Bài Mới

1) Thánh Ca: Thánh Vịnh 103 (sáng tác: Lm. Thái Nguyên).

 

2) Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.

Kinh Sáng Soi: Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.

 

Kính thưa quý Ông Bà và Anh Chị Em cùng các cháu,

Hôm nay chúng ta bước vào ngày thứ năm của tuần cửu nhật.

Chúng ta suy niệm và cầu nguyện về đề tài:  Hoa trái của Thần Khí là NHÂN HẬU.

Từ ngữ Nhân Hậu trong tiếng Việt có thể hiểu như sau:

Nhân diễn tả lòng thương yêu và hậu có nghĩa là sâu nặng.

Như thế, Nhân Hậu là lòng thương yêu sâu nặng, chứ không theo kiểu tội nghiệp hời hợt bên ngoài.

 

Lòng nhân hậu là tâm tình, thái độ tốt lành của người, không ích kỷ lo cho bản thân, mà vượt ra khỏi bản thân, và mong muốn cũng như thể hiện điều gì thật tốt và thật ích lợi cho anh chị em.

 

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa được ca tụng là Đấng Nhân Hậu, giàu lòng thương xót và hay tha thứ. Trong bài Thánh Ca của A-da-ria trong lò lửa có nhắc tới dung mạo của Thiên Chúa qua lời cầu xin: “Nhưng xin Ngài tỏ lòng nhân hậu và lòng thương xót vô biên của Ngài khi Ngài đối xử với chúng con” (Đn 3,42).

Thánh Vịnh 103 tập trung hoàn toàn vào nét nhân hậu của Thiên Chúa.

8 CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương,
9 chẳng trách cứ luôn luôn,
không oán hờn mãi mãi.
10 Người không cứ tội ta mà xét xử,
không trả báo ta xứng với lỗi lầm”
(Tv 103,8-10).

 

Trong Tân Ước, qua Chúa Giê-su Thiên Chúa đã bày tỏ lòng nhân hậu của Ngài. Nhìn lại hành trình sứ mạng của Chúa Giê-su, chúng ta nhận ra Ngài đã rong ruổi từ làng này qua thành thị khác, để chữa bệnh cho người tật nguyền, an ủi người bất hạnh, ban ơn tha thứ cho kẻ tội lỗi, và lời của Ngài rao giảng chất chứa hương vị dịu ngọt của lòng nhân hậu (x.Lc 15; Lc 11,13 và Mt 5,45).

 

Để suy niệm và cầu nguyện về lòng nhân hậu là hoa trái của Thần Khí Chúa ban, chúng ta cùng đọc đoạn Tin Mừng về dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậu: 29 Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: "Nhưng ai là người thân cận của tôi? "30 Đức Giê-su đáp: "Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết.31 Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi.32 Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi.33 Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương.34 Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc.35 Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: "Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác."36 Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp? "37 Người thông luật trả lời: "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy." Đức Giê-su bảo ông ta: "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy” (Lc 10,29-37).

 

Dụ ngôn này diễn tả mạnh mẽ về tầm quan trọng của lòng nhân hậu thương xót. Tuy nhiên, sẽ quá vội vàng, nếu ứng dụng dụ ngôn này ngay cho đời sống của tín hữu. Theo nhà Thánh Kinh học Bovon, trước hết người Samaritanô nhân hậu là hiện thân của Chúa Giê-su, Đấng có lòng thương xót nhân loại, và giúp đỡ nhân loại.

 

Chính Thiên Chúa, đối với chúng ta là Đấng xa lạ, đã lên đường để chăm sóc tạo vật bị thương. Thiên Chúa, dù rất xa cách chúng ta, đã trở thành người thân cận của chúng ta trong Đức Giê-su Ki-tô. Ngài đổ dầu đổ rượu lên vết thương chúng ta, một cử chỉ được xem như một hình ảnh ân huệ chữa lành của các bí tích, và Ngài đem chúng ta tới quán trọ. Đó là Hội thánh, và trong Hội thánh, Chúa sắp xếp để chúng ta được chăm sóc, và Ngài còn trả trước cho cái giá của sự lo lắng này.

 

Hôm nay, chúng ta nhớ đến một trải nghiệm được Chúa nhân hậu băng bó vết thương, chăm sóc và chữa lành. Trải nghiệm đó có khung cảnh ở đâu? Tôi rơi vào tình trạng đau khổ và bất hạnh như thế nào? Chúa đã đến và đụng chạm tới tôi ra sao? Ngài đã băng bó, chăm sóc và chữa lành tôi như thế nào?

Để trải nghiệm về tấm lòng nhân hậu của Thiên Chúa dành cho bạn sống động lên và trong âm thầm bạn tâm tình với Chúa và tri ân Ngài.

