Hình minh hoạ

Tác giả: Vũ Văn An

Nguồn: http://vietcatholicnews.net

 

Không định chế nào lâu đời bằng gia đình. Căn cứ vào Kinh Thánh, con người xuất hiện trên trái đất lúc nào thì gia đình xuất hiện lúc ấy. Bởi trong dự tính của Thiên Chúa, gia đình xuất hiện cùng một lúc với việc sáng tạo ra con người: “Người dựng nên họ có nam có nữ… và phán với họ: hãy sinh sôi nẩy nở cho tràn mặt đất” (St 1:27-28).

Chỉ cần đọc câu trên ta cũng thấy gia đình ít nhất gồm 2 yếu tố: kết hợp nam nữ và sinh con cái. Nhưng con người thời nay không những không kiêng nể tính thánh thiêng của nó, bởi lẽ họ không tin nguồn gốc thần thánh của nó, mà còn đang coi thường cả tính lâu đời đáng nể của nó nữa, một tính lâu đời có mặt cùng khắp các nền văn hoá và tôn giáo thế giới.

Quả thế, người thời nay đang tìm cách xoá nhoà đặc điểm “nam nữ” vốn tạo ra yếu tính của nó và là một điều không thể không có của việc sinh sản con cái.

Tuy nhiên, xét cho cùng, há dự án tàn phá nói trên, một phần, không do chính những người bước chân vào cuộc sống gia đình tạo nên đó sao. Bởi vì chính những người này đã phá vỡ hình ảnh tươi đẹp của gia đình khiến những người “nhát đảm” không còn dám bước vào hành trình gia đình đúng nghĩa như Kinh Thánh đã xác định nữa. Trái lại đang cố gắng hủ hoá hành trình này theo một hướng khác hẳn, ngược với dự tính của Đấng Hoá Công, để biện minh cho tác phong lệch lạc của họ.

Chính vì thế, khi vừa lên ngôi Giáo Hoàng, Đức Phanxicô đã dồn hết tâm trí của ngài vào việc phục hồi vẻ đẹp rạng rỡ của gia đình theo dự tính ban đầu của Thiên Chúa. Liên tiếp trong hai năm 2014 và 2015, qua hai Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về Gia Đình, ngài đã mời gọi toàn thể Giáo Hội Công Giáo và những người thiện chí khắp thế giới cùng suy niệm và tái tạo hình ảnh nguyên thuỷ của gia đình, không hẳn để đưa ra một chủ trương mới, một đề án mới, một lý thuyết mới mà là một cách sống mới nói lên vẻ đẹp tinh khôi của gia đình.

Trong chiều hướng ấy, chúng tôi sẽ lần lượt trình bầy một số khía cạnh của mục vụ gia đình. Nói đến mục vụ gia đình, dĩ nhiên nói tới khía cạnh thực hành lý tưởng gia đình. Ngoại trừ một vài thông tin nền ra, chúng tôi chỉ tập chú vào khía cạnh thực hành này mà thôi. Hạn từ gia đình ở đây cũng có nghĩa giới hạn: đó là hình thức gia đình truyền thống, gồm cha mẹ và con cái (nếu có), chứ không đề cập tới các hình thức “gia đình” đa dạng hiện nay theo cái hiểu của truyền thông thế tục.

1. Sự tương đồng liên tôn về gia đình

Trước khi đi vào mục vụ gia đình nói chung, tưởng cũng nên nói qua về gia đình truyền thống Việt Nam nói riêng. Gia đình truyền thống này, xét chung, không xa ý niệm Kinh Thánh bao nhiêu, nhất là các yếu tố cấu thành ra nó. Thực vậy, theo nhà tâm lý học Ngô Công Hoàn, gia đình này bao gồm 6 yếu tố sau đây:

– Là một nhóm xã hội có từ 2 người trở lên
– Trong gia đình, phải có giới tính (nam, nữ)
– Quan hệ trong gia đình phải là quan hệ ruột thịt huyết thống nghĩa là có quan hệ tái sản xuất con người.
– Các thành viên trong gia đình phải gắn bó với nhau về đặc điểm tâm sinh lý.
– Gia đình phải có ngân sách chung.
– Gia đình phải sống chung một nhà.

Sáu đặc điểm trên hiện vẫn còn trong tâm thức người Việt Nam. Hiện tượng ở Hoa Kỳ với 45% người dân coi một đôi không cần kết hôn nhưng chỉ sống chung với nhau vẫn được coi là một gia đình thực thụ, 33% người dân coi các đôi cùng giới tính có nuôi nấng con cái cũng là gia đình… không được người Việt Nam chấp nhận. Nếu ở Âu Tây, gia đình chỉ là một nhóm xã hội, thì ở Việt Nam, gia đình là một tế bào xã hội có tính sinh sản với đầy đủ các yếu tố cấu thành của nó như vợ – chồng – con cái.

Chính vì thế, người Việt Nam nói chung thừa nhận câu định nghĩa sau về gia đình: Gia đình là một tổ chức đặc biệt trong xã hội bao gồm các thành viên có mối quan hệ hôn nhân, huyết thống và những mối quan hệ đặc biệt khác được pháp luật hoặc cộng đồng công nhận, gắn bó với nhau bằng tình thương và trách nhiệm trong suốt cả cuộc đời, thực hiện chức năng thiêng liêng duy trì và phát triển nòi giống”.

Hiểu như trên, gia đình là tế bào căn bản của xã hội, của quốc gia. Có người cho rằng, quan điểm này chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho Giáo. Thực vậy, Nho Giáo căn cứ vào gia đình để hình dung thế giới: gia đình êm ấm, xã hội lý tưởng.

Minh Anh, trên Tạp Chí Triết Học số 10, năm 2005, cho rằng “gia đình có vị trí quan trọng trong sự ổn định của xã hội. Vì vậy, những hành vi ứng xử và giao tiếp của mỗi thành viên trong gia đình được Nho giáo quy định chặt chẽ, phụ thuộc vào danh phận mỗi người. Những quy định này, nếu loại bỏ những yếu tố bảo thủ, mất dân chủ thì cho đến nay, vẫn còn có giá trị”.

Nho Giáo cho rằng “đã là gia đình thì phải có vợ – chồng, cha – con, anh – em. Trong gia đình thì vợ – chồng phải hòa thuận, phu xướng thì vợ phải tuỳ; là cha – con thì cha phải hiền từ biết thương yêu và nuôi dạy con cái, biết làm gương cho con cái học tập. Ngược lại, phận làm con phải biết ghi nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, biết hiếu thuận với cha mẹ. Đã là anh em thì phải biết đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau; là anh chị thì phải biết nhường nhịn, thương yêu; là em thì phải biết nghe lời và lễ phép với anh chị”.

Nho giáo cho rằng, “gia đình chính là một cái nước nhỏ. Vì thế, nếu ‘một nhà nhân hậu thì cả nước nhân hậu. Một nhà lễ nhượng thì cả nước ăn ở đều có lễ nhượng. Một người tham lam thì cả nước bị rối loạn’ (Đại học, chương 9). Do đó, một xã hội muốn thanh bình thì trước hết cần phải có những gia đình hoà thuận. Gia đình hoà thuận là gia đình mà mọi thành viên luôn quan tâm đến nhau, chăm lo cho nhau. Trong gia đình đó, vợ chồng sống hoà thuận thương yêu nhau, cùng nhau chăm lo nuôi dưỡng dạy dỗ con cái nên người. Cha mẹ phải luôn giữ gìn lời ăn tiếng nói cũng như tác phong làm việc của mình để làm tấm gương cho con cái noi theo. Ngược lại, con cái phải luôn hiếu kính với ông bà, cha mẹ; biết phụng dưỡng chăm sóc ông bà, cha mẹ; biết làm cho ông bà, cha mẹ được rạng rỡ và không làm việc gì khiến cho ông bà, cha mẹ phải tủi hổ với hàng xóm láng giềng. Một gia đình hoà thuận còn là một gia đình mà anh em biết bảo ban nhau cùng tiến bộ, biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau; biết em ngã thì chị nâng”.

Đã đành lý tưởng gia đình của Nho Giáo không tránh khỏi một số thiếu sót khi quá nhấn mạnh tới khía cạnh tôn ti trật tự và nghĩa vụ sinh sản con cái, khiến tạo ra tác phong “phu xướng phụ tuỳ” và nếu người vợ không có con thì một là bị bỏ hai là phải cưới vợ lẽ cho chồng để có người nối dõi tông đường. Tuy nhiên, trên thực tế, cả hai điều này nay đều không còn nữa. Nhưng các yếu tố tích cực của Nho Giáo thì vẫn còn đó. Và đây là một vốn liếng vô cùng giá trị cho tất cả mọi người Việt Nam chúng ta. Vốn liếng này hoàn toàn phản ảnh các giá trị Kitô Giáo.

Thực vậy, Công Đồng Vatican II đã tóm tắt tất cả các điều trên trong đoạn 11 của hiến chế về Giáo Hội, Gaudium et Spes, “Do sự kết hợp vợ chồng mà gia đình được hình thành, từ đó sinh ra những công dân của xã hội loài người; những con người ấy nhờ ơn của Thánh Thần được trở nên con cái của Chúa qua bí tích rửa tội ngõ hầu bành trướng Dân Chúa trải qua dòng thời gian. Ở trong gia đình, tựa như trong một Giáo hội gia thất (velut Ecclesia domestica), cha mẹ phải là những người tiên phong rao giảng đức tin, bằng lời nói cũng như bằng gương lành; cha mẹ cần phải cổ võ ơn gọi riêng của mỗi người con, đặc biệt là ơn gọi tận hiến”.

