lạy Vua ngự chốn thiên toà,
Niềm vui thiên giới vượt xa thế trần.

 

Ngửa trông Chúa khoan nhân lượng thứ,
Rủ lòng thương xoá bỏ tội tình,
Nhờ ơn vũ lộ huyền linh,
Nghe lời Chúa gọi vươn mình bay cao.

 

Ngày chung thẩm khi nào chợt tới
Vinh quang Ngài chói lọi trời mây.
Xin tha hình phạt đoạ đày,
Vinh quang đã mất từ đây trả về.

 

Câu chúc tụng xin quỳ dâng Chúa
Vua cõi trời rực rỡ hồi loan,
Cùng Ngôi Thánh Phụ Thánh Thần
Ngàn đời hiển trị muôn phần quang vinh.

 

3) Chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.

 

“Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” (Lc 24,17).

 

4) Suy niệm:

 

Quý Ông Bà và Anh Chị Em cùng các Cháu thân mến,

 

Lời Chúa hôm nay được trích từ câu truyện hai người môn đệ trên đường Emmau do thánh Luca thuật lại.

 

Khung cảnh của câu truyện rất sống động với sự xuất hiện của  nhân vật thứ ba, khi hai môn đệ đang trên đường về lại nhà mình, là làng Emmau. Nhân vật thứ ba là chính Chúa Giê-su Phục Sinh. Ngài tiến đến gần và cùng đi với họ.

Chúa đến gần là một hình ảnh thật đẹp!

Chúa đến gần với hai môn đệ, khi hai ông đang bước đi với những bước chân nặng trĩu của thất vọng, buồn chán, vì Thầy của hai ông đã chết, và đến ngày thứ ba rồi mà chẳng thấy điều mà Chúa đã hứa trước đó xảy ra.

 

Cuộc sống của nhân loại lúc này cũng tương hợp với tâm trạng và hoàn cảnh của hai môn đệ. Cũng biết bao lời cầu xin và khẩn nài, cũng biết bao tâm tình kêu van, nhưng đến mãi hôm nay Virus nhỏ bé vẫn hoành hành và cuộc sống con người vẫn còn phải giới hạn rất nhiều, cũng như chưa trở lại được nhịp sống bình thường.

 

Chính trong bối cảnh này, chúng ta có thấy Chúa đến gần chúng ta không? Hương hoa của Phục Sinh có nở rộ và Ánh Sáng Phục Sinh có soi chiếu và sưởi ấm không?

 

Trở về với hai môn đệ trên đường Emmau, thánh sử Luca diễn tả rằng, Chúa đến gần và cùng đi với hai ông nhưng hai ông không nhận ra Chúa: “Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người.

 

Về điều này, thánh Augustino suy niệm như sau: “Ở đây chúng ta có hai môn đệ. Họ đang rảo bước trên đường và đang truyện trò với nhau về những gì vừa mới xảy ra tại Giê-ru-sa-lem – về những sự độc ác của người Do-thái, về cái chết của Chúa Ki-tô. Trong khi họ đang truyện trò về nỗi đau đớn cho Chúa, cũng như biến cố Chúa chết, thì họ không biết rằng Chúa đã sống lại. Chúa đã hiện ra và đến với họ như là một khách bộ hành thứ ba, và thật nhẹ nhàng dễ thương Chúa tham dự vào câu truyện mà cả hai đang bàn tán với nhau. Đôi mắt của họ bị ngăn cản, nên không nhận ra Chúa. Trái tim của họ, như bạn thấy, cần được nhận những lời chỉ dẫn chu đáo hơn. Việc họ nhận ra Chúa đang bị trì hoãn lại”.

 

Nhìn lại đời sống của mình, chúng ta cũng nên tự hỏi xem, có điều gì đang cản trở chúng ta, để chúng ta chưa nhận ra sự hiện diện của Chúa Phục Sinh, chưa cảm được sự gần gũi song hành của Chúa?

Phục Sinh đã đến, nhưng chúng ta có thể vẫn bị “trì hoãn” trong ngày thứ sáu tuần thánh. Làm thế nào để có thể ra khỏi “thế kẹt” này?

 

Trở về lại với câu truyện trên đường Emmau, chúng ta thấy: Chính lúc hai môn đệ không thể nhận ra Chúa, thì Chúa lên tiếng mở lời với họ. Chúa không chỉ đến và đi cùng, mà Chúa còn mở lời để bước vào tương quan với con người.

