Bài Mới

1) Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen

 

2 Kinh Sáng Soi: Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.

 

3) Chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.

 “Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu, là sức mạnh của ta.
Người luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi ta phải ngặt nghèo.

Nên dầu cho địa cầu chuyển động,
núi đồi có sập xuống biển sâu, ta cũng chẳng sợ gì”
(Tv 45,2-3).

 

4) Suy niệm:

Quý Ông Bà và Anh Chị Em cùng các Cháu thân mến,

Lời Chúa chúng ta vừa nghe là lời cầu nguyện được trích từ Thánh Vịnh số 45.

Lời này cũng là Thánh Vịnh Đáp Ca trong Thánh Lễ hôm nay.

Thánh vịnh này được người Do-thái cầu nguyện để ca tụng Chúa, và để nhắc nhớ cho nhau rằng: “Thiên Chúa là nơi ẩn náu và sức mạnh của người tín hữu”.

Hôm nay, chúng ta cũng cầu nguyện với lời Thánh Vịnh này, để nhắc nhớ cho nhau: Thiên Chúa vẫn đang hiện diện, Người là sức mạnh là nơi ẩn náu cho chúng ta,

ngay giữa bối cảnh nhân loại đang lao đao và hoang mang vì con virus nhỏ bé vô hình, có sức mạnh dường như lớn hơn tất cả mọi quyền lực con người cộng lại,

Thế giới đang như hãnh diện kheo khoang sự tiến bộ, văn minh và rất kiêu hãnh về khả năng có thể làm được tất cả của mình, có thể giải quyết được mọi chuyện cách khoa học và nhanh chóng, giờ đây phải câm nín và lặng lẽ dõi theo con virus vô hình đang lây lan từ nơi này đến nơi khác, từ người này đến người nọ. Chính trị, kinh tế, xã hội, tôn giáo, y khoa, giáo dục, thể thao, du lịch và mọi lãnh vực của cuộc sống, dù muốn hay không, cũng phải “thắng lại và dừng bước” để đối diện với một thách đố như đang vượt sức người.

Thật vậy, sống trong đại dịch này, con người mới nhận ra trí khôn và trí thông minh tưởng là vô địch của mình, nhưng thực tế lại rất giới hạn; cuộc sống con người đã lộ ra rõ ràng tính mỏng dòn, dễ vỡ của mình. Lúc này bất cứ phận người nào, dù quyền lực hay đại gia, dù đẹp đẽ hay ngôi sao thể thao danh giá… và cả những người vô danh tiểu tốt nghèo hèn cũng đều có thể bị chú virus nhỏ bé kia viếng thăm. Và rồi Virus nhỏ bé kia có thể sẽ tiễn phận người đó về với lòng đất thẳm sâu.

Ai nói được là tôi an toàn một trăm phần trăm?

Ai dám khẳng định: “Tôi hoàn toàn thoát khỏi “tầm nhắm” của chú virus kia?” 

Không còn mở miệng ba hoa và ngẩng đầu kiêu hãnh, vì con người đang sống trong ngặt nghèo, địa cầu con người đang bị chuyển động thực sự. Có thể nhìn đại dịch này như một “cơn động đất” làm lay chuyển tất cả mọi tâm hồn. Và dựa vào lời Thánh Vịnh, chúng ta cảm nhận như là: núi đồi đang sập xuống dưới biển sâu.

Trong chính bối cảnh này, lời Thánh Vịnh lại vang lên như một âm thanh nhỏ bé đơn sơ, nhưng mang một sự xác tín mạnh mẽ của người tín hữu:

“Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu, là sức mạnh của ta.
Người luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi ta phải ngặt nghèo.

Nên dầu cho địa cầu chuyển động,
núi đồi có sập xuống biển sâu, ta cũng chẳng sợ gì”

Vâng, giờ đây ngoài Chúa ra, cuộc đời này không còn chỗ nào ẩn náu an toàn một trăm phần trăm cả.

“Chúa chính là nơi ta ẩn náu, là sức mạnh của ta”.

Chúng ta nhẩm đi nhắc lại lời này mỗi ngày thật nhiều lần nhé.

Đó là lời cầu nguyện tuyệt vời trong lúc này.

Chúng ta cầu nguyện như vậy, vì chúng ta tin rằng:

Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, mà Người luôn sẵn sàng giúp đỡ.