Yếu tố nam nữ để sinh ra con cái đã được nhấn mạnh ngay từ đầu. Mối liên hệ giữa các chủ thể này được tóm gọn trong hình ảnh “giáo hội tại gia”. Ngoài ý nghĩa một tế bào của Giáo Hội, nơi giúp cho Giáo hội được tăng trưởng và cũng là nơi hình thành Giáo hội qua việc rao truyền đức tin, giáo hội tại gia còn nhắc ta nhớ tới “thần học gia đình” của các giáo phụ, khi các vị không ngừng khuyên nhủ các đôi bạn hãy tiếp tục cố gắng duy trì nhà mình, nghĩa là gia đình thành một “Giáo hội”, bởi vì gia đình là… nơi thể hiện tình yêu của đức Kitô đối với Hội thánh, nơi biểu hiện tình yêu thông hiệp giữa ba ngôi Thiên Chúa, nơi mà đức Kitô hiện diện khi có hai ba người ý hợp tâm đồng, nơi mà các thành viên thực thi bác ái không những giữa các phần tử trong nhà mà còn mở rộng tới đối với người ngoài nữa.

Theo linh mục Giuse Phan Tấn Thành, O.P., Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh tới các điểm trên trong bài giảng với các gia đình hành hương đến từ 75 quốc gia trên thế giới; một sự kiện trong khuôn khổ năm Thánh Đức Tin. Trước 150 ngàn tín hữu hôm đó, Đức Thánh Cha nói rằng: “Niềm vui chân thực mà ta nếm hưởng trong gia đình không phải là một cái gì hời hợt, không đến từ sự vật, từ những hoàn cảnh thuận tiện. Niềm vui chân thực đến từ một sự hoà hợp sâu xa giữa con người, mà mọi người đều cảm thấy trong tâm hồn, nâng đỡ nhau trên con đường đời. Nhưng ở căn cội tâm tình vui mừng sâu xa ấy có sự hiện diện của Thiên Chúa trong gia đình, có tình thương đón tiếp, của Ngài, tình yêu từ bi, tôn trọng mọi người. Và nhất là một tình yêu kiên nhẫn: kiên nhẫn là một đức tính của Thiên Chúa và Chúa dạy rằng trong gia đình phải có tình yêu kiên nhẫn như thế, mỗi người đối với nhau. Chỉ mình Thiên Chúa biết kiến tạo sự hoà hợp giữa những khác biệt. Nếu thiếu tình thương của Thiên Chúa, thì cả gia đình cũng mất đi sự hoà hợp, và thái độ duy cá nhân chủ nghĩa sẽ trổi vượt, và niềm vui bị tắt lịm. Trái lại, gia đình nào sống niềm vui đức tin thì tự nhiên cũng thông truyền, là muối đất và là ánh sáng thế gian, là men cho xã hội”.

Thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2013 cũng nhắc nhở ý nghĩa của gia đình như giáo hội tại gia, khi nhấn mạnh rằng gia đình là cộng đoàn yêu thương bằng tình yêu hợp nhất thủy chung; và gia đình là cộng đoàn phục vụ sự sống…

Khía cạnh sống chung, tuy mặc nhiên đã được bao hàm trong hạn từ “kết hợp” và cả trong hạn từ “giáo hội tại gia”, nhưng vẫn đã được minh nhiên hoá trong một thuật ngữ khác của Bộ Giáo Luật năm 1983. Thực thế, Bộ Luật này đã không dùng các kiểu nói cổ điển như communio vitae, coniunctio vitae, mà chọn kiểu nói consortium vitae (GL đ. 1055 §1; 1096 §1; 1098; 1135).

Theo nguyên ngữ, “consortium” (con + sors) có nghĩa là chia sẻ một số phận, do đó có thể bao gồm một nội dung rất phong phú. Nói rằng hôn nhân là “consortium vitae” có nghĩa là một cộng đồng năng động với quyền lợi và nghĩa vụ hỗ tương giữa vợ chồng. Nó bao gồm: a) việc hai người chung sống với nhau, đùm bọc che chở nhau (communio vitae, mutuum adiutorium); b) việc thông hiệp với nhau cả hồn (yêu thương) cả xác (sự giao hợp hướng tới sự truyền sinh) một cách trường tồn và độc hữu.

Theo Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc (Mầu Nhiệm Ba Ngôi, Nền Tảng Của Thần Học Về Gia Đình, tgpsaigon.net), Đức Gioan Phaolô II, với bức tâm thư gửi các gia đình năm 1994, đã đào sâu hơn nền thần học gia đình khi sử dụng hạn từ hiệp thông để nói lên mối tương quan giữa các thành viên trong gia đình: “gia đình được coi như cộng đồng những ngôi vị kết hiệp với nhau trong tình yêu (Hiệp Thông các ngôi vị). Cách hiện hữu và cách sống chung của những người trong gia đình là hiệp thông, quy chiếu về khuôn mẫu “chúng ta Thần Linh”. Chỉ các ngôi vị mới có thể sống hiệp thông… Sự hiệp thông đôi bạn làm nảy sinh cộng đồng gia đình. Chính vì thế, cộng đồng này phải thấm nhuần tình yêu hiệp thông”.

Như thế, đủ hiểu ta có thể phong phú hoá nền mục vụ gia đình của ta bằng cách thánh hoá và hội nhập một số yếu tố tích cực trong quan niệm mở rộng của truyền thống gia đình Việt Nam.

Thiển nghĩ, một trong các yếu tố đó là tinh thần gia tộc. Thực vậy, truyền thống gia đình Việt Nam coi trọng tinh thần gia tộc này, chứ không chỉ thu mình vào ý niệm gia đình hạt nhân như ở Tây Phương. Đã đành các yếu tố kinh tế xã hội hiện nay mỗi ngày mỗi ảnh hưởng xấu tới tinh thần này, nhưng nó vẫn được đại đa số các gia đình Việt Nam coi như một gia tài qúy giá nói lên tình liên đới giữa những người cùng sinh ra từ một ông tổ, gần nhất, là từ một ông bà: “Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì’; “nó lú chú nó khôn”…

Một yếu tố tích cực khác cần được hội nhập và thánh hoá là sự nối kết chặt chẽ giữa các thế hệ trong gia đình, khiến các thế hệ này luôn nghĩ tới nhau, khích lệ nhau, thậm chí còn quên mình hy sinh cho nhau. “Đời cha ăn mặn đời con khát nước”; “cây xanh thì lá cũng xanh, cha mẹ hiền lành để đức cho con”…Cụ Đào Duy Anh, trong Việt Nam Văn Hoá Sử Cương, cho rằng “Người Việt Nam có cái kiến giải tầm thường và chắc chắn hơn, chỉ trông cậy vào con cháu để lưu truyền nòi giống và tiếp nối sự nghiệp của tổ tiên. Người ta đã có quan niệm ấy thì sở dĩ làm điều thiện ở đời, sở dĩ có lúc hy sinh, không phải cốt cầu vinh nhục, cũng không mong giải thoát khỏi vòng luân hồi, mà chỉ cốt lưu chút phúc ấm cho con cháu đời sau. Người có lòng ác cũng không sợ ngày thẩm phán cuối cùng hoặc ở hình phạt địa ngục mà chỉ sợ con cháu bị ác báo mà thôi”.

Ai cũng biết, Nho Giáo đã gần như “thần tượng hoá” cha mẹ khi các ngài đã qua đời và những vị “thần” này, với quyền phù hộ mạnh mẽ, vẫn quanh quẩn bên con cháu trong mọi bước đường đời của chúng. Cốt lõi của triết lý này tức mối liên kết giữa mọi thành phần của gia đình, cả sống lẫn chết, thiển nghĩ không xa lạ gì với mầu nhiệm hiệp thông các thánh của người Công Giáo.

2. Kinh Thánh dạy gì về gia đình?

Trở lại với Kinh Thánh, ta tự hỏi Bộ Sách Thánh này đã nói gì về Gia đình? Ý niệm gia đình là một ý niệm cực kỳ quan trọng trong Kinh Thánh, cả trong ý nghĩa thể lý lẫn trong ý nghĩa thần học. Ý niệm này được dẫn khởi ngay từ thuở ban đầu, như đã nói ở trên, trong Sách Sáng Thế (1:28): Kế hoạch tạo dựng của Thiên Chúa muốn người đàn ông và người đàn bà kết hôn với nhau và sinh sản con cái. Họ trở nên một thân xác qua hôn nhân (St 2:24) và cùng với con cái, họ trở nên một gia đình, viên đá chủ yếu xây dựng nên xã hội con người.

Cũng ngay từ thuở ban đầu, các thành viên của gia đình phải trông coi và chăm sóc lẫn nhau. Chính vì thế, Thiên Chúa đã hỏi Cain: “em trai Aben của ngươi đâu? ”. Câu hỏi ngược lại của Cain “Tôi là kẻ giữ em trai tôi ư? ” hàm nghĩa: đúng, ngươi là kẻ trông coi, chăm sóc em trai ngươi và ngược lại em trai ngươi là kẻ trông coi, chăm sóc ngươi! Tội giết Aben của Cain không những chống lại nhân loại nói chung, mà hết sức tồi tệ ngay trong yếu tính vì đây là tội giết em đầu tiên được ghi chép.

