Bài Mới

Tuần cửu nhật cầu nguyện với Chúa Thánh Thần

Ngày 03:       Hoa quả của Thần Khí là BÌNH AN

 

 

1) Thánh Ca: Thánh Vịnh 103 (sáng tác: Lm. Thái Nguyên).

 

2) Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.

Kinh Sáng Soi: Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.

Kính thưa quý Ông Bà và Anh Chị Em cùng các cháu,

Hôm nay chúng ta bước vào ngày thứ ba của tuần cửu nhật.

Chúng ta suy niệm về đề tài:  Hoa trái của Thần Khí là BÌNH AN.

Bình An là sứ điệp và món quà tuyệt vời của Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại. Bình An tỏ lộ trong ngày Chúa Giê-su Giáng Sinh:

Vinh Danh Thiên Chúa trên trời,

bình an dưới thế cho người Chúa thương.

 

Bình An tỏ lộ trong biến cố Chúa Phục Sinh. Mỗi lần Chúa Phục Sinh hiện ra với các môn đệ, Ngài đều chúc phúc cho các môn đệ: Bình An cho anh em.

 

Để suy niệm về hoa trái Bình An của Chúa Thánh Thần ban, chúng ta cùng đọc lại hai đoạn thư của thánh Phao-lô:

 

6 Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện.7 Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su” (Pl 4,6-7).

 

“Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo.15 Ước gì ơn bình an của Đức Ki-tô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân” (Cl 3,14-15).

 

Bình An theo tinh thần của thánh Phao-lô diễn tả là gì vậy?

 

Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện”. Như thế Bình An trước hết là khả năng gìn giữ chúng ta khỏi bị lo âu, chế ngự được lo âu, làm chủ được lo âu. Trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giê-su cũng nhắc nhớ các môn đệ đừng rơi vào tình trạng lo âu quá độ, vì Cha trên trời tốt lành và nhân hậu ở bên chúng ta, Ngài sẽ đỡ nâng chúng ta. Điều trên hết chúng ta cần tìm là: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).

 

Như thế, chúng ta cảm nhận được rằng, bình an chính là ơn của Thiên Chúa ban, ơn của Thần Khí; đó chính là sự sung mãn Thần Khí đổ xuống tràn đầy trên những ai mở lòng cho Chúa và biết tín thác cậy trông hoàn toàn vào Chúa, dù trên thực tế không thể nào biến mất hoàn toàn mọi lo âu, phiền muộn trong đời sống thường ngày. Tuy nhiên, bình an của Chúa ban sẽ đưa lại cho ta một nơi trú ẩn tuyệt vời, thanh thoát và làm vơi đi lo âu, làm dịu bớt ưu phiền.

Vì thế, chúng ta luôn ý thức cầu xin Chúa ban bình an cho chúng ta, và luôn biết khôn ngoan dâng Chúa mọi âu lo của cuộc sống.

Vì thế, mỗi sáng thức giấc việc dâng mình, dâng ngày cho Chúa thật hữu ích cho chúng ta.

Cũng thế, trước khi đi ngủ việc hồi tâm, cũng sẽ giúp chúng ta “sắp xếp lại đời mình”, để gạn đi tất cả những vẩn đục của bất an, và nhờ thế chúng ta sẽ khơi gợi ra được dòng nước trong lành bình lặng trong tâm hồn chúng ta.

 

“Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su”. Thật vậy, khi bình an của Thiên Chúa hiện diện sống động trong lòng chúng ta, thì chúng ta được đón nhận một ơn đặc biệt là: luôn được sống thân mật với Chúa Giê-su trong trí hiểu và trong trái tim, nghĩa là trong toàn bộ đời sống và con người chúng ta.

 

“Được sống thân mật với Chúa Giê-su là một diễm phúc”. Thánh Tê-rê-sa Avila đã thốt lên như vậy. Vì cảm nhận được hương vị bình an và hoan lạc từ chính đời sống kết hiệp mật thiết với Chúa Giê-su, nên thánh nữ còn khuyên bảo: “Nếu có thể, mỗi ngày nhớ đến Chúa nhiều lần, không được thế, thì ít lần vậy. Hãy cố gắng tập thói quen ấy, sớm muộn gì rồi cũng thu hoạch được lợi ích”.

Chúng ta hãy để những lời của thánh nữ thấm sâu vào lòng chúng ta.

 

Thật vậy, khi chúng ta sống nhờ Chúa, sống với Chúa và sống trong Chúa, là chúng ta đang sống ở nhà trong nhà của Chúa. Ngôi nhà tuyệt vời này đưa lại cho chúng ta bình an sâu thẳm, nơi đó chúng ta không còn sợ hãi, lo âu, nơi đó chúng ta có thể sống thật với chính mình, không còn giữ kẽ, không còn đeo mặt nạ. Vì thế, chúng ta cố gắng cầu xin Chúa Thánh Thần giúp cho chúng ta luôn sống mật thiết với Chúa Giê-su trong đời sống thường ngày, như cành nho bám chặt vào Thân Cây Nho.

