Bài Mới

 

Huỳnh Công Hạnh SVD

 

Bài viết ngắn này liên quan đến một số điểm như sau:

 

  1. Đóng góp khả năng

Là Kitô hữu mỗi người cần có trách nhiệm đối với giáo xứ hoặc cộng đoàn mình đang sống bằng cách đóng góp thời giờ, khả năng mình cho việc chung. Có nhiều cách đóng góp. Một trong những cách đóng góp lâu dài là sinh hoạt trong ca đoàn.

Ca đoàn thường thể hiện đóng góp cho giáo xứ /cộng đoàn là ca hát trong thánh lễ.

 

  1. Thánh lễ có được cử hành sốt sắng

nhờ vào những yếu tố sau đây:

- Sự tập trung cao độ và đáp thưa nhịp nhàng của cộng đoàn tín hữu,

- Thánh ca được chọn lựa (đúng nghĩa), hát đúng tâm tình, đúng nơi, đúng lúc theo nghi thức phụng vụ là nhịp cầu nối giữa vị chủ tế và cộng đoàn dâng lễ, để mọi người dễ nâng tâm hồn lên tới Chúa là Đấng mọi người phải thờ lạy, chúc tụng, ngợi khen và tôn vinh. Vậy thánh ca có một tầm quan trọng rất lớn trong thánh lễ.

 

Thánh ca không chỉ là hình thức tô vẽ bề ngoài cho thánh lễ, nhưng đóng một vai trò có ảnh hưởng sâu rộng đến những người tham dự thánh lễ.

 

  1. Ai phụ trách thánh ca trong thánh lễ?

Khi không có ca đoàn, cộng đoàn tín hữu sẽ hát cộng đồng. Như vậy cần có người soạn bài hát và người đệm đàn nếu có.

 

Bình thường thì trong mỗi giáo xứ hoặc cộng đoàn đều có một hoặc nhiều ca đoàn để phục vụ thánh ca trong các nghi thức phụng vụ thánh (trong đó có thánh lễ).

 

Điểm chính là ca đoàn giúp cộng đoàn hiệp thông trong thánh lễ. Ca đoàn là điểm tựa để cộng đoàn cùng hát. Như thế, có những lúc cần chọn một số bài dễ dàng quen thuộc để cộng đoàn cùng hát, cùng hiệp thông tích cực trong thánh lễ. Vì mục đích của Thánh nhạc là làm vinh danh Chúa và thánh hóa các tín hữu.

 

  1. Chọn bài hát như thế nào?

Tiêu chuẩn chọn bài hát:

4.1  Về nội dung: Thông thường ta có thể chọn bài hát dựa trên bài đọc và bài phúc âm theo mùa phụng vụ,

Một năm phụng vụ gồm có những mùa sau đây:

Mùa Vọng:   Chuẩn bị đón mừng Chúa giáng sinh (gồm 4 Chúa nhật mùa Vọng)

(bắt đầu là Chúa nhật I mùa Vọng (sau Lễ Kitô Vua) cho tới 24.12)

Mùa Giáng Sinh: Cùng Giáo hội hân hoan mừng Chúa xuống thế làm người để cứu

 chuộc ta.

(từ lễ Giáng Sinh 25.12 cho tới lễ Ba Vua 06.01)

Mùa Chay:    Chuẩn bị tâm hồn đón mừng Chúa Phục Sinh

(từ thứ Tư Lễ Tro tới thứ Bảy Tuần Thánh)

Mùa Phục Sinh: Mừng Chúa sống lại

(từ Chúa nhật Phục Sinh cho tới Ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống)

Mùa thường niên gồm hai phần:

Phần nhất: Giữa khoảng cách lễ Ba Vua tới thư tư lễ Tro.

Phần hai: từ sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống cho tới thứ bảy sau lễ Chúa Kitô Vua.

 

Lưu ý: Các ngày Chúa nhật và lễ trọng đều hát Kinh Vinh Danh.

Luật trừ: Riêng hai mùa Vọng và mùa Chay sẽ không hát Kinh Vinh Danh .

 

4.2  Về hình thức:

  1. Chọn bài hát cho phù hợp với từng hạng tuổi. Thí dụ: Chọn bài hát cho lễ thiếu nhi hoặc lễ thanh niên hoặc lễ người lớn (thường ở những giáo xứ đông người). Các bài cho thiếu nhi cần những bài ngắn dễ hát, dễ thuộc, dòng nhạc đơn sơ, khác với những bài danh cho người lớn.
  2. Chọn bài hát theo ý lễ. Thí dụ cho lễ hôn phối khác với lễ cầu hồn, lễ khấn, lễ tạ ơn…
  3. Chọn bài hát cho lễ trọng khác với lễ thường.
  4. Chọn bài hát nhiều bè, trang trọng có thể phù hợp với các lễ trọng. Việc tập hát sẽ công phu hơn, nghĩa là cần nhiều thời gian tập dợt, các ca viên lại phải có khả năng để hát những bài hát này nữa.
  5. Chọn những bài bình dân quen thuộc cho cho những lễ thường nói chung. Tuy nhiên những bài này cũng có thể dùng cho những lễ đại trào trong phần dành cho cộng đoàn hát nữa.