Kinh Thánh có một cảm thức cộng đoàn về người ta và gia đình hơn nền văn hoá Tây Phương hiện nay, một nền văn hoá, trong đó, các công dân bị cá nhân hoá nhiều hơn người ở Trung Đông và dứt khoát nhiều hơn người thuộc Cận Đông xưa. Khi Thiên Chúa cứu Nôê khỏi nạn hồng thủy, thì đó không phải là trường hợp cứu vớt cá nhân, mà là cứu vớt ông, vợ ông, các con trai và con dâu ông. Nói cách khác, cả gia đình ông được cứu thoát (St 6:18). Khi Thiên Chúa kêu gọi Ápraham ra khỏi Haran, Người kêu gọi ông và gia đình ông (St 12:4-5). Dấu chỉ của giao ước Ápraham (cắt da qui đầu) phải được áp dụng cho mọi người nam trong gia hộ, bất kể là con cái của gia hộ hay gia nhân của gia hộ (St 17:12-13). Nói cách khác, giao ước của Thiên Chúa với Ápraham có tính gia đình, không phải cá nhân.

Sự quan trọng của gia đình được chứng tỏ trong các điều khoản của giao ước Môsê. Thí dụ, hai trong mười Giới Răn đề cập tới việc duy trì sự gắn bó của gia đình. Giới răn thứ tư về việc thảo kính cha mẹ là nhằm duy trì quyền bính của cha mẹ trong các vụ việc của gia đình; còn giới răn thứ sáu cấm ngoại tình là để bảo vệ tính thánh thiêng của hôn nhân. Từ hai giới răn này phát sinh mọi qui định khác trong Luật Môsê nhằm bảo vệ hôn nhân và gia đình. Sự lành mạnh của gia đình quan trọng đối với Thiên Chúa đến nỗi đã được hệ thống hoá thành giao ước quốc gia của Israel.

Và không riêng gì Cựu Ước. Tân Ước cũng đưa ra nhiều giới răn và điều nghiêm cấm tương tự. Chúa Giêsu nói tới sự thánh thiêng của hôn nhân và chống lại ly dị bừa bãi trong Tin Mừng Mátthêu chương 19. Thánh Tông Đồ Phaolô nói tới việc các gia đình Kitô hữu phải như thế nào khi ngài đưa ra giới răn song sinh sau đây: “hỡi con cái, hãy vâng lời cha mẹ” và “hỡi cha mẹ, đừng khiêu khích con cái” trong hai thư Êphêsô 6:1-4 và Côlôsê 3:20-21. Mặt khác, trong Sách Tông Đồ Công Vụ, ta còn thấy nhiều ý niệm tương tự như thế liên quan tới tầm quan trọng của gia đình trong diễn trình cứu rỗi, như trong hai dịp khác nhau trong hành trình truyền giáo thứ hai của Thánh Phaolô, trọn các gia hộ đều được rửa tội khi một cá nhân trở lại đạo (Cv 16:11-15, 16:31-33). Thành thử, giống như dấu chỉ của của giao ước cũ là phép cắt da qui đầu đã áp dụng cho cả gia đình như thế nào thì dấu chỉ của giao ước mới là phép rửa tội cũng áp dụng cho cả gia đình như thế.

Ta có thể rút ra kết luận này: khi Thiên Chúa cứu một cá nhân, Người cũng muốn cứu cả gia đình họ. Trong thư thứ nhất gửi Tín Hữu Côrintô, chương 7, ta còn thấy người phối ngẫu không tin được thánh hoá nhờ người phối ngẫu có đức tin.

Xét theo viễn tượng giao ước, tư cách thành viên trong một cộng đoàn giao ước có tính cộng đồng hơn là cá nhân. Trong trường hợp Lydia và viên cai ngục ở Philiphê, cả gai đình/gia hộ họ đề được rửa tội và trở nên thành phần của cộng đồng giáo hội.

Người Thệ Phản, vì quá cứng ngắc trong nguyên tắc sola fides (chỉ có đức tin mới cứu rỗi ta, chứ không phải phép rửa), nên đã cho rằng dù các thành viên kia của gia đình không nhất thiết được cứu rỗi, nhưng họ đã trở nên thành phần của cộng đồng Kitô hữu. Phép rửa không phá vỡ gia đình họ. Họ cho rằng ơn cứu rỗi có thể gây nên căng thẳng trong gia đình, nhưng ý định của Thiên Chúa là không vì nó mà phá vỡ các gia đình. Lydia và viên cai ngục không được lệnh phải tách khỏi gia đình không có đức tin của họ; thay vào đó, dấu hiệu của giao ước (phép rửa) được áp dụng cho mọi thành viên của gia đình. Gia đình được thánh hoá và mời gọi gia nhập cộng đồng tín hữu.

Về phương diện thần học, Chúa Giêsu đã áp dụng ý niệm gia đình thể lý vào ý niệm gia đình thiêng liêng. Tin Mừng Mátthêu thuật lại có lần, khi Chúa Giêsu đang nói với đám đông, thì mẹ và “anh em” của Người xuất hiện ở bên ngoài, muốn nói chuyện với Người. Có người vào thưa “Mẹ và anh em của ngài đang đứng ở bên ngoài, muốn nói chuyện với ngài”, Người trả lời: “ai là mẹ tôi, và ai là anh em tôi? ”. Rồi chỉ vào các môn đệ, Người nói: “đây là mẹ tôi và anh em tôi. Vì bất cứ ai thi hành ý Cha tôi ở trên trời đều là anh chị em và mẹ tôi” (Mt 12:46-50).

Điều chắc chắn là Chúa Giêsu không chối bỏ gia đình của Người, gia đình mà Người từng sống và vun sới tới tận năm 30 tuổi. Điều Người muốn nói ở đây là trong Nước Trời, dây nối kết gia đình quan trọng nhất là dây nối kết thiêng liêng (thực hành thánh ý Thiên Chúa) chứ không phải dây nối kết thể lý. Điều này càng minh nhiên hơn với Tin Mừng Gioan, khi Thánh Sử viết rằng: “Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con cái Thiên Chúa. Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa” (Ga 1:12-13).

Sự song hành rất rõ ở đây. Khi chúng ta sinh ra về phần xác, chúng ta sinh vào một gia đình thể lý, nhưng khi “tái sinh”, chúng ta sinh vào một gia đình thiêng liêng. Nói theo Thánh Phaolô, chúng ta được nhận vào gia đình Thiên Chúa (Rm 8:15). Khi chúng ta được nhận vào gia đình thiêng liêng của Thiên Chúa, tức Giáo Hội, Thiên Chúa trở thành Cha chúng ta và Chúa Giêsu là anh của chúng ta. Gia đình thiêng liêng này không bị giới hạn bởi sắc tộc, phái tính và hay địa vị xã hội. Như Thánh Phaolô vốn nói, “Thật vậy, nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô. Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô. Mà nếu anh em thuộc về Đức Kitô, thì anh em là dòng dõi ông Ápraham, những người thừa kế theo lời hứa” (Gl 3:26-29).

Gia đình thiêng liêng trên gồm các thành viên “từ mọi quốc gia, bộ lạc, sắc dân và ngôn ngữ” (Kh 7:9) và đặc điểm của gia đình này là yêu thương nhau: “Thầy ban cho chúng con một giới răn mới: các con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, các con cũng phải yêu thương nhau. Nhờ việc yêu thương này, mọi người sẽ biết các con là môn đệ của Thầy, nếu các con yêu thương nhau” (Ga 13:34-35).

3. Thế nào là một gia đình Kitô hữu tốt?

Đơn vị gia đình căn bản trong Kinh Thánh bao gồm một người đàn ông, một người đàn bà (vợ ông ta) và con cái do họ sinh ra hay nhận nuôi. Và gia đình mở rộng có thể bao gồm thân nhân máu mủ hay do hôn nhân đem tới như ông bà, cháu gái, cháu trai, anh em họ, cô dì, chú bác. Một trong các nguyên tắc hàng đầu của đơn vị gia đình là nó xây dựng trên một cam kết suốt đời do Thiên Chúa sắp xếp. Người chồng và người vợ có trách nhiệm giữ cho đơn vị này lại với nhau, bất chấp thái độ hiện thời của nền văn hóa Tây Phương. Mặc dù ly dị là chuyện thông thường trong xã hội hiện nay, nhưng Kinh Thánh dạy rằng Thiên Chúa ghét ly dị (Mlk 2:16).

Thánh Phaolô, trong thư gửi tín hữu Êphêsô đã cung cấp cho các thành phần trong gia đình Kitô hữu các chỉ dẫn sau đây:

Người chồng phải yêu thương người vợ như Chúa Kitô yêu thương Giáo Hội: “Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh” (Ep 5:25); còn người vợ thì nên tôn trọng chồng và sẵn lòng vâng theo sự lãnh đạo của chồng trong gia đình (Ep 5: 22-24). Tuy nhiên, việc chồng Yêu vợ không tùy thuộc điều kiện vợ phải phục tùng mình. Ông phải yêu vợ bất cứ nàng có tùng phục hay không. Điều hợp lý là nàng sẽ tùng phục ông nếu ông yêu nàng như lời khuyên.

