Bài Mới

 

Tuần cửu nhật cầu nguyện với Chúa Thánh Thần

Ngày 06:       Hoa quả của Thần Khí là TỪ TÂM LƯƠNG THIỆN

 

1) Thánh Ca: Thánh Vịnh 103 (sáng tác: Lm. Thái Nguyên).

 

2) Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.

Kinh Sáng Soi: Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.

Kính thưa quý Ông Bà và Anh Chị Em cùng các cháu,

Hôm nay chúng ta bước vào ngày thứ sáu của tuần cửu nhật.

Chúng ta suy niệm và cầu nguyện về đề tài:  Hoa trái của Thần Khí là TỪ TÂM LƯƠNG THIỆN.

Lương thiện, từ tâm hay tốt lành là gì? Đâu là chuẩn mực cho sự lương thiện tốt lành hay từ tâm? Con người thời đại có khuynh hướng từ chối hay gạt qua bên lề tất cả những chuẩn mực của sự tốt lành, lương thiện hay từ tâm. Với họ, tốt lành hay lương thiện là do chính họ xác định và đánh giá, không cần phải dựa trên bất cứ chuẩn mực nào cả.

 

Trước khuynh hướng sống tiêu cực và ích kỷ đó, sự tốt lành, lương thiện và từ tâm vẫn không bao giờ mất đi. Một con người tốt lành, lương thiện và từ tâm vẫn luôn mang một giá trị cao quý, dù cuộc đời này có thêu dệt lên bao nhiêu lý thuyết mới, đưa ra bao nhiêu cách sống chỉ thích hướng về mình mà thôi.

 

Tuy nhiên từ ngữ từ tâm, lương thiện có ý nghĩa gì? Từ tâm lương thiện diễn tả một đời sống “có chất lượng không chê vào đâu được”, nghĩa là đời sống không chỉ tương hợp với các chuẩn mực đạo đức luân lý, mà trong ý nghĩa của Ki-tô giáo còn mang chiều sâu của nhân ái, của yêu thương người khác vô điều kiện. Nói khác đi, người lương thiện từ tâm luôn đi tìm cách thức để nâng đỡ người khác và họ chỉ luôn mong muốn điều tốt cho người khác mà thôi. Theo Carlo Maria Martini, “từ tâm” trong tiếng Hy-lạp là agathosune, và nên chuyển ngữ là “lòng nhân từ cụ thể”, nghĩa là thể hiện hiệu quả bằng hành động cụ thể và tích cực.

 

Để đi sâu được vào tinh thần của hoa trái này, chúng ta cùng nhìn đến Chúa Giê-su, qua lời của thánh Phê-rô giảng tại nhà ông Co-nê-li-ô: 37 Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Giu-đê, bắt đầu từ miền Ga-li-lê, sau phép rửa mà ông Gio-an rao giảng.38 Quý vị biết rõ: Đức Giê-su xuất thân từ Na-da-rét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người” (Cv 10,37-38).

 

Với lời của thánh Phê-rô, chúng ta chiêm ngắm sự từ tâm lương thiện của Chúa Giê-su. Truyện kể về việc Chúa Giê-su giảng dạy trong hội đường do thánh sử Luca thuật lại (x.Lc 13,10-17). Trong hội đường có nhiều người nghe Chúa, đặc biệt có một bà phụ nữ đã bị quỷ làm cho tàn tật mười tám năm. Chúng ta mường tượng thời gian dài này, mười tám năm chứ không phải mười tám tháng hay mười tám ngày. Trong thời gian dài này, cuộc sống của bà chỉ có thể nhìn đến đất thấp, vì lưng bà còng hẳn xuống làm cho đôi mắt của bà không thể hướng nhìn trời cao, không thể nhìn đến anh chị em. Chúa Giê-su, Đấng từ tâm lương thiện và tốt lành, đã đưa mắt nhìn đến bà. Chúa từ tâm thấu hiểu điều bà ao ước, Chúa tốt lành biết rõ điều đưa lại hạnh phúc cho bà. Người gọi bà lại, không cần bà phải kêu xin gì cả, Đấng tốt lành mở lời từ tâm và nói: “Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!” Lời nói từ tâm đi liền với bàn tay lương thiện, “rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa”.