 

“Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo”. Bác ái yêu thương là tinh thần nền tảng cốt lõi mà Chúa dạy chúng ta. Khi chúng ta sống bác ái thật, thì sẽ đưa lại bình an. Chúa Giê-su nói với chúng ta: “Phúc thay ai xây dựng hoà bình” (Mt 5,9).

Thế nào là xây dựng hoà bình? Có lần nào Anh Chị Em đã trở nên người xây dựng kiến tạo hoà bình, giúp hoà giải trong một cuộc tranh cãi, trong những căng thẳng và giận giữ? Trải nghiệm về điều đó đưa lại ý nghĩa và giá trị gì cho cuộc sống của Anh Chị Em.

Lời kinh Hoà Bình của thánh Phan-xi-cô mà chúng ta rất thích hát đã thấm vào lòng và trở nên hồn sống của chúng ta chưa? Chúng ta nên nhìn lại tất cả những suy nghĩ của mình, những lời nói và hành vi cùng hành động của mình, xem chúng ta đã và đang dựa trên bác ái chưa, và có đưa lại bình an cho mình và cho người khác không?

 

Ngoài ra, xây dựng bình an cũng là nghệ thuật sống, cụ thể qua việc đơn giản hoá cuộc sống của mình. Khi chúng ta đơn giản hoá được các vấn đề tranh cãi, đôi khi chẳng ra gì, thì chúng ta sẽ tìm thấy bình an. Khi chúng ta mài tròn các góc cạnh sắc bén có thể làm rỉ máu, khi chúng ta làm nhẹ bớt đi các mâu thuẫn, tranh chấp, thì bình an sẽ đến.

 

Ai càng thích rắc rối và làm cho những chuyện vặt vẵn trở thành vấn đề nghiêm trọng, thì người đó sẽ bất an trong tâm hồn và sự bất an này sẽ lan toả đến người khác.  

 

Ai càng thích rắc rối, thích xét đoán, thích kết án người khác, kết án xã hội, thì lòng của họ đang có vấn đề. Sự bất an đang chế ngự tâm hồn họ. Những người này sẽ làm rối tung lên mọi chuyện và hậu quả là chia rẽ, bè phái và bệnh nhức đầu mất ngủ sẽ đến. Hơn nữa, nguy hiểm hơn, khi họ thích chơi trò “ma quái” gây náo động cả một tập thể, để tất cả đều phải thấy chuyện cỏn con kia là vấn đề lớn và nan giải. Đó là dấu hiệu của thần dữ đang len lỏi và điều khiển.

 

Vì thế, sống đơn giản để được bình an cũng là sống không bao giờ đặt cái tôi thật lớn của mình là trung tâm của vũ trụ. Đơn giản với chính mình là thanh thoát với chính cái tôi, nhờ đó bình an sẽ đến. Đó là khôn ngoan của người khiêm tốn và hiền lành.

 

Ngoài ra, sự dữ luôn manh nha lấy mất đi sự bình an trong chúng ta, bằng cách đẩy chúng ta vào các cơn cám dỗ  và phạm tội.

Phạm tội thì dễ, nhất là những tội nào mang dáng vẻ “tươi vui” và “hạnh phúc” bên ngoài. Nhưng sau khi phạm tội là sự bất an sẽ đến. Con người sẽ rơi vào tình trạng thê lương của đêm đen và trì nặng. Trong lúc này, lời cầu xin của kinh Lạy Cha thật tuyệt vời: “Xin đừng để chúng con sa vào cám dỗ, nhưng cứu chúng con ra khỏi sự dữ”.

 

“Ước gì ơn bình an của Đức Ki-tô điều khiển tâm hồn anh em”.

 

Lời của thánh Phao-lô là một ước nguyện tốt lành dành cho con cái của ngài, dành cho mỗi người chúng ta.

 

Vì thế, để trở nên con người kiến tạo hoà bình, xây dựng bình an,

thì cần có cuộc sống kết hiệp mậ thiết với Chúa Giê-su.

Để có thể tránh được những rối răm gây ra bất an,

lo âu và những chuyện phá tan niềm vui và hạnh phúc,

thì cần mặc lấy chính tinh thần của Đức Ki-tô,

nghĩa là để cho bác ái và yêu thương thấm vào trái tim,

điều khiển suy nghĩ, lèo lái miệng lưỡi và

hướng dẫn đôi chân và đôi tay của chúng ta.

Để có thể tránh được cám dỗ và sự dữ,

Thì cần luôn bám chặt vào Chúa

và khiêm tốn ngoan ngoãn sống theo sự hướng dẫn của Thần Khí.