Dù cho “thế giới này bị động đất”, chúng ta cầu xin Chúa đừng để cho lòng mình bị lay động.

Chúng ta không biết tại sao nhân loại lại rơi vào đại dịch này. Có nhiều giả thiết và có nhiều khẳng định, nhưng tất cả đều chỉ là những kiểu tỏ bày của trí khôn đầy giới hạn của con người.

Điều lúc này, chúng ta là người tín hữu cần làm, là không để cho những giả thiết hay khẳng định đến từ bất cứ góc phố nào trên Internet, hay đến từ trên môi miệng và dòng chữ tự cho mình là khôn ngoan theo kiểu loài người, lọc lừa chúng ta, làm chúng ta hoang mang và rơi vào tình trạng bị tê liệt hoàn toàn.

Điều cần thiết là chúng ta “tìm nơi ẩn nơi Chúa, Đấng là sức mạnh của chúng ta”. Đó là cuộc sống chìm mình trong cầu nguyện, là đời sống của cành nho bám chặt vào thân cây nho, là cuộc sống “ở lại trong tình yêu của Chúa”.

Mẹ Tê-rê-sa Can-cút-ta nhắc nhớ: Chúng ta cũng được ơn gọi để trong thời điểm nào đó, cũng rút lui vào chốn riêng tư và tĩnh lặng sâu sắc cùng Thiên Chúa. Khi đó, ta hoàn toàn thoát khỏi mọi thứ, để trú ngụ một cách yêu thương trong sự hiện diện của Ngài – trong yên lặng, trống rỗng, trông chờ và bất động”.

Với lời của Mẹ và trong bối cảnh này, mỗi ngày chúng ta hãy dành thời gian và dành chỗ cho thinh lặng, cho cầu nguyện nhé. Chúa sẽ trao cho chúng ta những điều thật trìu mến và dịu dàng, khi chúng ta gặp Chúa trong thinh lặng.  Hãy để Chúa làm nên những bất ngờ tuyệt vời của tình yêu dành cho chúng ta trong cõi tĩnh lặng của nguyện cầu!

Thật vậy, trong bối cảnh này, phúc cho những ai biết tìm những khoảnh khắc tĩnh lặng ẩn náu bên Chúa, lòng kề lòng bên Chúa.

Để tìm nương ẩn nơi Chúa, bước căn bản cần làm, là chúng ta hãy dọn lại bàn thờ của gia đình mình. Lau chùi sạch sẽ các ảnh tượng. Trang hoàng lại khang trang bàn thờ của gia đình. Bàn thờ của gia đình giờ đây là trung tâm điểm của căn nhà và cuộc sống gia đình và của từng cá nhân, vì nơi đó Chúa đang hiện diện sống động, vì nơi đó mỗi người chúng ta sẽ được ẩn náu bên Chúa.

Mỗi ngày với tất cả ý thức, chúng ta dành ít nhất ba khoảnh khắc: Sáng – Trưa- Tối, để khiêm tốn đứng trước tôn nhan Chúa đang ngự trên bàn thờ gia đình và tâm tình cầu nguyện với Chúa.

Điều cần thiết kế tiếp chúng ta cần làm là biết sống thương xót lẫn nhau trong mọi lúc, mọi nơi và trong mọi điều nhỏ bé cũng như điều lớn lao, như chính Chúa thương xót chúng ta.

Yêu Chúa và yêu người thân cận hơn bao giờ hết trở nên nền tảng cho cuộc sống của người Ki-tô hữu. Nhưng chữ yêu không bao giờ có giá trị, nếu chỉ “dính” chặt trên môi miệng. Mẹ Tê-rê-sa Can-cút-ta nói: Hãy yêu thương nhau như Chúa yêu thương mỗi người chúng ta, bằng một tình yêu mãnh liệt và sâu sắc”.

Với lời của Mẹ, chúng ta xin Chúa Thánh Thần soi sáng chúng ta, trong lúc này biết trở thành những người khôn ngoan của tình yêu, biết tìm đủ mọi cách để sống yêu thương người khác, bắt đầu từ chính người gần gũi mình nhất.

Cụ thể, mỗi người suy nghĩ xem: Hôm nay và những ngày sắp tới, tôi nên làm gì, để yêu thương người thân bên cạnh tôi nhiều hơn và rõ hơn?

 

Giờ đây chúng ta cùng thinh lặng giây lát …

Chúng ta cùng đọc kinh Lạy Cha, kinh Kính mừng và kinh Sáng Danh.

