Bài Mới

Có người nói năng, hành động một cách khoan thai từ tốn. Có người nói năng, hành động một cách nóng nảy, vội vàng, hấp tấp. Cũng có người cả ngày không nói một câu, ruồi đậu mép không thèm đuổi. Cái gì đã làm cho họ trở nên khác biệt, và điều này có ảnh hưởng gì đến đời sống tâm lý, tình cảm, hoặc cuộc sống thường ngày của chúng ta hay không?

Câu trả lời là có và không?

Sống chung với những người mà tính tình và cách cư xử khác nhau như vậy, không thể không gây ra những suy nghĩ và phản ứng tiêu cực. Nhiều khi một câu nói, một hành động của người này lại khiến người kia cảm thấy sao sao ấy, hoặc mất cả ngày phải suy nghĩ. Cũng vậy, một câu nói, một việc làm của người kia, có khi lại bị coi như hồ đồ, bất cập, hoặc chậm chạp, vô cảm đối với người khác. Những khác biệt đó, dĩ nhiên đến từ nhiều khía cạnh, và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau mà tâm lý chiếm phần quan trọng.

Yếu tố tâm sinh lý

Một trong những yếu tố đó là di truyền. Cung cách cư xử, nói năng, hành động, tài năng, trí thông minh của người con ảnh hưởng di truyền từ cha mẹ. Ngoài ra, nó còn bị ảnh hưởng bởi đường lối giáo dục gia đình, học đường, xã hội và tôn giáo. Sau nữa phải kể đến khí hậu, cơm ăn, nước uống, lịch sử địa lý, và văn hóa vùng miền. Tất cả những điều này là tự nhiên, ta không thể chối cãi hoặc phủ nhận ảnh hưởng của nó trên tính nết của một người.

Tư cách, dáng vẻ bề ngoài và nội tâm có sự tương quan mật thiết. Chúng đến từ sự tích lũy hay từ việc thiếu đi những thói quen, suy nghĩ, cảm xúc và hành vi. Vì vậy, nhận xét dựa vào những biểu tỏ bên ngoài để đánh giá về một người rất dễ bị sai lầm: “Tri nhân tri diện, bất tri tâm” là vậy. Nhiều khi để hiểu về một người, ngay cả vợ chồng, con cái, anh chị em trong cùng một nhà cũng phải mất nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm mới hiểu nổi. Đó còn chưa kể đến những bí ẩn thầm kín trong tâm tư của một người mà chỉ có người đó mới biết, hoặc cũng có thể là không biết.

Tại sao vợ, chồng, con, hoặc cháu của tôi làm cái gì cũng từ từ, chậm chạp mà không thể nhanh hơn được? Tại sao đứa bạn thân của tôi lúc nào cái miệng cũng tía ria và không bao giờ giữ kín được một điều gì. Chuyện gì mà mình nói với nó là chỉ trong vài giờ, vài ngày là cả nhóm bạn bè đều biết. Trong một khảo cứu, kết quả cho thấy rằng việc giữ kín bí mật của giới phụ nữ chỉ được bảo mật trong khoảng 47 giờ.  Kết quả này được thực hiện với 3.000 phụ nữ tuổi từ 18 đến 65. [1]

Theo tâm lý phát triển, những cảm xúc, phản ứng và hành động được thùy trước của não (front lobe) ghi nhận. Một trong những chức năng quan trọng của bộ phận này là giúp điều hành cảm xúc và cá tính. [2] Nó ghi nhận những hành động liên quan đến cách cư xử và hành vi của một người. Theo thời gian, chúng sẽ tạo nên một bức tranh tổng hợp về nhân cách của người ấy. Như vậy, nếu có ai đó thắc mắc tại sao người này cư xử, nói năng, hành động khác với người kia, chính là vì từng cử chỉ, lời ăn tiếng nói và phản ứng của họ đã được ghi nhận và lưu giữ ở não bộ từ khi còn rất trẻ. Chúng không thể dễ dàng gột bỏ. Và điều này có thể giải thích tại sao: “Giang sơn dễ đổi bản tính khó dời.”

Dưới cái nhìn giáo dục, thì bản tính hay tính cách của một người được hình thành từ những năm tháng ngay khi còn trong lòng mẹ. Nó được phát triển và lớn dần qua những năm thơ trẻ, và dừng lại ở tuổi thành niên. “Tam thập nhi lập”, là thời gian trưởng thành tâm lý nói chung. Tóm lại, nếu muốn giáo dục một người, ta phải giáo dục ngay từ khi vừa lọt lòng mẹ. Đợi đến khi đã khôn lớn, biết định hình con người và cá tính ở tuổi vị thành niên, và sau này khi đã thành niên thì hầu như không có kết quả. Napoleon đã nói một câu rất chí lý: “Phải dạy con 20 năm trước khi nó sinh ra!”.

     

“Nhân chi sơ, tính bản thiện”

Trẻ sơ sinh có thể nhìn, nghe và ghi nhận tất cả những gì xảy ra chung quanh mình đến từ cha, mẹ, anh, chị, em…Theo thời gian thì tất cả những lời ăn tiếng nói, hành động ấy tốt hay không tốt đều được thu vào bộ nhớ của chúng, để rồi sau đó tất cả những thông tin này sẽ được quay lại và mang ra áp dụng tùy môi trường hay hoàn cảnh.

