Bài Mới

Tuần cửu nhật cầu nguyện với Chúa Thánh Thần

Ngày 09:       Hoa quả của Thần Khí là TIẾT ĐỘ

 

1) Thánh Ca: Thánh Vịnh 103 (sáng tác: Lm. Thái Nguyên).

 

2) Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.

Kinh Sáng Soi: Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.

Kính thưa quý Ông Bà và Anh Chị Em cùng các cháu,

Hôm nay chúng ta bước vào ngày thứ chín của tuần cửu nhật.

Chúng ta suy niệm và cầu nguyện về đề tài:  

Hoa trái của Thần Khí là TIẾT ĐỘ.

Triết gia Marcus Tillius Cicero đã nói: “tránh những gì thái quá, xin để cho tiết độ hướng dẫn bạn. Chìa khóa của niềm vui và hạnh phúc đích thật chính là sự tiết độ”. Nhưng tiết độ là gì?

Trong tiếng La tinh, Tiết độ là “Temperantia”, có gốc là động từ “temperare”, có nghĩa là: giữ chừng mực, dung hoà, giữ quân bình.

Trong tiếng Việt, Tiết là giảm bớt và Độ là chừng mừng. Như thế, tiết độ là cách sống chừng mực.

Sách Giáo Lý Hội Thánh nhìn đức tiết độ là một trong bốn nhân đức trụ: “khôn ngoan, công bình, can đảm và tiết độ”.

Đức Hồng Ý Schönborn đã giải thích về bốn nhân đức trụ này như sau: “Mọi nhân đức đều liên quan đến trật tự và sự cân xứng. Đức khôn ngoan liên quan đến phán đoán đúng đắn về thực tại. Đức công bằng liên hệ đến ứng xử thích hợp với tha nhân. Đức can đảm liên quan đến sự vững vàng khi đối diện nguy hiểm. Đức tiết độ liên quan đến liều lượng thích hợp trong hành động của con người nơi chính bản thân mình”.

 

Riêng về đức tiết độ, sách Giáo Lý Hội Thánh định nghĩa như sau: Tiết độ là nhân đức “giúp ta điều tiết sức lôi cuốn của các thú vui và giữ sự chừng mực trong việc sử dụng của cải trần thế. Nó giúp ý chí làm chủ bản năng và kiềm chế các ham muốn trong những giới hạn của sự lương thiện.” (GLHT 1809).

Đức Hồng Ý Schönborn đã giải thích thêm: “Đứng hàng thứ tư trong các nhân đức trụ là đức tiết độ, trong tiếng La tinh là temperantia. Những từ temperature (thời tiết) và temperament (tính khí) đều có cùng một gốc temperare, nghĩa là sắp xếp, đưa vào trật tự, nhưng cũng có nghĩa là đặt giới hạn, điều tiết”.

 

Người Anh có câu: "All things in moderation and moderation in all things (mọi thứ phải điều độ và điều độ trong mọi thứ). Đức tiết độ không giới hạn trong bất kỳ lãnh vực nào.

 

Như thế, chúng ta có thể nhìn tiết độ trong một số yếu tố của cuộc sống:

 

- Tiết độ, tiết chế những khoái lạc thể xác như ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi, đời sống tính dục. Ăn uống quá độ, vui chơi trác táng, tình dục hỗn loạn đều là thái quá. Những cảm giác sung sướng về thể lý sẽ có được khi ta thoả mãn những đòi hỏi của cơ thể. Vì thế, chúng ta dễ chiều theo những đòi hỏi ấy một cách vô độ. 

 

- Tiết độ, Tiết chế sự giận dữ. Cơn nóng giận có khi đến từ một điều tưởng như rất nhỏ nhưng chi phối bản năng của con người một cách mạnh mẽ. Mọi cơn giận dữ đều khiến người ta mất khôn. Có biết bao nhiêu trường hợp đau lòng đã xảy ra trong cuộc sống do người ta không biết kiềm chế nóng giận.

 

- Tiết độ, Tiết chế lòng ham danh vọng.  Chúa Giêsu cũng đã chịu cám dỗ về danh lợi trong hoang địa (Lc 4, 10-11). Đó cũng là điều cám dỗ chúng ta hết sức mãnh liệt. Tục ngữ rằng: ‘Ở đời muôn sự của chung, hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi’. ‘Tiếng anh hùng’ nhiều khi đã trở thành thước đo để định mức giá trị của một người. Vì thế, chúng ta cầu nguyện xin cho Danh Cha được cả sáng, chứ không phải danh của chúng ta.

 

- Tiết độ, Tiết chế lòng ham của cải. “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó”. Chúng ta hãy học cùng Chúa Giêsu sống đơn sơ khó nghèo. Ngài là Thiên Chúa mà sinh làm người, nằm máng cỏ, làm nghề thợ mộc, chết trần truồng trên thập giá. Đúng là một con người ‘không có chỗ gối đầu’ (Luca 9, 58; Mt 8,20).