Vai trò lãnh đạo của người chồng bắt đầu bằng liên hệ thiêng liêng của ông với Thiên Chúa và từ đó tràn qua việc dạy dỗ vợ con các giá trị của Kinh Thánh, hướng dẫn gia đình vào chân lý của Sách Thánh. Các người cha được khuyên dạy phải dưỡng dục con cái bằng phương cách “huấn luyện và giáo huấn của Chúa” (Ep 6:4). Người cha cũng phải chu cấp cho gia đình. Vì “Ai không chăm sóc người thân, nhất là người sống trong cùng một nhà, thì đã chối bỏ đức tin, và còn tệ hơn người không có đức tin” (1Tm 5:8).

Như thế, người nào không cố gắng chu cấp cho gia đình, người ấy không thể gọi mình là một Kitô hữu được. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa người vợ không nên giúp một tay vào việc cấp dưỡng gia đình. Sách Châm Ngôn chương 31 cho thấy rõ điều này. Tuy nhiên cấp dưỡng cho gia đình là trách nhiệm hàng đầu của người chồng.

Người đàn bà được ban cho người đàn ông làm trợ thủ (St 2:18-20) và sinh con cái. Người chồng và người vợ trong cuộc hôn nhân Kitô Giáo phải trung thành với nhau suốt đời. Thiên Chúa công bố sự bình đẳng về giá trị khi khẳng định rằng cả người đàn ông và người đàn bà đều đã được dựng nên theo hình ảnh của Người và do đó, có giá trị bằng nhau dưới mắt Người. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa đàn ông và đàn bà có các vai trò y hệt nhau trong đời. Người đàn bà khôn khéo hơn trong việc nuôi nấng và săn sóc con cái, trong khi người đàn ông được trang bị nhiều hơn để chu cấp và bảo vệ gia đình. Như thế, họ bình đẳng về địa vị, nhưng mỗi người có vai trò khác nhau trong gia đình Kitô hữu.

Trong gia đình Kitô hữu, con cái có hai trách nhiệm hàng đầu: vâng lời cha mẹ và tôn kính các ngài (Ep 6:1-3). Vâng lời cha mẹ là bổn phận của con cái cho tới khi đến tuổi trưởng thành, nhưng tôn kính cha mẹ là trách nhiệm suốt đời của chúng. Thiên Chúa hứa ban nhiều phúc lành cho những ai tôn kính cha mẹ.

Tưởng cũng nên nhấn mạnh rằng: lý tưởng gia đình ra sa sút sau khi con người sa ngã. Từ đó, mà có những tệ nạn như đa hôn, ly dị, ngoại tình, đồng tính luyến ái, vô sinh (sterility) và lẫn lộn về vai trò giới tính. Dù các tiên tri liên tiếp mời gọi con người trở lại với lý tưởng nguyên thủy của hôn nhân và gia đình, nhưng phải đợi đến lúc Chúa Giêsu xuất hiện, việc phục hồi ấy mới dứt khoát được nhấn mạnh.

4. Cuộc tranh cãi về “gia đình”

Nhân có những mưu toan muốn định nghĩa lại gia đình, năm 2010, trên tạp chí Christian Research Journal, Joe Dallas, giám đốc chương trình Genesis Counselling ở Tustin, California, một dịch vụ tư vấn Kitô giáo cho những người đàn ông đối phó với chứng nghiện tình dục, đồng tính luyến ái và các vấn đề liên quan đến tình dục / quan hệ khác, có bài viết tựa là “The ‘family’ quarrel” (https://www.equip.org/article/the-family-quarrel/), chúng tôi cho chuyển sang tiếng Việt sau đây:

Dẫn nhập

Định nghĩa về gia đình đã trở thành một trong những học lý gây tranh cãi nhất của Kitô giáo. Trong thời kỳ quốc tế đang duyệt lại vai trò hôn nhân và gia đình, việc chấp nhận rộng rãi lối sống thử (cohabitation) và tỷ lệ ly dị cao, các tín hữu bày tỏ sự không chắc chắn về điều gì cấu thành hoặc không cấu thành một gia đình, sự do dự về tầm quan trọng của khái niệm gia đình, hoặc việc không sẵn sàng nhìn nhận và tôn trọng khái niệm đó trong cuộc sống của họ. Một sự hàm hồ nói chung dường như đang gia tăng, trong cả Giáo Hội lẫn nền văn hóa, liên quan đến ý nghĩa và tầm quan trọng của gia đình. Thêm vào sự hàm hồ này là cuộc tranh cãi được khuấy động lên bất cứ khi nào một định nghĩa khách quan về gia đình và hôn nhân được tán dương. Vì chúng ta không thể duy trì một quan điểm chuyên biệt mà không phủ nhận trực tiếp hoặc gián tiếp các quan điểm khác, nên chúng ta chỉ còn biết xem xét liệu có nên giữ quan điểm của mình cho chính mình hay bày tỏ chúng với hy vọng có được một đối thoại hữu ích. Nhưng tham gia vào cuộc đối thoại liên quan đến gia đình như vậy có nguy cơ bị xem là một hành động phán xét, loại trừ hoặc thậm chí cuồng tín. Ba câu hỏi chính được đặt ra. Đầu tiên, Kinh thánh có đề ra một định nghĩa súc tích về gia đình không? Thứ hai, định nghĩa đó có quan trọng như một vấn đề tín lý / luân lý trong Giáo Hội không? Và cuối cùng, chúng ta có được kêu gọi cổ vũ và bảo vệ định nghĩa đó bên ngoài Giáo Hội không? Dù câu trả lời cho cả ba câu hỏi dường như rõ ràng là “có”, chúng ta vẫn gặp khó khăn trong việc thực hiện một sự minh xác rõ ràng hơn trong Giáo Hội và một sự táo bạo hữu lý hơn khi ngỏ lời với văn hóa.

Điều lạ là nếu các tín lý Tin Mừng có lúc xem ra bị đánh bại trong cuộc thảo luận, thì chúng luôn chiến thắng trong các kết quả (Charles Spurgeon)

Trong bộ phim năm 1993, Mrs Doubtfire, Robin Williams, cải trang thành một bà già giúp việc nhà, đã ngỏ lời an ủi cô gái nhỏ đang lo sợ vụ ly dị của cha mẹ sẽ kết liễu gia đình em như sau: “Katie ạ, có đủ loại gia đình khác nhau. Một số gia đình có một mẹ, một số gia đình có một bố hoặc hai gia đình. Một số trẻ sống với chú hoặc dì của chúng. Một số sống với ông bà, và một số sống với cha mẹ nuôi. Một số sống trong những căn nhà và khu phố riêng biệt ở các khu vực khác nhau của đất nước. Chúng có thể không gặp nhau trong nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm, vào một lúc nào đó. Nhưng, cháu ạ, nếu có tình yêu, đó là những mối liên hệ ràng buộc. Và cháu sẽ có một gia đình trong trái tim mãi mãi” (1). Đó là một tâm tư chung, ngày càng phổ biến và nghe rất nhân hậu – chính tình yêu tạo nên một gia đình, vì vậy những người bạn yêu thương có thể tạo nên đơn vị gia đình của bạn, một đơn vị gia đình chủ yếu được quyết định bởi cảm xúc, ít bởi máu mủ và hầu như không (nếu không phải là không hề) bởi giới tính hoặc chức năng đã được xác định một cách khách quan. Ở đây, câu nói thường được trích dẫn hai trăm năm nay của nhà thơ người Đức Johann Schiller, “Không phải máu thịt mà là trái tim biến chúng ta thành những người cha và những đứa con” (2) tìm được sinh khí mới trong các cố gắng hiện đại song hành như chiến dịch bằng hình của Gigi Kaeser vận động cho quyền làm cha làm mẹ của người đồng tính tựa là Tình Yêu Làm Nên một Gia đình (3) và lời bài hát của tác giả / nhạc sĩ Carol Lynn Pearson, “Nhưng đó không phải là điều khiến chúng ta muốn hát / Một gia đình không phải chỉ có thế. / Và đây là điều tôi đang nghĩ đến / Một gia đình thực sự là một gia đình khi nó có tình yêu” (4).

Dù quan điểm này đúng khi ca ngợi tính gắn kết được cảm nhận lúc tình yêu được chia sẻ giữa các đối tác hoặc các thành viên của một nhóm, nó vẫn có vấn đề đối với các tín hữu, những người vốn duy trì khái niệm Do Thái – Kitô Giáo truyền thống về gia đình, một khái niệm được xác định bởi các yếu tố khách quan như máu mủ, giới tính và / hoặc các vai trò đã được quy định rõ ràng.

Dù sao, nếu tình yêu tạo nên một gia đình, thì chúng ta phải làm gì với câu định nghĩa truyền thống về hôn nhân, vốn đơn hôn và có hình thức nam-nữ? Đối với vấn đề này, tại sao còn bận tâm với định chế? Nếu tình yêu, hơn là hôn phối, đặt nền tảng cho gia đình, thì giấy phép có liên quan gì đến nó? Cũng thế đối với các vai trò được cho là độc nhất mà các người cha và người mẹ vốn đóng trong việc dưỡng dục con cái, bởi vì nếu tình yêu bình phương với gia đình, thì con cái cũng được nuôi dưỡng một cách hữu hiệu bởi những người không có họ hàng, họ hàng xa hoặc người lạ, miễn là chúng được yêu thương. Vì vậy, nếu tình yêu là trọng tài cuối cùng, liệu sự hiểu biết hiện thời của chúng ta về gia đình có nên được duy trì, hay phải được sửa đổi để xua theo thời đại, hoặc bị loại bỏ hoàn toàn?