 

Vâng, Chúa luôn là người đi bước trước. Có những điều con người chúng ta không thể thực hiện được, thì Chúa ra tay. Khi chúng ta tự mình không thể đến với Chúa, thì Chúa đến với chúng ta. Khi chúng ta bị rơi vào trong hố sâu của tuyệt vọng và tự mình không thể đứng dậy, thì Chúa sẽ đến và đưa tay cầm lấy cánh tay yếu ớt của chúng ta và nâng chúng ta dạy.

 

Với hai môn đệ trên đường Emmau, Chúa đến với hai ông và Chúa mở lời hỏi hai môn đệ: "Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy? " Một câu hỏi thật nhẹ nhàng! Câu hỏi này như mở “cánh cửa” của lòng họ, để họ có thể trút tất cả những gì họ đang ôm ấp trong lòng. Nhưng trước hết, câu hỏi của Chúa đã làm đôi chân họ dừng bước. Dừng bước là một thái độ rất cần thiết cho những bước chân nặng trĩu trên đường.

Hôm nay chúng ta cũng cần phải dừng bước để nhìn lại chính đời sống của mình, để cảm được những cảm xúc đang có trong tâm hồn mình, để xin Chúa giúp chúng ta cần biết nhận định nên sống thế nào trong đại dịch, và nên chuẩn bị cuộc sống sau cơn đại dịch ra sao đây.

 

Hai môn đệ trên đường Emmau dừng lại, vẻ mặt buồn rầu. Một trong hai người mà thánh sử nêu tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời Chúa. Trong câu trả lời, ông ta ngạc nhiên, khi thấy Chúa không biết những gì mới xảy ra tại Giê-ru-sa-lem: "Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay".

 

Có thực là Chúa không biết gì? Hai môn đệ đâu biết rằng, họ đang nói chuyện với Người duy nhất biết chuyện gì đã thực sự xảy ra trong ngày Phục Sinh.

 

Là con người chúng ta luôn đụng tới giới hạn của mình. Chúng ta luôn muốn vươn lên khỏi mình, nhưng thực tế thì chúng ta luôn phải đối diện với “đường cụt”. Chúa ở gần, chúng ta tâm tình với Chúa, nhưng chúng ta lại chẳng cảm được sự hiện diện của Chúa. Đó là giới hạn thật sự của con người. Xin Chúa cho chúng ta cảm nhận được sự hiện diện gần gũi của Chúa ngay trong chính bầu khí hoang mang, lo lắng đang kéo dài, để nhờ đó chúng ta lại tiếp tục nương ẩn nơi Chúa và đón nhận sức mạnh từ chính Chúa.

 

Đoạn cuối của câu truyện thật thú vị với sự phản ứng và lời dạy dỗ của Chúa Giê-su dành cho hai môn đệ: Sau khi kiên nhẫn lắng nghe các môn đệ nói về chính Chúa, Chúa bắt đầu lên tiếng: "Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ!” Chúa đã đụng tới sự “mù tối” của các ông. Cụ thể hơn, qua lời này Chúa đụng tới hai yếu tố:

 

(1) Trí hiểu. Các ông thiếu khả năng để suy nghĩ cho thấu đáo. Đó là giới hạn của các ông trong trí hiểu.

(2) Trái tim là trung tâm của con người, nơi phát xuất của tình cảm, ý chí và trí tuệ. Nhưng tiếc thay, trái tim của các ông thì chậm tin, không nhanh chóng mở ra để đón nhận Lời Chúa và tin tưởng vào những gì Chúa nói.

 

Sau khi trách các ông như vậy, Chúa Phục Sinh mới bắt đầu mở trí cho các ông hiểu Thánh Kinh và qua đó hiểu và tin tưởng vào Chúa.

 

Xin Chúa giúp cho chúng ta biết mở rộng lòng và đôi tai của mình, để lắng nghe Lời Chúa, lắng nghe những chỉ dẫn của Chúa trong đời sống thực tế của chúng ta vẫn đang đối diện với đại dịch. Mỗi ngày chúng ta nên tâm tình và hỏi Chúa: “Chúa ơi, hôm nay chúng con nên làm gì, nên sống ra sao, nên có tâm tình gì cho đúng đắn và tốt nhất? Xin Chúa chỉ dạy chúng con”.