 

5) Lời nguyện trong cơn dịch bệnh (HĐGM VN soạn thảo):

Chúng ta cùng đọc lời cầu nguyện trong cơn dịch bệnh:

Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa toàn năng / chúng con đang họp nhau cầu nguyện, / tha thiết nài xin cho cơn dịch bệnh mau chấm dứt. /

Lạy Chúa Cha giàu lòng thương xót / xin nhìn đến nỗi thống khổ / của đoàn con trên khắp thế giới, / đặc biệt tại những nơi dịch bệnh đang hoành hành. / Xin củng cố đức tin của chúng con, / cho chúng con hoàn toàn tín thác / vào tình yêu quan phòng của Cha. /

Lạy Chúa Giêsu là Đấng cứu độ duy nhất, / là vị lương y đầy quyền năng và lòng thương xót, / xin thương cho các bệnh nhân sớm được chữa lành, / và an ủi các gia đình đang gặp khó khăn thử thách. / Xin cho lời chúng con khiêm tốn cầu nguyện, / được chạm tới trái tim nhân lành của Chúa, / xin giảm bớt gánh nặng khổ đau, / và cho chúng con cảm nhận được bàn tay Chúa / đang ân cần nâng đỡ chúng con. /

Lạy Chúa Thánh Thần là nguồn sức mạnh tình yêu, / xin soi sáng các vị hữu trách và những người có khả năng, / giúp họ sớm tìm ra phương thuốc chữa trị dịch bệnh, / xin ban cho các bác sĩ và nhân viên y tế / sức mạnh của tình thương và lòng nhiệt thành quảng đại, / luôn tận tâm tận lực phục vụ các bệnh nhân. /

Chúng con xin trao vào đôi tay từ mẫu của Mẹ Maria, / những lời khẩn nguyện trong cơn đại nạn, / nhờ lời Đức Mẹ chuyển cầu, / xin Chúa nhận lời chúng con. Amen /

 

6) Ghi nhớ và mang Lời Chúa cùng lời thánh nhân bên mình trong suốt ngày sống.

“Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu, là sức mạnh của ta.
Người luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi ta phải ngặt nghèo.

Nên dầu cho địa cầu chuyển động,
núi đồi có sập xuống biển sâu, ta cũng chẳng sợ gì”
(Tv 45,2-3).

Chúng ta cũng được ơn gọi để trong thời điểm nào đó, cũng rút lui vào chốn riêng tư và tĩnh lặng sâu sắc cùng Thiên Chúa. Khi đó, ta hoàn toàn thoát khỏi mọi thứ, để trú ngụ một cách yêu thương trong sự hiện diện của Ngài – trong yên lặng, trống rỗng, trông chờ và bất động”.

Hãy yêu thương nhau như Chúa yêu thương mỗi người chúng ta, bằng một tình yêu mãnh liệt và sâu sắc” (Mẹ Têrêsa Cancutta).

 

7) Kinh Trông Cậy.

Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện, trong cơn gian nan thiếu thốn, Đức Nữ Đồng Trinh hiển vinh sáng láng hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen.

Lạy rất thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu.
Thương xót chúng con.

Lạy Trái Tim cực Thánh cực tịnh Rất Thánh Đức Bà Maria.
Cầu cho chúng con.

Lạy Ông thánh Giuse là bạn thanh sạch Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh.
Cầu cho chúng con.

Lạy Tổng Lãnh Thiên Thần Micae.

Cầu cho chúng con.

Các Thánh Tử Vì Đạo nước Việt Nam.
Cầu cho chúng con.

Mẹ Tê-rê-sa Can-cút-ta.

Cầu cho chúng con.

Thánh Rô-cô.

Cầu cho chúng con.

Nữ Vương ban sự bằng an.
Cầu cho chúng con.

 

8) Phúc lành của Chúa.

Nguyện xin Thiên Chúa Ba Ngôi là Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần luôn ở cùng chúng ta, che chở chúng ta trong bàn tay quyền năng và giàu lòng thương xót của Chúa.

 

9) Thánh Ca:

Lạy Chúa, con quỳ trước nhan Ngài.

Sáng tác:       La Tiểu Mẫn / Lời Việt: Hiếu Vũ / Hòa âm phối khí: Jos Tài

Trình bày:     Sùng A Bàng, Năng Thắng, Quang Đạo, Xuân Long, Xuân Trường.