Khi mơ hồ trở thành thời thượng

Các căng thẳng gia tăng bất cứ khi nào giá trị của một định nghĩa khách quan (và độc quyền) được so sánh với một định nghĩa có tính bao gồm nhiều hơn, chủ quan nhiều hơn. Nói rằng “chỉ có một đường duy nhất” xem ra có vẻ gây chia rẽ, trong khi đó, nếu nói một cách quân bình hơn như, “bất cứ điều gì có vẻ đúng cho bạn thì đều O.K” rõ ràng đáng chấp nhận hơn. Trong lối nói chuyện lịch sự, pha phôi đôi chút chủ quan tính là điều tự nhiên, nhưng nên tránh, khi có thể, những khó chịu xã hội phát sinh khi một chủ trương bất khoan nhượng được đưa ra. Nhưng chủ đề càng quan yếu, nhiệm vụ bảo vệ sự thật chuyên nhất (exclusive) khách quan càng phải rõ ràng hơn. Ở đây, các lập luận về việc định nghĩa gia đình rất giống với những cuộc tranh luận hiện đại liên quan đến khái niệm chuyên nhất so với khái niệm bao gồm (inclusive) về Thiên Chúa. “Tôi không phải người tôn giáo; tôi là người tâm linh”, nhiều người ngày nay khẳng định như thế; họ cho rằng có nhiều con đường dẫn đến Thiên Chúa và nhiều cách để quan niệm về Người / Bà / Nó. Về điểm này, Kitô hữu khó có thể đồng ý, vì nhớ rằng chính Chúa Giêsu từng nói, “Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14: 6), vì vậy, hiện nay, các tín hữu đang đối diện với thách thức cổ vũ một định nghĩa khách quan và chuyên nhất về Thiên Chúa và ơn cứu rỗi trong một thời kỳ khi chủ quan tính liên quan đến cả hai đang là một thời trang. Một thách thức tương tự cũng được đặt ra khi người ta đòi duyệt lại gia đình. Khi “tình yêu tạo nên một gia đình” được lập luận, chúng ta khó có thể đồng ý, vì nhớ rõ gia đình đã được định nghĩa chính xác ra sao trong Kinh thánh, khiến chúng ta bị thách thức phải cổ vũ một định nghĩa khách quan, chuyên nhất về hôn nhân và gia đình khi tính chủ quan liên quan đến cả hai trở thành thời thượng. Bất kể các căng thẳng xã hội, đây là một chủ đề mà chúng ta không thể để mình rụt rè. Các hệ luận đối với việc dưỡng dục con cái và ổn định văn hoá quả rất nhiều, rủi ro kể là rất lớn. Một quan niệm về gia đình được cùng nhau thoả thuận sẽ xác định cách tiếp cận của quốc gia chúng ta đối với hôn nhân đồng tính, đa thê, các cặp vợ chồng sống với nhau ngoài hôn nhân, chuyển đổi giới tính, nhận con nuôi, bảo hộ con cái và ly dị.

Nói tóm lại, cuộc tranh cãi về “gia đình, tức cuộc tranh luận văn hóa về việc phải định nghĩa và bảo tồn nó ra sao, không còn là một vấn đề nhỏ nữa, mà đòi phải có một đáp ứng Kitô giáo rõ ràng và hợp lý. Ba câu hỏi chính vì thế được nêu lên ở đây: Kinh thánh có đề ra một định nghĩa súc tích về gia đình không? Định nghĩa này có quan trọng như một vấn đề tín lý / luân lý trong Giáo Hội không? Chúng ta có được kêu gọi cổ vũ và bảo vệ định nghĩa này ở bên ngoài Giáo Hội không?

Gia đình là một khái niệm

Để trả lời câu hỏi đầu tiên, chúng ta sẽ bắt đầu bằng cách lưu ý rằng một cái nhìn tích cực về Kinh thánh đem lại một cái nhìn tích cực về gia đình. Hai phần của điều này rất đáng lưu ý: gia đình được định nghĩa và những vinh dự được dành cho nó ra sao trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Định nghĩa về gia đình phát sinh từ điều tiêu cực đầu tiên được Thiên Chúa dùng để nói về con người: họ vốn dĩ chưa hoàn thiện; điều này cho thấy họ được thiết kế để hùn hạp, cảm thông và sinh sản (St 1: 18-23). Mối liên hệ của họ với Thiên Chúa và môi trường xung quanh là nguyên vẹn, nhưng theo thiết kế của chính Thiên Chúa, Ađam đã được thiết định cho nhiều điều hơn thế nữa. Sự kết hợp của ông với Evà trở nên điều nhiều hơn đó, vì vậy điểm thoạt đầu chúng ta có thể đưa ra khi định nghĩa gia đình là nó được thai nghén trong việc Thiên Chúa đáp ứng nhu cầu con người. Nhận xét thứ hai liên quan đến hôn nhân, từ đó cuộc sống gia đình nảy sinh, và thiết kế ba yếu tố ban đầu của nó: dị tính luyến ái, đơn hôn, và được xây dựng để tồn tại vĩnh viễn, như đã được chi tiết hóa trong sách Sáng thế và được Chúa Kitô tái xác nhận (St 2:24; Mc 10: 6-9 ). Về yếu tố dị tính luyến ái trong thiết kế này (hiện đang là vấn đề gây tranh cãi nhất trong ba vấn đề), C. S. Lewis nhận xét:

“Khái niệm Kitô giáo về hôn nhân dựa trên lời lẽ của Chúa Kitô, Đấng phán rằng người đàn ông và vợ sẽ được coi như một sinh vật duy nhất – Người không phát biểu một tình cảm mà tuyên bố một sự kiện, giống như người ta quả quyết một sự kiện khi họ nói rằng chiếc khoá và chiếc chìa khoá của nó là một cơ chế, hoặc chiếc đàn viôlông và cung kéo nó là một nhạc cụ. Đấng phát minh ra cỗ máy nhân bản nói với chúng ta rằng hai nửa của nó, nam và nữ, được tạo dựng để kết hợp với nhau từng đôi, không những chỉ trên bình diện tình dục, mà là kết hợp hoàn toàn(5)”.