 

Cuối cùng chúng ta có thể suy xét lại cuộc sống tâm linh của mình:

 

  • Có Chúa là có bình an. Tôi ý thức về điều này như thế nào? Có bao giờ tôi trải nghiệm được ơn bình an sâu thẳm trong Chúa chưa? Hãy làm sống động lại trải nghiệm đó và tâm tình với Chúa!
  • Tôi đã và đang sống mật thiết với Chúa Giê-su như thế nào? Tôi có thường nhớ đến Ngài, tâm sự và hỏi han Ngài không? Hay chưa bao giờ hay thật ít khi hình bóng Chúa xuất hiện trong đời tôi?
  • Tôi có sống nhờ Chúa, sống với Chúa và sống trong Chúa chưa? Nên suy xét lại cuộc sống của tôi dưới ba góc độ này.
  • Nhìn lại mình và đời sống hằng ngày, tôi có nhận ra mình là người xây dựng và kiến tạo hoà bình chưa? Tôi có thích rắc rối và thích làm mọi chuyện dù thật nhỏ trở nên trầm trọng hơn không? Nếu có tại sao vậy?
  • Chắc chắn ai cũng có trải nghiệm phạm tội đưa lại bất an. Hãy làm sống động lại một trải nghiệm phạm tội và được Chúa cứu thoát, tha thứ và đưa lại bình an. Trong âm thầm tri ân Chúa.

 

Cuối cùng chúng ta cùng cầu nguyện:

 

Lạy Chúa Thánh Thần,

Xin ban hoa trái bình an cho chúng con,

Bằng cách giúp con biết sống kết hiệp với Chúa Giê-su,

Bằng cách giúp con luôn ý thức sống trong mái nhà yêu thương của Chúa.

Cũng xin biến đổi trái tim trí hiểu và toàn bộ con người con,

Để con trở nên khí cụ bình an của Chúa. Amen.                   

 

Chúng ta cùng đọc kinh Lạy Cha, kinh Kính mừng và kinh Sáng Danh.

 

3) Lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ luôn chiếu soi trên hành trình của chúng con /

như dấu chỉ của ơn cứu độ / và niềm hy vọng.

Chúng con phó thác chúng con cho Mẹ, là Sức khỏe của các bệnh nhân.
Dưới chân Thánh giá, Mẹ đã hiệp thông /

trong nỗi thống khổ của Chúa Giêsu, với một đức tin kiên vững.
Lạy Mẹ, là Phần Rỗi của dân thành Rôma, Mẹ biết điều chúng con cần / và chúng con chắc chắn rằng,  Mẹ sẽ ban cho chúng con, để giống như ở Cana miền Galilê, niềm vui và lễ hội / sẽ trở lại sau thời gian thử thách này.
Lạy Mẹ của Tình yêu Chúa, xin giúp đỡ chúng con, để chúng con biết vâng theo thánh ý Chúa Cha / và làm điều mà Chúa Giêsu phán bảo chúng con.
Ngài là Đấng/ đã gánh lấy trên mình Ngài / các nỗi đau của chúng con, và Ngài mang lấy những buồn sầu của chúng con, để qua Thánh giá, đưa chúng con đến niềm vui Phục Sinh.
Lạy Mẹ Thiên Chúa, chúng con tìm nương náu / dưới sự che chở của Mẹ.

Xin chớ chê chớ bỏ / lời cầu xin của chúng con / đang trong cơn thử thách,

và thân lạy Đức Trinh nữ/  vinh hiển đầy ơn phúc,

xin giải thoát chúng con khỏi mọi hiểm nguy. Amen.

 

 

4) Kinh Trông Cậy.

 

Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện, trong cơn gian nan thiếu thốn, Đức Nữ Đồng Trinh hiển vinh sáng láng hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen.

Lạy rất thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu.
Thương xót chúng con.

Lạy Trái Tim cực Thánh cực tịnh Rất Thánh Đức Bà Maria.
Cầu cho chúng con.

Lạy Ông thánh Giuse là bạn thanh sạch Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh.
Cầu cho chúng con.

Lạy Tổng Lãnh Thiên Thần Micae.

Cầu cho chúng con.

Các Thánh Tử Vì Đạo nước Việt Nam.
Cầu cho chúng con.

Mẹ Tê-rê-sa Can-cút-ta.

Cầu cho chúng con.

Thánh Rô-cô.

Cầu cho chúng con.

Nữ Vương ban sự bằng an.
Cầu cho chúng con.

 

5) Phúc lành của Chúa.

 

Xin Thiên Chúa luôn đồng hành và

dẫn bước anh chị em trên hành trình cuộc đời. Amen.

 

Xin Thiên Chúa luôn đi trước anh chị em,

để chính Ngài dọn con đường cho anh chị em

bước đi trong an toàn và bình an. Amen.

 

Xin Thiên Chúa luôn đi sau anh chị em,

Để Ngài sẽ ra tay nâng đỡ và ban thêm sức mạnh cho anh chị em,

khi anh chị em rơi vào khó khăn thử thách. Amen.

 

Xin Thiên Chúa dịu dàng cúi xuống bồng ẵm anh chị em lên đôi tay của Ngài,

Khi anh chị em đau yếu và trở nên tê liệt hoàn toàn. Amen.

 

Xin Thiên Chúa Ba Ngôi quyền năng và giàu lòng thương xót,

là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần

ban tràn đầy phúc lành, luôn chở che anh em trong vòng tay dấu ái của Ngài. Amen.

 

6) Thánh Ca:

Kinh Hoà Bình (Sáng tác: Kim Long).