 

Câu truyện kế tiếp kể về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê-su với người vừa điếc vừa ngọng được Mác-cô thuật lại (x.Mc 7,31-37).

Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh”. Trước thái độ tốt lành của một số người, Chúa Giê-su lương thiện đã đáp lời bằng hành động từ tâm: “Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: "Ép-pha-tha", nghĩa là: hãy mở ra!”

Đôi tai và môi miệng của người bệnh đã mở ra theo khẩu lệnh của Đấng Từ Tâm.

Chứng kiến việc Chúa Giê-su làm, dân chúng hết sức kinh ngạc, và nói: "Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được."

 

“Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó”. Thật vậy, Đấng từ tâm tốt lành là vậy đó. Nhìn lại đời mình, chắc chắn không ít thì nhiều chúng ta cảm nhận rõ Chúa từ tâm đã không ít lần đến ngôi nhà cuộc đời của mình. Chúng ta nhìn kỹ lại xem, “Chúa tốt lành đã thi ân giáng phúc cho tôi như thế nào? Và tôi cảm nhận được gì về tấm lòng lương thiện từ tâm của Chúa? Nếu trải nghiệm sâu lắng về sự gặp gỡ giữa Chúa Giê-su từ tâm tốt lành và bạn trở nên sống động trong giây phút cầu nguyện, bạn hãy ở lại và nếm cảm giây phút đó. Đừng vội suy nghĩ nhiều, đừng vội qua điểm cầu nguyện khác. Hãy ở lại nếm cảm hạnh phúc đến từ Chúa Giê-su tốt lành từ tâm dành cho bạn!

 

Thật vậy, từ tâm chính là bản chất sâu xa của Thiên Chúa, của Chúa Giê-su, của Thần Khí. Chúng ta đón nhận hoa trái từ tâm, lương thiện tốt lành này từ chính Thần Khí Chúa, và chúng ta cầu xin Chúa dạy dỗ chúng ta biết sống từ tâm tốt lành như Chúa:

 

“Chúa nhân hậu, hay làm ơn làm phúc,
thánh chỉ Ngài, xin dạy cho con”
(Tv 119,68).

 

Lòng nhân ái, sự từ tâm lương thiện và tốt lành của chúng ta sẽ không tồn tại, nếu chúng ta không được Thần Khí hướng dẫn, dạy dỗ và ban cho. Chính nhờ Thần Khí của Chúa, tâm thiện của chúng ta mới trở nên tốt đẹp, có sức sáng tạo, hấp dẫn và có khả năng xây dựng một xã hội mới theo tinh thần tốt lành và lương thiện.

 

Với sự hướng dẫn của Thần Khí Chúa, chúng ta được dạy dỗ sống lòng từ tâm qua sự khơi mở của Khuôn Vàng Thước Ngọc trong Bài Giảng Trên Núi: Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12). Từ tâm, lương thiện, tốt lành diễn tả lòng ước muốn tốt lành của tôi dành cho người khác. Cụ thể tôi được điều gì tốt đẹp, tôi cũng mong muốn anh chị em cũng được như tôi hay được hơn cả tôi nữa. Đó chính là lý do tại sao tôi tự phát, tự nguyện và hết lòng ước muốn điều đó. Tôi không cần phải có ai đó ra lệnh cho tôi, tôi không chờ lệnh truyền, tôi không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì, tôi không so sánh, không kỳ vọng gì và cũng không tìm sự công nhận và lời khen. Đơn giản là tôi muốn anh chị em nhận được những điều tốt đẹp, nên tôi hết lòng xả thân hy sinh làm cho họ những gì tôi có thể làm.

 

Thật vậy,

người được Thần Khí hướng dẫn và ban cho hoa trái từ tâm tốt lành,

thì sống tinh thần phục vụ cách vô vị lợi,

không đi tìm lợi ích riêng cho mình,

nhưng để được như vậy thì cần phải để cho Thần Khí lôi cuốn thật sự,

và liên lỷ ra khỏi mình, rời bỏ cái tôi ích kỷ kiêu hãnh của mình.

Chấp nhận thiệt thòi, mất mát và không được gì cho riêng mình.