Thiết kế tạo dựng nhấn mạnh rằng hai nửa không nhất thiết tạo nên một tổng thể, và tổng thể như một bổ túc nam-nữ vĩnh viễn và độc quyền tạo nên sự kết hợp hôn nhân. Theo tiêu chuẩn này, một số hành động nhất thiết phải bị coi là bất cập. Đồng tính luyến ái vi phạm thiết kế tương phản giới tính; gian dâm (liên hệ tình dục trước hoặc ngoài hôn nhân) dung túng đặc quyền gợi dục mà không có trách nhiệm giao ước; đa thê và ngoại tình vi phạm mục đích đơn hôn; và ly hôn phá hủy sự kết hợp vĩnh viễn mà hôn nhân có nghĩa vụ phải cung ứng. Kinh thánh rất ít cho phép các sai lệch, và nếu có, những sai lệch này có tiếng là vắn vỏi. Chế độ đa thê được thực hiện bởi một số tổ phụ trong Cựu Ước (chẳng hạn Ápraham, Giacốp, Đavít và Salômôn), nhưng hậu quả nghiêm trọng thường xảy ra sau đó, và trong khi nó được dung thứ trong thời Cựu Ước, sự không hài lòng của Thiên Chúa đã được Chúa Kitô và Thánh Phaolô làm sáng tỏ (Mc 10: 8; 1 Tm 3: 2). Tương tự như vậy, Chúa Giêsu khẳng định rằng ly dị, mặc dù được ban phép theo luật Môsê, là một lựa chọn bi thảm chỉ được xem xét nếu người phối ngẫu phạm tội ngoại tình (Mt 5: 31-32). Thành tố sinh học liên quan đến con cái không cứng ngắc, theo nghĩa việc định nghĩa trong Kinh thánh về gia đình thừa nhận việc nhận con nuôi hoặc làm cha mẹ kế (Môsê trong Xh 1: 15-22; Samuen trong 1 Sm 1, 2: 1-11; và Esther trong Et 2:15). Làm cha mẹ một mình không được khẳng định cũng không bị lên án, vì hoàn cảnh này, nằm ngoài sự kiểm soát của mẹ hoặc của cha, có thể cần phải có. Và dù nó cung cấp ít hơn lý tưởng hai cha mẹ, nó tồn tại trong phạm vi khái niệm gia đình. Điều chắc chắn là, hôn nhân và con cái đều là những điều nhiệm ý (options), không phải là điều bắt buộc (mandates). Không có gì trong Kinh thánh cho thấy mọi người phải kết hôn hoặc, tất cả những người đã kết hôn phải sinh con. Bất cứ con số lý do nào – như khuyết tật thể chất, hoàn cảnh sống hoặc sở thích cá nhân – cũng có thể xác nhận tình trạng độc thân của một người, hoặc tình trạng không có con của một cặp vợ chồng. Nhưng khi xem xét khái niệm trong Kinh thánh về gia đình, chúng ta kết luận rằng hôn nhân bắt buộc phải là đơn hôn và dị tính luyến ái và có ý định kéo dài vĩnh viễn, với việc hạn hữu cho phép chấm dứt nó. Con cái được nuôi dưỡng cách lý tưởng bởi cả cha mẹ ruột, nhưng cũng có thể được nuôi dưỡng bởi một cha hoặc một mẹ, cha mẹ kế hoặc cha mẹ nuôi. Đây là những cơ chế của cuộc sống gia đình được quy định trong sách Sáng thế, Lề Luật, Tin mừng và Các Thư. Các cơ chế này quan trọng đến nỗi việc vi phạm chúng nhẹ nhất cũng bị quở trách một cách sắc cạnh bởi Kinh thánh; mà mạnh nhất, là những hậu quả nghiêm trọng. Luật Do Thái quy định nhiệm vụ giữa các thành viên trong gia đình đã minh nhiên chi tiết hóa các hậu quả này (Đnl các chương 21-23, đối với một trong nhiều điển hình); bỏ bê cha mẹ vốn bị Chúa Kitô lên án (Mc 7:11) và được Thánh Phaolô coi như tội chối bỏ đức tin (1 Tm 5:16); tôn vinh cha mẹ được yêu cầu trong cả hai Giao Ước (Xh. 20:12; Mt15: 4); và khả năng lãnh đạo đúng đắn trong gia hộ được coi là điều kiện tiên quyết để lãnh đạo trong Giáo Hội (1 Tm 3: 4-5). Khó có thể phóng đại tầm quan trọng được Kinh thánh dành cho các liên hệ gia đình. Nhưng vinh dự chung dành cho các liên hệ này cũng rất quan trọng, bởi vì vinh dự này giúp giải thích tầm quan trọng của chủ đề. Gia đình vừa được Thiên Chúa qui định và định nghĩa, đóng ấn tầm quan trọng của nó trong và vì chính nó. Nhưng nó cũng có tầm quan trọng mang tính biểu tượng nữa, vì nó nói lên bản tính của Người và tượng trưng cho mối liên hệ của Người với dân Người. Điều này càng nâng cao gia đình hơn nữa, từ một đơn vị quan yếu và có tính chức năng lên một minh họa thần thiêng. Vô số đoạn văn tiên tri và giáo huấn, chẳng hạn, coi hôn nhân như biểu tượng của sự kết hợp của Thiên Chúa với dân của Người. Cả Israel lẫn Giáo Hội đều hưởng vinh dự được gọi là người hứa hôn, hoặc cô dâu của Người (Is 50: 1; Eph. 5: 23-33; Kh 21: 9). Và trong khi sự kết hợp hôn nhân được coi như liên hệ gia đình thường xuyên nhất tượng trưng cho các nguyên lý thần thiêng, các liên hệ gia đình khác cũng được sử dụng để biểu hiện bản tính và cam kết của Thiên Chúa đối với chúng ta. Liên hệ cha-con được sử dụng khi Chúa Cha được trưng dẫn như người chu cấp nhân từ (Mt 7:11); người chăm sóc biết hết mọi chuyện (Mt 5:32); người trọng kỷ luật (Dt 12: 7-8); và là người cha yêu dấu, đầy cảm thương (Tv 103: 13); trong khi, các đức tính dưỡng dục của một bà mẹ bao hàm sự dịu dàng đầy quan tâm của Thiên Chúa (Is 49:15). Hiểu gia đình là hiểu rõ hơn về Thiên Chúa; thật vậy, Chúa Giêsu dường như đã ngụ ý điều này khi Người tận dụng tình phụ tử trần gian để gia tăng cái hiểu của thính giả Người về Cha trên trời của Người (Mt 7: 7-11). Như thế, rõ ràng có một định nghĩa rõ ràng và khách quan về gia đình, mà Kinh Thánh coi là quan trọng từ trong nội tại và tượng trưng cho Thiên Chúa. Không nhà nghiên cứu Kinh thánh nghiêm túc nào có thể phủ nhận rằng gia đình là điều quan hệ.

Gia đình là một khái niệm quan yếu

“Tuyệt thông” là biện pháp đau đớn cuối cùng, được Bách Khoa Britannica định nghĩa là “một hình thức khiển trách của giáo hội qua đó một người bị loại trừ khỏi sự hiệp thông với các tín hữu, khỏi các nghi lễ hoặc bí tích của Giáo Hội và các quyền lợi của tư cách thành viên Giáo Hội” (6). Lưu ý mức độ nghiêm trọng cần thiết của nó, Jonathan Edwards nhận xét rằng vạ tuyệt thông “không phải do con người thiết kế để hủy hoại con người, mà là để sửa chữa họ, và do đó có bản chất của một hình phạt khiển trách, ít nhất bao lâu nó do con người áp đặt; tuy nhiên, trong chính nó, nó vốn là một tai họa lớn lao và khủng khiếp, và là hình phạt nặng nề nhất mà Chúa Kitô đã qui định trong Giáo Hội hữu hình. Mặc dù trong nó, Giáo Hội chỉ tìm kiếm thiện ích của con người và sự phục hồi khỏi tội lỗi của họ, sau một cuộc xét xử đúng đắn, xem ra không có lý do gì để hy vọng sự phục hồi của họ bằng các phương thế nhẹ nhàng hơn, nhưng tùy thánh ý tối cao của Thiên Chúa, liệu nó có phải chỉ là việc làm bẽ mặt họ để họ ăn năn, hay đó là việc hủy diệt họ một cách khủng khiếp và vĩnh viễn; như luôn đã xẩy ra nơi người này hay người nọ” (7). Thành thử, khi trả lời câu hỏi thứ hai của chúng ta – Định nghĩa gia đình có quan yếu như một vấn đề tín lý / luân lý trong Giáo Hội không? -chúng ta nên nhớ rằng vạ tuyệt tông đầu tiên được nhắc đến trong Tân Ước đã diễn ra để đáp ứng việc vi phạm giao ước gia đình của tín hữu và đáp ứng mã thượng của Giáo Hội. Thánh Phaolô đã cảnh giác khi được kể cho nghe các mối liên hệ loạn luân công khai của một người Corintô với mẹ kế và phẫn nộ về thái độ hững hờ (casual) của Giáo Hội. Vì vậy, trong 1 Cr 5, ngài quở trách các độc giả của ngài vì đã cho phép một hình thức gian dâm “không được nêu tên nhiều như thế nơi người ngoại giáo” (câu 1); vì đã khoái chí trước sự làm ngơ của mình (câu 2); và vì dường như không biết gì tới lý lẽ căn bản của Đức trong sạch Kitô giáo: cơ thể của chúng ta không thuộc về chúng ta, nhưng đúng hơn là đền thờ của Chúa Thánh Thần (câu 19-20). Khi ra lệnh cho họ loại trừ kẻ gian dâm không biết ăn năn, Thánh Phaolô đưa ra hai lời kêu gọi tổng quát: Há anh em không biết sao? Còn nếu anh em biết, sao anh em không làm gì?

Ngày nay, có lẽ chúng ta phải sử dụng một bức thư khác của Thánh Phaolô! Theo một cuộc thăm dò năm 2003 do George Barna thực hiện, bốn mươi chín phần trăm người trả lời tự nhận mình là người “tái sinh”, coi việc sống chung với nhau ngoài hôn nhân là điều có thể chấp nhận được, ba mươi ba phần trăm ủng hộ phá thai, ba mươi lăm phần trăm cảm thấy tình dục trước hôn nhân rất được, và hai mươi tám phần trăm thấy không có vấn đề gì với nền văn hóa khiêu dâm. Đáp lại, Barna nhận xét, “thậm chí hầu hết mọi người có liên hệ với đức tin Kitô giáo dường như cũng không tuân theo các tiêu chuẩn luân lý của Kinh Thánh. Sự việc dường như trở nên tồi tệ hơn trước khi chúng trở nên tốt hơn – và xem ra chúng sẽ không trở nên tốt hơn trừ khi có sự lãnh đạo luân lý mạnh mẽ và hấp dẫn để thách thức và chuyển hướng suy nghĩ và hành vi của người ta. Ở thời điểm này, sự lãnh đạo như vậy đang khiếm diện (8).

Trong trường hợp khiếm diện sự lãnh đạo như vậy, việc hàm hồ giữa đúng và sai, cộng với một thái độ hững hờ đối với chính mình, có đất phát triển rất mạnh. Điều cần là sự rõ ràng. Dù sao, nếu câu hỏi trong tựa đề cuốn sách của Francis Schaeffer, “Vậy Thì Chúng Ta Nên Sống Ra Sao? “, không nhận được câu trả lời nào rõ ràng từ bục giảng, thì không ai phải ngạc nhiên khi mọi người làm điều đúng “theo ý mình” (Tl 17: 6). Thánh Phaolô chắc chắn nghĩ đến điều này khi ngài nói với các tín hữu Côrintô tránh xa bất cứ Kitô hữu nào có hành vi gian dâm (1 Cr 5:11) và khi ngài nói với tín hữu Êphêsô sống theo cách khiến sự vô luân tình dục sẽ không bao giờ được nêu tên ở nơi họ ( Eph. 5: 2). Chúng ta có thể thêm vào đó, việc ngài so sánh cuộc kết hợp hôn nhân với cuộc kết hợp của Chúa Kitô và Hội thánh của Người (Eph. 5:32), những mệnh lệnh của ngài về các vai trò hôn nhân và cha mẹ cùng con cái (Eph. 5: 22-6: 4), và việc ngài nhấn mạnh rằng lòng trung thành của người đàn ông đối với các trách nhiệm gia đình trực tiếp liên hệ đến việc tuyên xưng đức tin (1 Tm 5: 8) và tư cách lãnh đạo của họ (1 Tm 3: 5), và điều càng rõ ràng hơn nữa là định nghĩa và giá trị của gia đình là một khái niệm quan yếu qua đó, ba điểm đơn giản cần được bục giảng nêu ra, một cách lớn tiếng và thường xuyên: “Đây là điều tạo nên một gia đình”. “Đây là các vai trò và trách nhiệm liên hệ”. “Đây là lý do tại sao gia đình quan trọng”.