 

Cuối cùng, hành trình 11 cây số từ Giê-ru-sa-lem đến Emmau cũng từ từ khép lại. Điều gì xảy ra như là đoạn kết của câu truyện?

 

Thánh sử Luca đã miêu tả thật hay về hình ảnh của Chúa Giê-su: “Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa”.  Như thế, Chúa Giê-su là người bộ hành thứ ba bước vào hành trình của hai môn đệ trên đường hai ông đi về Em-mau. Giờ đây, họ đã tới Em-mau đích đến của họ. Nhưng có phải là đích đến của Chúa không? Chúa làm bộ đi tiếp cuộc hành trình của mình. Nếu chúng ta mường tượng một chút, có thể Chúa nói lời tạm biệt với hai môn đệ này ở tại Em-mau và Người muốn đi tiếp con đường trước mắt. Nhưng hai môn đệ phản ứng thế nào? Luca nói rằng: “Họ nài ép Người rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn”. Như thế, sau một hành trình 11 cây số với người bộ hành thứ ba là Chúa Giê-su cùng cuộc đối thoại thật đặc biệt với Chúa, hai môn đệ cách này cách khác đã tìm thấy một mối dây liên kết với Chúa, nên họ đã tha thiết, ra sức nài ép Chúa ở lại với họ, nghĩa là họ cùng xin Chúa cùng chọn đích đến của họ là đích đến của Chúa, họ cùng xin Chúa được ở lại với họ và cùng chia sẻ tình thân giữa họ với Chúa. Tâm tình của họ diễn tả một sự trân quý và yêu mến người khách bộ hành của họ. Thêm vào lời nài ép là lý do rất đơn sơ mà họ đưa ra: vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.

 

Trước tâm tình của hai môn đệ, Chúa Giê-su phản ứng thế nào? Thánh sử Luca nói rằng, Chúa đã đón nhận lời nài ép của họ, Người vào nơi họ sống và ở lại với họ. “Chúa ở lại với con người”. Một hình ảnh thật đẹp tương hợp với chính tên của Chúa: Emmanuen – Thiên Chúa ở lại với chúng ta. Thiên Chúa ở lại với con người tại Em-mau. Mỗi người đều có “Em-mau” của riêng mình, ngay trong cơn đại dịch này chúng ta có ý thức để đón mời Chúa ở lại với chúng ta không? Chúng ta biết rằng, khi chúng ta mời Chúa và đôi khi chúng ta cần “nài ép” Chúa, thì Chúa sẽ nhận lời. Hơn nữa, đích đến của Chúa không là nơi nào khác, mà là chính ngôi nhà “Em-mau” của mỗi người chúng ta đang sống. Nơi đó, trong chính Ngôi Nhà Emmau của chúng ta, Chúa sẽ dọn một bữa tiệc hảo hạng để đãi ngộ chúng ta, bữa tiệc Thánh Thể, bữa tiệc của lòng thương xót.

 

Vì thế, khi vẫn phải bước đi trong cơn đại dịch, chúng ta tiếp tục mở lòng cho Chúa, tiếp tục  kể cho Chúa về những gì mình đang chất chứa trong nỗi lòng. Chúa lắng nghe, Chúa đáp lời và Lời của Ngài sẽ làm cho tâm hồn chúng ta bừng cháy lên. Lời của Ngài sẽ đưa lại hy vọng, khi chúng ta sống trong thất vọng. Lời của Ngài là lời của sự sống dành cho những ai khao khát sự sống dồi dào và sự sống vĩnh cửu.

Hãy mở lòng!

Hãy cùng bước đi với Ngài!

Hãy tâm tình trò truyện với Ngài!

Ở bên Ngài, với Ngài và trong Ngài,

người người sẽ nhận được tấm bánh của tình yêu,

tấm bánh của lòng thương xót

có sức tháo gỡ mọi đau buồn và thất vọng,

để tìm lại được hy vọng và niềm vui vĩnh cửu của Đấng Phục Sinh.

 

Giờ đây chúng ta cùng thinh lặng giây lát …

Chúng ta cùng đọc kinh Lạy Cha, kinh Kính mừng và kinh Sáng Danh.