Hãy lấy thí dụ một em bé sinh ra trong một gia đình mà tối ngày người cha say xỉn, bài bạc, chửi mắng, hành khổ vợ con. Người mẹ chua ngoa, hành tỏi và đay nghiến chồng con. Người anh, người chị lêu lổng, cao bồi, du đãng, xì ke, ma túy hoặc xe sua đua đòi. Em bé ấy suốt ngày nhìn, nghe, cảm, và là nạn nhân của những lời ăn, tiếng nói và cung cách sống như vậy, lớn lên em sẽ như thế nào. Đừng nói: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.”

Tóm lại, dưới cái nhìn tâm lý phát triển và tâm lý giáo dục thì những tâm tính ấy, lối sống, lối suy nghĩ ấy có thể sửa đổi được không?

Làm sao để sửa đổi

a)Bản tính khó dời

Trước hết, hãy phân tích khía cạnh “không” trước.  Hình ảnh đầu tiên khi nghĩ đến việc thay đổi, hoàn lương một người theo nhận xét và kinh nghiệm người xưa là: “Giang sơn dễ đổi. Bản tính khó dời.” Nhiều người, nhất là những phụ huynh theo đường lối giáo dục cứng rắn chủ trương: “Già đòn non nhẽ, đánh khỏe phải chừa”. Hoặc chúng ta có thể cảm nghiệm được những tháng năm dài tù tội, cực hình, tra tấn, nhồi sọ, tưởng rằng sẽ thay đổi suy nghĩ hoặc nếp sống của một người, nhưng thường là không. Những hình thức giáo dục tiêu cực, nhồi sọ ấy chỉ làm tăng thêm sự thù ghét và bảo vệ quan niệm, ý tưởng của người trong cuộc. Lý do?

Như đã trình bày ở trên, trong việc hoàn thành nhân cách, “front lobe” (thùy trước) có nhiệm vụ ghi nhận, những biến đổi về tâm tính và cách cư xử. Mới sinh ra nó như một tờ giấy trắng, và bất cứ biến cố nào xảy ra đều được nó ghi lại bằng một vết mực. Khi mực khô với nhiều vết mực được viết lên chính là lúc cá tính, cung cách cư xử, hành động được định hình, và trở thành nhân cách sống của một người. Nếu áp dụng vào trường hợp vừa nêu trên cho một em bé sinh ra trong một gia đình kém may mắn có cha nghiện ngập, có mẹ chua ngoa, đanh đá, có anh, chị lêu lổng, và luôn luôn bị xâm phạm, bị tấn công bằng tình cảm, bằng thể lý thì những vết mực kia, và toàn bộ những vết mực ấy sẽ là gì cho cá tính sau này của em? Dĩ nhiên, em cũng sẽ bị ảnh hưởng thói cờ bạc, rượu chè, nhậu nhẹt, say xỉn của cha, thói chua ngoa, đanh đá của mẹ, và thói chơi bời, lêu lổng, du côn của anh hay chị. Đây là kinh nghiệm sống của cha ông chúng ta, và cũng là bài học giáo dục rất quí giá: “Gần mực thì đen. Gần đèn thì rạng.”

Do đó, nếu nói bản chất, cá tính của một người khó sửa, hoặc khó chinh phục là nói theo cái nhìn của tâm lý phát triển.

b) Gương bày lôi kéo

Theo tâm lý giáo dục, việc sửa đổi nhân cách (personality) và tính khí (temperament)  một người đòi hỏi sự tự nguyện, và vai trò của những tác nhân bên ngoài. Người đó chỉ có thể tự sửa khi nhận ra mình và những yếu kém, sai trái của mình. Thái độ tự sửa này là yếu tố quan trọng để một người quay về với con đường “tu tâm sửa tính”.

Nhưng nói về những tác nhân bên ngoài là nói đến những động lực thúc đẩy và ảnh hưởng đến sự thay đổi. Thí dụ, những tấm gương của cha, mẹ, anh, chị, em, thầy dậy, người yêu, bạn bè, hoặc hoàn cảnh đặc biệt xảy ra như sống sót qua một cơn bạo bệnh, một tai nạn. Những trường hợp này ví như điểm tựa mà bác học Archimedes đang cần để ông có thể nâng cả trái đất: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi có thể nâng cả trái đất.”

Về phần những ai có trách nhiệm giáo dục, sửa dậy thì cái đòn bẩy ấy chính là tình thương, sự hy sinh và gương sáng của chính mình: “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”. Chính Chúa Giêsu cũng đã làm điều này đối với các môn đệ của Ngài, và với cả chúng ta: “Thầy đã làm gương để anh em noi theo mà bắt chước.” (Gioan 13:15).

 

 

Trần Mỹ Duyệt

https://giadinhnazareth.org/

_________

  1. https://www.dvm360.com › view › women-can-keep-se…
  1. https://www.brainline.org › topic › behavioral-emotion…