Gia đình là một khái niệm quan yếu đáng được cổ vũ trong văn hoá

Câu hỏi thứ ba của chúng ta – Chúng ta có được kêu gọi cổ vũ và bảo vệ định nghĩa Kinh thánh về “gia đình” bên ngoài Giáo Hội không? – Có lẽ là câu hỏi khó nhất. Một mặt, CS Lewis cảnh giác chống lại việc áp đặt các tiêu chuẩn hôn nhân Kitô giáo lên xã hội thế tục: “Các giáo hội nên thẳng thắn thừa nhận rằng phần lớn người dân Anh không phải là Kitô hữu và do đó, không thể hy vọng họ sống cuộc sống Kitô hữu” (9). Cũng thế, chính Thánh Phaolô nói rằng ngài không có tư cách phán xét những người không có đức tin phạm tội tình dục (1 Cr 5:12), tuy nhiên, việc cổ vũ một khái niệm bổ ích dường như khác xa với việc phán xét những người bác bỏ khái niệm này. Ở đây, lời giải thích về ân sủng chung của Chuck Colson dường như có thể áp dụng được: “Là các tác nhân ân sủng chung của Thiên Chúa, chúng ta được kêu gọi góp tay duy trì và đổi mới công trình sáng tạo của Người, đề cao các định chế tạo dựng là gia đình và xã hội, theo đuổi khoa học và học thuật, tạo ra các công trình nghệ thuật và mỹ thuật, và hàn gắn và giúp đỡ những người đau khổ do hậu quả của cuộc Sa Ngã” (10). Nếu có thể chứng minh rằng các vai trò gia đình được Kinh thánh tiến dẫn phục vụ tốt nhất cho cả những người tin lẫn những người không tin, thì định nghĩa Kinh thánh về gia đình đáng được cổ vũ trong nền văn hoá. Một số nghiên cứu thế tục chứng thực sự khôn ngoan của định nghĩa Kinh Thánh về gia đình và những lợi ích mà cách riêng, trẻ em gặt hái được khi định nghĩa đó được tuân thủ.

Cặp kết hôn đáng kể

Sau khi nghiên cứu 174 học sinh tiểu học, 58 trong số đó đang được nuôi dưỡng bởi các cặp dị tính “sống chung với nhau” (chưa kết hôn), 58 bởi các cặp đồng tính và 58 bởi các cặp kết hôn dị tính, Sotorios Sarantakos, một nhà xã hội học người Úc, đã đưa ra kết luận sau đây: “trong cuộc nghiên cứu này, các cặp kết hôn dường như cung cấp môi trường tốt nhất cho sự phát triển giáo dục và xã hội của đứa trẻ” (11). Đo lường thành tích của trẻ em trong một số lĩnh vực – ngôn ngữ, toán học, thể thao, giao du, thái độ học tập, quan hệ phụ huynh và nhà trường, vai trò phái tính, liên quan đến trường học, hỗ trợ liên quan đến trường học và nguyện vọng của cha mẹ đối với thành tích của con – con cái của các cặp kết hôn đã đạt thành tích tốt nhất (12).

Các ông bố đáng kể

Khi phân tích hơn một trăm cuộc nghiên cứu nhằm khảo sát tác động của những ông bố ruột đối với con cái, Ronald Rohner và Robert Veneziano đã kết luận, “Nhìn chung, tình yêu của người cha dường như cũng có liên quan nhiều như tình yêu của người mẹ đối với phúc lợi và sức khỏe tâm lý của con cái” (13). Các nhà nghiên cứu Thụy Điển cũng đã đi đến một kết luận tương tự khi công bố các phát hiện của họ dưới tiêu đề, “Những đứa trẻ nào có một người cha tích cực gặp ít vấn đề về tâm lý và tác phong hơn” trong số ra tháng 2 năm 2008 của Acta Paediatrica. Sau khi khảo sát các tường trình về 22, 300 bộ dữ liệu từ 16 cuộc nghiên cứu nhằm so sánh những đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi và không bởi những người cha, họ nhận xét, “những đứa trẻ nào sống với cả mẹ lẫn cha cũng có ít vấn đề về tác phong hơn những đứa chỉ sống với mẹ. Cuộc duyệt xét đã khảo sát 24 bài báo được xuất bản từ năm 1987 đến năm 2007, bao gồm 22, 300 bộ dữ liệu cá thể từ 16 cuộc nghiên cứu. 18 trong số 24 bài báo này cũng bàn đến tư thế kinh tế xã hội của các gia đình được nghiên cứu” (14). Những phát hiện không hẳn độc đáo. Các nghiên cứu được trích dẫn bởi Trung tâm Làm Cha Toàn Quốc (15) và Trung tâm Nghiên cứu Trẻ em của Đại Học New York (16) kết luận rằng những người cha đóng góp một cách độc đáo vào việc phát triển của con cái họ theo những cách không thể sao chép hoặc thay thế được.

Các bà mẹ đáng kể

Cuộc nghiên cứu xác nhận vai trò độc đáo của người cha trong việc nuôi dạy con cái thế nào, thì hiển nhiên nó cũng có những điểm tương tự để nói về việc làm mẹ như thế. Thí dụ, Mạng lưới Nghiên cứu Việc Chăm sóc Trẻ thơ Từ Sớm đã phát hiện ra rằng việc chăm sóc các trẻ sơ sinh và trẻ em mẫu giáo bởi những người không phải là mẹ ruột các em, ngược với mối liên kết từ sớm với mẹ ruột của chúng, có liên quan đến các vấn đề tác phong ở tuổi lớn hơn (17). Ngoài ra còn có những mất mát về cảm xúc và tác phong khi không có sự hiện diện của một người mẹ, phong cách làm cha mẹ của bà có tính bổ sung, nhưng khác với phong cách của một người cha, điều này khiến Trung tâm Nghiên cứu Trẻ em của Đại Học New York nhận xét, “Tóm lại, những người ủng hộ quan điểm coi người cha thiết yếu thấy sự đóng góp phụ huynh của những người cha mẹ và của những người mẹ có liên hệ với giới tính của họ, trong đó, các bà mẹ thường nhấn mạnh đến sự nối kết, tính liên quan, sự an toàn và chăm sóc, trong khi những người cha nhấn mạnh đến quyền tự chủ, hành động, chấp nhận rủi ro và tuân theo các quy tắc” (18). Tất cả những điều này đã khiến David Popenoe kết luận, liên quan đến tầm quan trọng của cả hai cha mẹ, “Chúng ta nên phủ nhận quan điểm cho rằng ‘các bà mẹ có thể tạo nên các ông bố tốt’, cũng như chúng ta nên phủ nhận quan điểm của những người theo chủ nghĩa nữ quyền cực đoan cho rằng ‘các ông bố có thể tạo nên các bà mẹ tốt’ – Hai giới tính khác nhau tận cốt lõi, và mỗi giới tính đều cần thiết – về mặt văn hoá và sinh học – đối với việc phát triển tối ưu của con người” (19).

Sinh học đáng kể

Khi khảo sát mối liên hệ giữa cha mẹ ruột và con cái của họ, kết quả cũng rõ ràng và không có gì đáng ngạc nhiên là: nơi nào quan tâm đến việc dưỡng dục con cái, thì sinh học là điều đáng kể. Cơ quan Nghiên cứu các Xu hướng Trẻ em, chẳng hạn, trong một bản tóm tắt, đã nhận định “Một bộ phận nghiên cứu sâu rộng cho chúng ta biết: trẻ em có lợi nhất khi chúng được lớn lên với cả cha mẹ ruột trong một cuộc hôn nhân ít xung đột… Do đó, không đơn giản chỉ là sự hiện diện của hai cha mẹ, như một số người đã giả định, mà là sự hiện diện của hai cha mẹ ruột dường như hỗ trợ sự phát triển của trẻ em” (20). Tương tự như thế, một bản tóm tắt của Trung tâm Luật pháp và Chính sách Xã hội cho rằng “trẻ em thành công hơn khi được nuôi dưỡng bởi hai cha mẹ kết hôn, ruột thịt, có mối liên hệ ít xung đột” (21). Judy Jones, giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Giúp Ngăn chặn Hội chứng Tha hoá Cha mẹ, nhất trí rằng: “Trẻ em nào bị tước quyền tiếp xúc thường xuyên với cả mẹ lẫn cha của chúng có nguy cơ cao hơn sẽ lạm dụng ma túy, bỏ học, mang thai ở tuổi vị thành niên và nhiều vấn đề về tác phong và cảm xúc khác”. Kết luận không thể tránh né mà người ta rút ra từ những nghiên cứu này đã được David Blankenhorn, chủ tịch của Viện các Giá trị Mỹ có trụ sở tại New York và là người tự cho là “Dân chủ Cấp tiến”, nhưng đã chỉ trích việc vội vàng định nghĩa lại hôn nhân và gia đình của chúng ta. Khi ông nhận định:

“Hôn nhân là một quà tặng mà xã hội ban cho thế hệ tiếp theo của nó. Hôn nhân (và chỉ hôn nhân) hợp nhất ba chiều kích cốt lõi của việc làm cha mẹ – sinh học, xã hội và pháp lý – thành một hình thức phò con trẻ: cặp kết hôn. Hôn nhân nói với đứa trẻ: Người đàn ông và người đàn bà mà sự kết hợp tình dục đã làm nên con cũng sẽ ở đó để yêu thương và nuôi nấng con. Hôn nhân nói với toàn xã hội: Với mỗi đứa trẻ sinh ra, có một người mẹ và một người cha được thừa nhận, có trách nhiệm phải giải trình đối với đứa trẻ và đối với nhau” (22).