 

 

5) Lời nguyện trong cơn dịch bệnh (HĐGM VN soạn thảo):

 

Chúng ta cùng đọc lời cầu nguyện trong cơn dịch bệnh:

 

Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa toàn năng / chúng con đang họp nhau cầu nguyện, / tha thiết nài xin cho cơn dịch bệnh mau chấm dứt. /

 

Lạy Chúa Cha giàu lòng thương xót / xin nhìn đến nỗi thống khổ / của đoàn con trên khắp thế giới, / đặc biệt tại những nơi dịch bệnh đang hoành hành. / Xin củng cố đức tin của chúng con, / cho chúng con hoàn toàn tín thác / vào tình yêu quan phòng của Cha. /

 

Lạy Chúa Giêsu là Đấng cứu độ duy nhất, / là vị lương y đầy quyền năng và lòng thương xót, / xin thương cho các bệnh nhân sớm được chữa lành, / và an ủi các gia đình đang gặp khó khăn thử thách. / Xin cho lời chúng con khiêm tốn cầu nguyện, / được chạm tới trái tim nhân lành của Chúa, / xin giảm bớt gánh nặng khổ đau, / và cho chúng con cảm nhận được bàn tay Chúa / đang ân cần nâng đỡ chúng con. /

 

Lạy Chúa Thánh Thần là nguồn sức mạnh tình yêu, / xin soi sáng các vị hữu trách và những người có khả năng, / giúp họ sớm tìm ra phương thuốc chữa trị dịch bệnh, / xin ban cho các bác sĩ và nhân viên y tế / sức mạnh của tình thương và lòng nhiệt thành quảng đại, / luôn tận tâm tận lực phục vụ các bệnh nhân. /

 

Chúng con xin trao vào đôi tay từ mẫu của Mẹ Maria, / những lời khẩn nguyện trong cơn đại nạn, / nhờ lời Đức Mẹ chuyển cầu, / xin Chúa nhận lời chúng con. Amen /

 

6) Ghi nhớ và mang Lời Chúa cùng lời thánh nhân bên mình trong suốt ngày sống.

 

“Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” (Lc 24,17).

 

7) Kinh Trông Cậy.

 

Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện, trong cơn gian nan thiếu thốn, Đức Nữ Đồng Trinh hiển vinh sáng láng hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen.

Lạy rất thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu.
Thương xót chúng con.

Lạy Trái Tim cực Thánh cực tịnh Rất Thánh Đức Bà Maria.
Cầu cho chúng con.

Lạy Ông thánh Giuse là bạn thanh sạch Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh.
Cầu cho chúng con.

Lạy Tổng Lãnh Thiên Thần Micae.

Cầu cho chúng con.

Các Thánh Tử Vì Đạo nước Việt Nam.
Cầu cho chúng con.

Mẹ Tê-rê-sa Can-cút-ta.

Cầu cho chúng con.

Thánh Rô-cô.

Cầu cho chúng con.

Nữ Vương ban sự bằng an.
Cầu cho chúng con.

 

8) Phúc lành của Chúa.

 

Xin Thiên Chúa luôn đồng hành và

dẫn bước anh chị em trên hành trình cuộc đời. Amen.

 

Xin Thiên Chúa luôn đi trước anh chị em,

để chính Ngài dọn con đường cho anh chị em

bước đi trong an toàn và bình an. Amen.

 

Xin Thiên Chúa luôn đi sau anh chị em,

Để Ngài sẽ ra tay nâng đỡ và ban thêm sức mạnh cho anh chị em,

khi anh chị em rơi vào khó khăn thử thách. Amen.

 

Xin Thiên Chúa dịu dàng cúi xuống bồng ẵm anh chị em lên đôi tay của Ngài,

Khi anh chị em đau yếu và trở nên tê liệt hoàn toàn. Amen.

 

Xin Thiên Chúa Ba Ngôi quyền năng và giàu lòng thương xót.

Ban tràn đầy phúc lành, luôn chở che anh em trong vòng tay dấu ái của Ngài. Amen.

 

 

9) Thánh Ca:

 

Bài hát (Mashup): Theo Chúa – Trên đường Emmau – Song Hành – Xuất Hành.

Sáng tác : Lm. Thành Tâm.

Trình bày: Biệt đội Tiếng Hát Giáo Đường..