Còn tôi thì sao? Tôi phục vụ và làm việc tông đồ với mục đích gì?

Tôi đi tìm gì trong phục vụ, trong việc tông đồ?

 

Người được Thần Khí hướng dẫn và ban cho hoa trái từ tâm tốt lành,

thì sống tinh thần phục vụ cách khiêm tốn và âm thầm,

Khiêm tốn là không đi tìm lời khen, không háo danh lợị,

Khiêm tốn trong phục vụ cũng không cần cho người khác biết mình phục vụ.

Âm thầm và khiêm tốn trong phục vụ với tấm lòng từ tâm sẽ đưa lại niềm vui sâu lắng trong tâm hồn.

Còn tôi thì sao? Khi phục vụ tôi thích tỏ ra cho mọi người thấy không?

Sự âm thầm và khiêm tốn trong phục vụ có ý nghĩa gì trong công việc tông đồ?

 

 

Người được Thần Khí hướng dẫn và ban cho hoa trái từ tâm lương thiện,

thì sống tinh thần phục vụ với niềm vui và hoan lạc sâu xa.

Niềm vui này sẽ tự đông lan toả qua người xung quanh,

Niềm vui có Chúa, niềm vui của Chúa, niềm vui từ Chúa,

Đấng là nguồn mạch của hoan lạc.

Còn tôi thì sao? Khi phục vụ tôi có niềm vui không?

Trong phục vụ tôi đưa lại niềm vui cho anh chị em như thế nào?

Hương vị của niềm vui trong phục vụ có đưa tôi và anh chị em đến gần Chúa hơn hay không?

 

Người được Thần Khí hướng dẫn và ban cho hoa trái từ tâm lương thiện,

thì sống hết mình hết sức phục vụ và yêu thương.

Phục vụ hết sức và hết mình là đưa thân mình vào,

đưa tình cảm và trí tuệ, đưa con người và cuộc đời vào công việc phục vụ.

Lòng mến đối với Thiên Chúa và tha nhân

phải thúc bách người kitô-hữu dấn thân không tính toán (x.2Cr 5,14).

Như thế, hết mình hết sức trong phục vụ,

là người từ tâm tránh thói ươn lười, ù lì, ngại ngùng sợ hãi.

Hết mình hết sức trong phục vụ

là người từ tâm thắng vượt tính cách làm cho qua loa vô trách nhiệm,

thói quen hay bỏ dở công việc, thích thì làm không thích thì thôi,

theo kiểu của các em trong tuổi dậy thì.

Còn tôi thì sao? Tôi đã hết mình hết sức trong phục vụ chưa? Nghĩa là làm với sự nghiêm túc, chú tâm chứ không qua loa nửa vời.

Tôi có thường hay bỏ dở việc tông đồ, thích thì dấn thân, không thích nữa thì bỏ nửa chừng, mặc kệ anh chị em khác?

Tôi đã trưởng thành trong việc tông đồ,

hay vẫn còn theo kiểu cách của các em trong tuổi dậy thì?

 

Có Điều gì ngăn trở tôi phục vụ:

lười, ù lì chỉ muốn yên thân, ngại ngùng sợ hãi…

 

Hoa trái từ tâm con người chúng ta không thể tự tạo ra được.

Hoa trái từ tâm là món quà của Thấn Khí Chúa,

Vì thế chúng ta cần cầu xin Ngài ban cho,

Đi liền với lời cầu xin là tấm lòng quảng đại mở ra của chúng ta cho Thần Khí Chúa.

 

“Lạy Chúa Thánh Thần, là Thiên Chúa tình yêu,

con thờ lạy Chúa đang ngự thật trong linh hồn con.

 Xin ban cho con tình yêu thánh thiện của Chúa.”
 
“Lạy Chúa Thánh Thần, là Thiên Chúa của bình an,

đang ngự thật trong linh hồn con,

xin ban cho con sự bình an thánh thiện của Chúa,

sự bình an mà không trí khôn nào hiểu thấu được.”
 
“Lạy Chúa Thánh Thần, là Thiên Chúa của niềm vui và an ủi,

đang ngự thật trong linh hồn con,

xin đổ tràn niềm vui và an ủi của Chúa vào lòng con.”
 