 

Chúng ta thấy nơi người Samari một tâm hồn rung cảm trước con người khổ đau. Tâm hồn rung cảm đã thúc đẩy ông dừng bước, gác lại mọi chuyện ông đang cần lo trước mắt, và“ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác” (Lc 10,34-35). Với câu chuyện này, Chúa Giê-su muốn trả lời cho câu hỏi: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” (Lc 10,29). Không ai khác cả, mà chính là người đang rơi vào khổ đau, người đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta hơn cả. Người thân cận đó vượt trên mọi yếu tố gia đình, bạn bè quen biết, hay chủng tộc. Người thân cận là người mà tôi đang nhìn thấy họ gặp nạn và họ đang cần tôi giúp đỡ. Với câu chuyện này, Chúa Giê-su thay đổi luật nên thánh và nên công chính hoàn thiện trở thành luật yêu thương đối với người bất hạnh (x.Lc 6,36).

 

Vì thế, chúng ta tự hỏi mình đã và đang sống lòng nhân hậu dành cho người khác như thế nào? Người bất hạnh là người nghèo đói khổ ở xa, nhưng người bất hạnh cũng có thể là người rất gần ở bên, là chồng vợ, con cái và cha mẹ. Dù không thiếu vật chất, nhưng có thể đang gặp nhiều khó khăn trong tâm hồn? Tôi đã chú tâm đến họ như thế nào? Tôi đã toàn tâm toàn ý để chăm sóc họ, đỡ nâng họ và dám can đảm bỏ sức, bỏ cả tiền bạc vật chất để lo lắng cho họ được trở nên lành lạnh?

 

Ngoài ra, Đức Thánh Cha Phanxico nhắc nhớ rằng: “Đừng để chúng ta bị sự vô cảm ích kỷ lôi kéo. Nếu bạn đứng trước một người hoạn nạn mà bạn không có lòng thương xót, nếu trái tim bạn không rung động, thì có nghĩa là có điều gì đó không ổn. Bạn hãy chú ý, chúng ta phải để ý. Đừng để chúng ta bị sự vô cảm ích kỷ lôi kéo. Khả năng thương xót trở thành hòn đá thử vàng của Kitô hữu, đó là giáo huấn của Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu là lòng trắc ẩn của Chúa Cha đối với chúng ta. Nếu bạn đi xuống phố và thấy một người đàn ông vô gia cư đang nằm đó, và bạn đi qua mà không hề nhìn anh ta, hoặc có lẽ bạn nghĩ: "Chà, tác dụng của rượu. Một người say rượu”. Đừng tự hỏi xem người đàn ông đó có say không; hãy tự hỏi xem trái tim bạn có bị chai cứng không, trái tim bạn có trở thành băng giá không.

lòng thương xót đối với cuộc sống con người đang khốn khổ là gương mặt thật sự của tình yêu. Và như thế họ trở thành các môn đệ thật sự của Chúa Giêsu và tỏ bày gương mặt của Chúa Cha: “Các con hãy có lòng thương xót, như Cha các con là đấng thương xót” (Lc 6,36). Thiên Chúa, Cha của chúng ta có lòng thương xót, bởi vì Người cảm thương; Người có khả năng thương xót, đến gần với nỗi đau của chúng ta, với tội lỗi, tính xấu và sự khốn cùng của chúng ta”.

 

Ngoài ra, có thêm một chiều kích cá nhân để suy tư về dụ ngôn này. Chúng ta thử mường tượng người gặp nạn là chính bản thân đang quằn quại nằm đau đớn bên lề đường: “Khi tôi rơi vào trong hố sâu của tội lỗi và đam mê, khi tôi kiêu ngạo sống trong thói đạo đức giả, và càng ngày càng lụn bại trong cái ngẩng đầu kiêu hãnh của kẻ nô lệ của sự dữ và ma quỷ. Lúc đó tôi cần phải thương cái tôi đang bị nạn nằm kia. Nghĩa là tôi cần phải thương tôi, không được phép giả điếc làm ngơ với tội lỗi của mình đang phạm, không được tiếp tục mù quáng với thói giả hình kiêu căng của mình, mà cần phải dừng lại, để tự bản thân tôi biết thương xót đến tôi đang sa vào vũng lầy của tội lỗi, biết ý thức xuống ngựa và lại gần cái tôi đang đau đớn, lau sạch vết thương, xoa dầu, băng bó và đưa đến quán trọ để cái tôi đau đớn được ủi an, nâng đỡ và chữa lành. Quán trọ kia và thái độ ý thức thương xót và chăm sóc bản thân là chính lòng sám hối ăn năn, là bí tích Giải Tội đem lại an bình và ơn chữa lành cùng cứu rỗi”.