 

  1. Ca đoàn cần tập dợt bao lâu cho một bài hát?

Tuỳ theo khả năng (hiểu biết về âm nhạc, giọng ca) của các ca viên trong ca đoàn. Có thể vài lần.  Nói chung, nếu thuộc bài hát và cảm nhận được lời ca cùng nắm vững kỹ thuật ca hát, ca đoàn sẽ chuyển tải nội đung và tâm tình bài hát đó đến cộng đoàn.

 

  1. Cần hát sao cho xứng hợp với bài hát?

Đúng tâm tình

Ca đoàn cần luyện tập nhiều lần cho một bài hát để có thể hát nhịp nhàng đúng tâm tình của tác giả và của nghi thức phụng vụ. Như thế ca đoàn sẽ tránh được những nốt nhạc „ngang“ không cần thiết và khỏi gây chia trí cho người tham dự lễ. Khi ca viên đã thuộc lời và nhạc, sẽ dễ dàng chú ý đến ca trưởng (điều khiển) nhiều hơn. Lúc đó những lời ca tiếng hát sẽ dễ dàng xuất phát từ trong tâm hồn hơn.

 

Đúng nghĩa:

Khi ca trưởng hoặc một ai đó trong ca đoàn chọn bài hát, cần chọn đúng ý nghĩa của thánh lễ đó.  (Xem phần chọn bài hát ở bên trên).

 

Đúng nơi:

Thông thường nhà thờ / nhà nguyện / nhà tĩnh tâm là những nơi bài thánh ca được hát xướng lên.

 

Đúng lúc:

Các bài thánh ca thường được hát lên trong thánh lễ. Mà Thánh lễ lại có nhiều phần khác nhau. Vậy cần chọn bài hát làm sao cho phù hợp với những phần phụng vụ ấy.

 

Nhập lễ:,Những bài  liên quan đến tâm tình quy tụ, ca ngợi và cảm tạ hoặc theo ý lễ của hôm đó.

 

Đáp ca: Chọn những bài hát thánh vịnh phù hợp trong bản văn phụng vụ của ngày (Chúa nhật) hôm ấy,  thay vì chọn một bài hát nào đó. (Nếu không hát thì đọc bài thánh vịnh. Một xướng viên đọc, cộng đoàn đáp). Xin xem thông báo về thánh vinh đáp ca của Ủy Ban Thánh Nhạc trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ngày 1 tháng 12 năm 2016.

 

Dâng lễ: Trong lễ Việt Nam thường bài thánh ca lúc này có liên quan đến dâng bánh rượu, dâng tâm hồn thể xác. Tuy nhiên, ngoài những bài trên, ở một số nước khác họ còn hát những bài như ca ngợi, cảm tạ hoặc nói lên Tình Yêu Chúa. Thí dụ trong ngày thứ Năm Tuần Thánh, bài thích hợp trong lúc dâng bánh rượu là bài „Đâu Có Tình Yêu Thương“.

 

Hiệp lễ: Lúc này là giây phút mọi người kết hiệp với Chúa Thánh Thể, do đó cần hát những bài liên quan tâm tình hiệp thông, cảm tạ hoặc những bài hát có liên quan đến Phúc Âm ngày hôm đó,…

 

Tránh hát những bài Đức Mẹ hoặc những bài nhạc đời liên quan đến „Tình Cha“ hoặc „Tình Mẹ“ trong lúc này như một số nơi thường hay hát vào những dịp lễ an táng. Những bài nhạc đời nói lên Tình Cha, Tình Mẹ như thế có thể hát trước hoặc sau các nghi thức phụng vụ. Thí dụ: có thể hát trước khi dâng Thánh lễ sau bài tiểu sử về người qua cố, hoặc hát sau phần kết thúc nghi thức an táng ngoài nghĩa trang.

 

Kết lễ:  Thông thường thì một bài lên đường bình an, loan báo Tin Mừng hoặc một bài hát liên quan đến mùa phụng vụ. Người Việt chúng ta yêu quý Đức Mẹ, nên hay hát một bài về Đức Mẹ ở phần kết lễ.

Để làm phong phú phần kết lễ của mỗi ngày trong tuần chúng ta lưu ý có thể chọn các bài thánh ca thích hợp các ý trong mỗi ngày như sau:

Thứ hai kính Chúa Thánh Thần

Thứ ba kính các thiên thần.

Thứ tư kính Thánh Giuse

Thứ năm kính phép Thánh Thể, cầu cho ơn gọi

Thứ sáu kính Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Thứ bảy kính Đức Mẹ.

 

Còn bộ lễ gồm có các phần như: Kinh Thương xót, Kinh Vinh Danh, Thánh Thánh Thánh, Lạy Chiên Thiên Chúa. Nếu đã hát bộ lễ nào thì hát trọn ven bộ lễ ấy trong cùng một thánh lễ. Không hát Thương Xót của một nhạc sĩ này, Kinh Vinh Danh của tác giả khác, rồi Thánh Thánh Thánh của một nhạc sĩ khác nữa …

 

Mong thay các ca viên / người hát hiểu biết về thánh nhạc và tập luyện công phu sẽ là của lễ quý giá dâng lên Chúa.

Cầu chúc những ai muốn phục vụ Chúa qua Thánh ca (tiếng hát trong ca đoàn) được nguồn cảm hứng bất tận và tràn đầy niềm vui.