“Lạy Chúa Thánh Thần, là Thiên Chúa từ
tâm tốt lành,

đang ngự thật trong linh hồn con,

xin ban cho con tâm hồn từ tâm, lương thiện và tốt lành,

để con trở thành người con đích thật của Chúa Giê-su,

Đấng từ tâm, lương thiện và tốt lành.

Đấng đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó. Amen.

 

 

Chúng ta cùng đọc kinh Lạy Cha, kinh Kính mừng và kinh Sáng Danh.

 

3) Lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ luôn chiếu soi trên hành trình của chúng con /

như dấu chỉ của ơn cứu độ / và niềm hy vọng.

Chúng con phó thác chúng con cho Mẹ, là Sức khỏe của các bệnh nhân.
Dưới chân Thánh giá, Mẹ đã hiệp thông /

trong nỗi thống khổ của Chúa Giêsu, với một đức tin kiên vững.
Lạy Mẹ, là Phần Rỗi của dân thành Rôma, Mẹ biết điều chúng con cần / và chúng con chắc chắn rằng,  Mẹ sẽ ban cho chúng con, để giống như ở Cana miền Galilê, niềm vui và lễ hội / sẽ trở lại sau thời gian thử thách này.
Lạy Mẹ của Tình yêu Chúa, xin giúp đỡ chúng con, để chúng con biết vâng theo thánh ý Chúa Cha / và làm điều mà Chúa Giêsu phán bảo chúng con.
Ngài là Đấng/ đã gánh lấy trên mình Ngài / các nỗi đau của chúng con, và Ngài mang lấy những buồn sầu của chúng con, để qua Thánh giá, đưa chúng con đến niềm vui Phục Sinh.
Lạy Mẹ Thiên Chúa, chúng con tìm nương náu / dưới sự che chở của Mẹ.

Xin chớ chê chớ bỏ / lời cầu xin của chúng con / đang trong cơn thử thách,

và thân lạy Đức Trinh nữ/  vinh hiển đầy ơn phúc,

xin giải thoát chúng con khỏi mọi hiểm nguy. Amen.

 

 

4) Kinh Trông Cậy.

 

Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện, trong cơn gian nan thiếu thốn, Đức Nữ Đồng Trinh hiển vinh sáng láng hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen.

Lạy rất thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu.
Thương xót chúng con.

Lạy Trái Tim cực Thánh cực tịnh Rất Thánh Đức Bà Maria.
Cầu cho chúng con.

Lạy Ông thánh Giuse là bạn thanh sạch Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh.
Cầu cho chúng con.

Lạy Tổng Lãnh Thiên Thần Micae.

Cầu cho chúng con.

Các Thánh Tử Vì Đạo nước Việt Nam.
Cầu cho chúng con.

Mẹ Tê-rê-sa Can-cút-ta.

Cầu cho chúng con.

Thánh Rô-cô.

Cầu cho chúng con.

Nữ Vương ban sự bằng an.
Cầu cho chúng con.

 

5) Phúc lành của Chúa.

 

Xin Thiên Chúa luôn đồng hành và

dẫn bước anh chị em trên hành trình cuộc đời. Amen.

 

Xin Thiên Chúa luôn đi trước anh chị em,

để chính Ngài dọn con đường cho anh chị em

bước đi trong an toàn và bình an. Amen.

 

Xin Thiên Chúa luôn đi sau anh chị em,

Để Ngài sẽ ra tay nâng đỡ và ban thêm sức mạnh cho anh chị em,

khi anh chị em rơi vào khó khăn thử thách. Amen.

 

Xin Thiên Chúa dịu dàng cúi xuống bồng ẵm anh chị em lên đôi tay của Ngài,

Khi anh chị em đau yếu và trở nên tê liệt hoàn toàn. Amen.

 

Xin Thiên Chúa Ba Ngôi quyền năng và giàu lòng thương xót,

là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần

ban tràn đầy phúc lành, luôn chở che anh em trong vòng tay dấu ái của Ngài. Amen.

 

6) Thánh Ca:

Kính xin Chúa Thánh Thần.

Sáng tác: Linh mục Vương Diệu.