 

Thật vậy, mỗi người chúng ta có trách nhiệm phải nhân hậu với chính bản thân, khi bản thân mình rơi vào trong đau đớn của tội lỗi và đang nằm quằn quại bên lề đường.

 

Lạy Chúa Thánh Thần,

Xin thay đổi trái tim bằng đá và vô cảm của con,

và ban tặng cho con trái tim bằng thịt của Chúa.

Xin Ngài đốt lên ngọn lửa nhân hậu xót thương trong trái tim con,

Ước gì lòng nhân hậu trở thành hồn sống của Con.

Lạy Chúa Thánh Thần,

Vì thế con xin Chúa luôn hiện diện sống động mãi trong con,

Ôi vị Thầy nhân hậu, vị Thầy dạy đời sống tâm linh của con. Amen.

 

 

Chúng ta cùng đọc kinh Lạy Cha, kinh Kính mừng và kinh Sáng Danh.

 

3) Lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ luôn chiếu soi trên hành trình của chúng con /

như dấu chỉ của ơn cứu độ / và niềm hy vọng.

Chúng con phó thác chúng con cho Mẹ, là Sức khỏe của các bệnh nhân.
Dưới chân Thánh giá, Mẹ đã hiệp thông /

trong nỗi thống khổ của Chúa Giêsu, với một đức tin kiên vững.
Lạy Mẹ, là Phần Rỗi của dân thành Rôma, Mẹ biết điều chúng con cần / và chúng con chắc chắn rằng,  Mẹ sẽ ban cho chúng con, để giống như ở Cana miền Galilê, niềm vui và lễ hội / sẽ trở lại sau thời gian thử thách này.
Lạy Mẹ của Tình yêu Chúa, xin giúp đỡ chúng con, để chúng con biết vâng theo thánh ý Chúa Cha / và làm điều mà Chúa Giêsu phán bảo chúng con.
Ngài là Đấng/ đã gánh lấy trên mình Ngài / các nỗi đau của chúng con, và Ngài mang lấy những buồn sầu của chúng con, để qua Thánh giá, đưa chúng con đến niềm vui Phục Sinh.
Lạy Mẹ Thiên Chúa, chúng con tìm nương náu / dưới sự che chở của Mẹ.

Xin chớ chê chớ bỏ / lời cầu xin của chúng con / đang trong cơn thử thách,

và thân lạy Đức Trinh nữ/  vinh hiển đầy ơn phúc,

xin giải thoát chúng con khỏi mọi hiểm nguy. Amen.

 

 

4) Kinh Trông Cậy.

 

Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện, trong cơn gian nan thiếu thốn, Đức Nữ Đồng Trinh hiển vinh sáng láng hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen.

Lạy rất thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu.
Thương xót chúng con.

Lạy Trái Tim cực Thánh cực tịnh Rất Thánh Đức Bà Maria.
Cầu cho chúng con.

Lạy Ông thánh Giuse là bạn thanh sạch Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh.
Cầu cho chúng con.

Lạy Tổng Lãnh Thiên Thần Micae.

Cầu cho chúng con.

Các Thánh Tử Vì Đạo nước Việt Nam.
Cầu cho chúng con.

Mẹ Tê-rê-sa Can-cút-ta.

Cầu cho chúng con.

Thánh Rô-cô.

Cầu cho chúng con.

Nữ Vương ban sự bằng an.
Cầu cho chúng con.

 

5) Phúc lành của Chúa.

 

Xin Thiên Chúa luôn đồng hành và

dẫn bước anh chị em trên hành trình cuộc đời. Amen.

 

Xin Thiên Chúa luôn đi trước anh chị em,

để chính Ngài dọn con đường cho anh chị em

bước đi trong an toàn và bình an. Amen.

 

Xin Thiên Chúa luôn đi sau anh chị em,

Để Ngài sẽ ra tay nâng đỡ và ban thêm sức mạnh cho anh chị em,

khi anh chị em rơi vào khó khăn thử thách. Amen.

 

Xin Thiên Chúa dịu dàng cúi xuống bồng ẵm anh chị em lên đôi tay của Ngài,

Khi anh chị em đau yếu và trở nên tê liệt hoàn toàn. Amen.

 

Xin Thiên Chúa Ba Ngôi quyền năng và giàu lòng thương xót,

là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần

ban tràn đầy phúc lành, luôn chở che anh em trong vòng tay dấu ái của Ngài. Amen.

 

6) Thánh Ca:

 

Thánh Thần tình yêu