Nếu đơn vị gia đình truyền thống cung cấp khuôn khổ tốt nhất cho việc phát triển cảm xúc và tinh thần, thì những đứa trẻ ổn định được dưỡng dục bên trong khuôn khổ đó sẽ trở thành những người trưởng thành ổn định có xác suất nhất cung cấp được một khuôn khổ tương tự cho thế hệ tiếp theo. Hiệu quả dây chuyền (ripple effect) không thể không giúp tạo ra sự ổn định văn hóa, làm chứng cho một thiết kế đã được giải thích trong Sách Sáng Thế và được xác nhận vào năm 2010 và xa hơn thế nữa. Không điều gì trong số này phủ nhận những điều tốt đẹp mà người lớn và trẻ em gặt hái được trong các môi trường ít truyền thống hơn. Ở đây, chúng ta đồng ý phần nào với Mrs Doubtfire, trong điều này: bất cứ sự kết hợp nào của con người biết thực sự quan tâm đến nhau đều có lợi cho mọi người liên hệ. Vì vậy, cuộc tranh cãi về gia đình không phải là một đề xuất hoặc thế này / hoặc thế nọ (either/or). Vấn đề không phải là liệu các kết hợp phi truyền thống có mang lại lợi ích gì không – có, chúng có mang lại lợi ích; chúng sẽ mang lại lợi ích. Nhưng nhóm nào mang lại lợi ích tối đa? Điều gì đã vận hành thì có thể không phá hủy, nhưng nó cũng không phải là lý tưởng. Và khi thảo luận về hiệu năng và tương lai của một nền văn hoá, không có gì khác hơn lý tưởng nên được cố gắng vươn tới. Gia đình được quan niệm bởi Đấng Tạo Hoá để đáp ứng nhu cầu tạo thế của Người và như một đại diện hữu hình, trần thế cho bản tính của Người. Các thành viên của gia đình, khi kết hợp với nhau, cung cấp một bức tranh ghép trong đó người quan sát ghi nhận được các yếu tố nam và nữ, dịu dàng và uy quyền, hồn nhiên, hiểu biết và sáng tạo khôn tả. Thiên Chúa vừa được tôn vinh vừa được đại diện khi các nối kết gia đình vững ổn. Nhưng để vững ổn, trước tiên chúng phải được định nghĩa và hiểu rõ, vì vậy, có lời kêu gọi phải giảng dạy chủ đề này rõ ràng hơn, toàn diện hơn trong các Giáo Hội của chúng ta. Tương tự như vậy, việc trung thành với những gì chúng ta được dạy trong Kinh thánh về đức khiết tịnh, một vợ một chồng và các trách nhiệm gia đình đang khiếm diện một cách bi thảm, và cho đến khi chúng ta chú ý đủ đến sự mất nối kết giữa những gì chúng ta giảng dạy và những gì chúng ta sống, chúng ta khó có thể mong đợi nền văn hoá sẽ coi trọng chúng ta khi chúng ta cổ vũ các tiêu chuẩn mà chính chúng ta không áp dụng cho chính mình. Lúc ấy, định nghĩa gia đình, khi được hiểu và đem ra sống, có thể được cổ vũ một cách toàn vẹn nơi một thế giới đang vật lộn với những vấn đề thân mật, nhu cầu tình cảm và các phức tạp trong tình dục của con người. Các câu trả lời mà chúng ta cung cấp chắc chắn sẽ khiến nhiều người ngỡ ngàng, chỉ cần tưởng tượng điều gì sẽ xẩy ra bất cứ khi nào một nhân vật công cộng thú nhận mình hiểu hôn nhân và gia đình theo lối truyền thống! Nhưng chúng cũng sẽ nâng cao ý thức và có thể trở thành phương tiện để mọi người khao khát tình yêu và an toàn có thể tìm ra các câu trả lời.

Giám mục giáo phái Giám chức William Frey đã ám chỉ điều trên khi ngài nhắc lại tác động của Giáo Hội tiên khởi đối với xã hội La Hy, một tác động phần nào được tạo ra bởi việc nó hiểu và cổ vũ các giá trị gia đình: “Một trong những đặc điểm hấp dẫn nhất của các cộng đồng Kitô giáo tiên khởi là nền đạo đức tình dục triệt để của họ và cam kết sâu sắc của họ đối với các giá trị gia đình. Những điều này… đã thu hút nhiều người đến với họ, những người đã bị vỡ mộng bởi những bừa bãi thái quá của điều được chứng minh là nền văn hoá đang suy tàn. Ngày nay, há không tuyệt diệu cho Giáo hội của chúng ta hay sao khi tìm được lòng can đảm phản văn hoá như vậy? ” (23). Thật tuyệt diệu, đúng thế. Và, quan trọng hơn, nó hoàn toàn là chuyện có thể thực hiện được.
________________________________________________________________________

Ghi chú

1. “Mrs. Doubtfire Script Transcription, ” http://www.script-o-rama.com/movie_scripts/m/mrsdoubtfire-script-transcript.html.
2. Như đã trích trong “Deconstruction and Reconstruction: The Family Experience, ” Florida State University Museum of Fine Arts, http://www.mofa.fsu.edu/pages/learning/resources/familyexperience.pdf.
3. Trích dẫn trong University of Massachusetts Press, http://www.umass.edu/umpress/author/k.html.
4. Carol Lynn Pearson and Newell Dayley, “What Makes a Family? ” Ensign (March 1978), 48 (http://lds.org/ldsorg/v/index.jsp? vgnextoid=2354fccf2b7db010VgVCM1000004d82620aRCRD&locale=0&sourceId=8189d0640b96b010VgnVCM1000004d82620a____&hideNav=1).
5. C. S. Lewis, Mere Christianity (San Francisco: Harper Collins, 2002), 61.
6. http://www.britannica.com/EBchecked/topic/197846/excommunication.
7. Jonathan Edwards, “The Nature and End of Excommunication, ” http://www.jonathanedwards.org/Excommunication.html.
8. “Morality Continues to Decay, ” The Barna Group (November 3, 2003), http://www.barna.org/barna-update/article/5-barna-update/129.
9. Lewis, 112.
10. Charles Colson and Nancy Pearcey, How Now Shall We Live? (Wheaton, IL: Tyndale House, 1999), xii.
11. Sortirios Sarantakos, “Children in Three Contexts: Family, Education, and Social Development, ” Children Australia 21, 3 (1996): 23; trích dẫn trong Getting I Straight: What the Research Shows about Homosexuality, ed. Peter Spriggs and Timothy Dailey (Washington, D.C.: Family Research Council, 2004), 109-10.
12. Ibid.
13. Ronald Rohner and Robert Veneziano, “The Importance of Father Love: History and Contemporary Evidence, ” Review of General Psychology 5, 4 (2001): 382-405; trích dẫn trong Glenn T. Stanton and Kjersten Oligney, “Refuting Points No One is Making, ” http://www.citizenlink.org/pdfs/fosi/marriage/AAP_Analysis.pdf.
14. “Children Who Have an Active Father Figure Have Fewer Psychological And Behavioral Problems, ” Science Daily, February 15, 2008, http://www.sciencedaily.com/releases/2008/02/080212095450.htm.
15. Blair and Craig Brooke-Weiss, “Father Love: Keeping Families Connected, ” http://www.fatherlove.com/articles/riskfactors.html.
16. http://www.education.com/magazine/article/Ref_Many_Meanings_Family/.
17. Jay Belsky et al., “Are There Long-Term Effects of Early Child Care? ” Child Development 78, 2 (2007): 681-701.
18. http://www.education.com/magazine/article/Ref_Many_Meanings_Family/.
19. Trích dẫn trong Stanton and Oligney.
20. Kristin Anderson Moore et al., “Marriage from a Child’s Perspective: How Does Family Affect Children, and What Can We Do about It? ” Child Trends Research Brief (June 2002), trích dẫn trong Stanton and Oligney, 12.
21. Mary Park, “Are Married Parents Really Better for Children? ” Center for Law and Social Policy brief (May 2003), cited in Stanton and Oligney, 12.
22. Judy Jones, “Children Missing Contact with Both Biological Parents at Risk, ” 24/7 Press Release (June 22, 2005), http://www.24-7pressrelease.com/view_press_release.php? rID=6509.
23. “Protecting Marriage to Protect Children, ” op-ed, Los Angeles Times, September 19, 2008.
24. Richard Ostling, “What Does God Really Think about Sex? ” Time, June 24, 1991.