 

Ngoài ra, trong Kinh Thánh Cựu Ước chúng ta cũng tìm những từ ngữ và ý nghĩa liên hệ đến nhân đức Tiết Độ như : Tự chủ (enkrateia, seft-control) và Điều độ (nephalios, temperance-abstinence). Hai từ ngữ ngày tương hợp với nhau và liên hệ mật thiết với đức tiết độ.

“Tự chủ” theo Kenneth S. Wuest trong Word Studies In The New Testament có nguyên nghĩa Hy Lạp là enkrateia, nghĩa là “sở hữu sức mạnh, kiềm chế được tình cảm và ham muốn.”

Như thế, Tự chủ giúp chúng ta kiềm chế được tình cảm riêng, kiềm chế các bản năng muốn thực thi quyền bính, từ chối đặc quyền đặc lợi, nó cản ngăn chúng ta không lợi dụng những kẻ yếu kém, nghèo hèn, ít học hơn chúng ta.

Ngoài ra, tự chủ cũng là tránh mọi kiểu suy nghĩ tự tôn, nghĩa là tuân theo sự hướng dẫn của Thần Khí: Cám dỗ của lý trí trong việc tìm kiếm sự hiểu biết thường nghiệm là dễ sinh lòng kiêu ngạo tự mãn. Vì vậy, cần sự tự chủ về lý trí và ý chí dưới sự hướng dẫn của Thần Khí để lướt thắng thái độ kiêu ngạo tự mãn và sử dụng đúng đắn ơn thánh trong việc tìm kiếm tri thức mặc khải của Lời Thiên Chúa.

Tự chủ còn là việc kiểm soát và tiết chế cả trong lời nói, tư tưởng và ý niệm. Chúng ta cần thực hành tự chủ về những gì chúng ta nghĩ và những gì chúng ta nói như sách Châm Ngôn đã nói: “lưỡi người khôn tiết ra tri thức, miệng kẻ dại tuôn chuyện ngu si” (Cn 15,2) và: “kẻ giữ mồm giữ miệng, thì giữ mình khỏi những hiểm nguy” (Cn 21,23). Chúng ta sẽ tránh được những phiền muộn và những hoàn cảnh lúng túng nếu chúng ta biết tự chủ lời nói của mình. Thật vậy, biết bao khổ đau đến từ cái miệng.

Tự chủ còn là tránh mọi thô bạo không những về thể lý mà cả về lời nói cùng các mối quan hệ; Tự chủ cũng giúp chúng ta tránh mọi thứ bạo lực về luân lý, mọi thứ vũ lực xảo trá, nhất là bạo lực về tình dục không ai chấp nhận được.

Theo khuynh hướng tự nhiên, những hành động của con người thường bị kích thích và lôi cuốn về tình trạng vô độ. Nhân đức tiết độ và tinh thần sống tự chủ sẽ giúp cho chúng ta có được sự cân bằng, hầu sống thực thi giới răn yêu thương một cách trọn hảo nhất.

 

Để thấm sâu tinh thần sống tiết độ, chúng ta cùng đọc lại tư tưởng của hai vị Thánh Tông Đồ miêu tả nền đạo lý Tân ước và cầu nguyện với hai đoạn Thánh Kinh đó.

 

Trước hết là lời Thánh Phao-lô: “13 Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau.14 Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.15 Nhưng nếu anh em cắn xé nhau, anh em hãy coi chừng, anh em tiêu diệt lẫn nhau đấy! 16 Tôi xin nói với anh em là hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thoả mãn đam mê của tính xác thịt nữa” (Gl 5,13-16)

 

Thánh Phê-rô khuyên nhủ: 8 Sau hết, tất cả anh chị em hãy đồng tâm nhất trí, thông cảm với nhau, hãy yêu thương nhau như anh em, hãy ăn ở nhân hậu và khiêm tốn.9 Đừng lấy ác báo ác, đừng lấy lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa, nhưng trái lại, hãy chúc phúc, vì anh chị em được Thiên Chúa kêu gọi chính là để thừa hưởng lời chúc phúc.10 Thật thế, ai là người thiết tha được sống và ước ao hưởng chuỗi ngày hạnh phúc, thì phải giữ mồm giữ miệng, đừng nói lời gian ác điêu ngoa;11 người ấy phải làm lành lánh dữ, tìm kiếm và theo đuổi bình an” (1Pr 3,8-11).

 

Chúng ta hãy lưu ý điều nền tảng: “Yêu mến cuộc sống”, yêu mến cuộc sống của chính mình và yêu mến cuộc sống của người khác. Đó là tổng hợp nền luân lý Ki-tô giáo với Thần Khí Chúa là Thầy dạy. Nói khác đi yêu mến thật sẽ hướng dẫn chúng ta sống tiết độ thật.

 

Xin Chúa Thánh Thần dạy dỗ chúng ta yêu mến cuộc sống, thiết tha sống những chuỗi ngày hạnh phúc và biết chứng tỏ cuộc sống thật đẹp, vì cuộc sống có Chúa là Đấng Yêu Thương luôn trao ban hoa trái tốt lành cho chúng ta.

 

Cuối cùng, chúng ta cầu xin với Chúa Thánh Thần, để Ngài tiếp tục dạy dỗ chúng ta luôn biết chú tâm đến chín hoa trái tốt lành của Ngài ban, bằng cách suy đi nghĩ lại, học hỏi nghiền ngẫm, hồi tâm và phân định, mở lòng và khiêm tốn luôn mãi trên hành trình Đức Tin, để Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta và làm cho đời chúng ta tuôn trào hương thơm của các hoa trái tốt lành của Thần Khí: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế” (Gl 5,22-23).

Chúng ta cùng thánh Augustino cầu nguyện với Chúa Thánh Thần

"Lạy Chúa Thánh Thần,

Xin hà hơi vào tâm hồn con,

để con suy tư điều chân chính thánh thiện,

Xin thúc đẩy tâm trí con,

để con làm điều thiện hảo tốt lành,

Xin gợi hứng trí khôn con,

để con biết yêu mến điều tốt đẹp,

Xin ban ân đức cho tâm hồn con,

để con biết gìn giữ những gì là chân thiện mỹ,

Xin gìn giữ đời sống con,

để con đừng bao giờ lạc xa điều chân thiện mỹ."

 

(Thánh Augustinô)

 

  

Chúng ta cùng đọc kinh Lạy Cha, kinh Kính mừng và kinh Sáng Danh.

 

3) Lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ luôn chiếu soi trên hành trình của chúng con /

như dấu chỉ của ơn cứu độ / và niềm hy vọng.

Chúng con phó thác chúng con cho Mẹ, là Sức khỏe của các bệnh nhân.
Dưới chân Thánh giá, Mẹ đã hiệp thông /

trong nỗi thống khổ của Chúa Giêsu, với một đức tin kiên vững.
Lạy Mẹ, là Phần Rỗi của dân thành Rôma, Mẹ biết điều chúng con cần / và chúng con chắc chắn rằng,  Mẹ sẽ ban cho chúng con, để giống như ở Cana miền Galilê, niềm vui và lễ hội / sẽ trở lại sau thời gian thử thách này.
Lạy Mẹ của Tình yêu Chúa, xin giúp đỡ chúng con, để chúng con biết vâng theo thánh ý Chúa Cha / và làm điều mà Chúa Giêsu phán bảo chúng con.
Ngài là Đấng/ đã gánh lấy trên mình Ngài / các nỗi đau của chúng con, và Ngài mang lấy những buồn sầu của chúng con, để qua Thánh giá, đưa chúng con đến niềm vui Phục Sinh.
Lạy Mẹ Thiên Chúa, chúng con tìm nương náu / dưới sự che chở của Mẹ.

Xin chớ chê chớ bỏ / lời cầu xin của chúng con / đang trong cơn thử thách,

và thân lạy Đức Trinh nữ/  vinh hiển đầy ơn phúc,

xin giải thoát chúng con khỏi mọi hiểm nguy. Amen.

 

 

4) Kinh Trông Cậy.

 

Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện, trong cơn gian nan thiếu thốn, Đức Nữ Đồng Trinh hiển vinh sáng láng hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen.

Lạy rất thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu.
Thương xót chúng con.

Lạy Trái Tim cực Thánh cực tịnh Rất Thánh Đức Bà Maria.
Cầu cho chúng con.

Lạy Ông thánh Giuse là bạn thanh sạch Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh.
Cầu cho chúng con.

Lạy Tổng Lãnh Thiên Thần Micae.

Cầu cho chúng con.

Các Thánh Tử Vì Đạo nước Việt Nam.
Cầu cho chúng con.

Mẹ Tê-rê-sa Can-cút-ta.

Cầu cho chúng con.

Thánh Rô-cô.

Cầu cho chúng con.

Nữ Vương ban sự bằng an.
Cầu cho chúng con.

 

5) Phúc lành của Chúa.

 

Xin Thiên Chúa luôn đồng hành và

dẫn bước anh chị em trên hành trình cuộc đời. Amen.

 

Xin Thiên Chúa luôn đi trước anh chị em,

để chính Ngài dọn con đường cho anh chị em

bước đi trong an toàn và bình an. Amen.

 

Xin Thiên Chúa luôn đi sau anh chị em,

Để Ngài sẽ ra tay nâng đỡ và ban thêm sức mạnh cho anh chị em,

khi anh chị em rơi vào khó khăn thử thách. Amen.

 

Xin Thiên Chúa dịu dàng cúi xuống bồng ẵm anh chị em lên đôi tay của Ngài,

Khi anh chị em đau yếu và trở nên tê liệt hoàn toàn. Amen.

 

Xin Thiên Chúa Ba Ngôi quyền năng và giàu lòng thương xót,

là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần

ban tràn đầy phúc lành, luôn chở che anh em trong vòng tay dấu ái của Ngài. Amen.

 

6) Thánh Ca:

Thần Khí Chúa Sai Tôi Đi

Sáng tác: Lm. Kim Long.